Xin cám ơn các bạn đã đến thăm Trang Bóng Chuyền Sài Gòn Online! Đội bóng nào phòng thủ tốt nhất ở Việt Nam...?

Đội bóng nào phòng thủ tốt nhất ở Việt Nam...?

Đội bóng nào phòng thủ tốt nhất ở Việt Nam...?

Trong bóng chuyền, luôn được chia làm hai phần: Tấn công và Phòng thủ, hai nhiệm vụ đó phải hoàn thành tốt mới dẫn đến thắng lợi của đội bóng. 

Trong phòng thủ cũng chia làm hai phần, đó là phòng thủ trên lưới và phòng thủ mặt đất. Vì vậy, tôi sẽ giới thiệu và phân tích với các bạn những sơ đồ đội hình chiến thuật, những vị trí tham gia phòng thủ mặt đất. Sau đó, tôi sẽ giới thiệu với các bạn câu chuyện của các đội bóng có những bài, những giáo án riêng biệt về phòng thủ mặt đất. 

Động tác liên quan đến phòng thủ mặt đất bao gồm: Đệm bóng (Chuyền thấp tay) và Búng bóng (Chuyền cao tay). Cứu bóng bằng một tay hoặc hai tay (Nhảy cá lặn). 

Những cầu thủ ăn tập chuyên nghiệp, trước khi tập đệm bóng chắc hẳn còn nhớ món "Đi vịt" (Hạ thấp gối và thấp mông di chuyển). Trong phần đệm bóng, cầu thủ nữ thường đệm bóng đẹp hơn nam, áo dài tay đệm bóng lên êm ả hơn áo ngắn tay. Điều đó chứng tỏ, muốn đệm bóng tốt bạn phải đệm sâu tay, từ phần đeo đồng hồ trở lên khuỷ tay. 

Điều quan trọng số một trong việc phòng thủ mặt đất, là bạn phải phán đoán lực bóng của đối phương, để có tư thế phòng thủ hợp lý. Đối phương có sự tổ chức tốt, tấn công lực mạnh thì bạn thấp người, đối phương không có sự chuẩn bị tốt thì bạn cao người di chuyển nhằm nhanh hơn. Trong trường hợp bóng đối phương cứu sang thì bạn nên chuyền cao tay đưa bóng nhanh vào khu vực chuyền hai, chuyền chiến thuật phản công. 

Rõ ràng, việc chuyền bóng cao tay là cần phải làm tốt, nhưng ngày nay do chuyên môn hoá vị trí, nên việc chuyền bóng cao tay gần như chỉ có chuyền hai là tích cực tập luyện. Trong trường hợp phải cần đến chuyền cao tay cho nhanh và chính xác, hoặc tự chuyền cho nhau, rất nhiều cầu thủ không làm được. 

Trong phòng thủ mặt đất với lực tấn công mạnh, bạn phải kết hợp với phòng thủ trên lưới. Bạn quan sát tay chắn đồng đội, để di chuyển ra khu vực có khoảng sáng trên lưới, khi tay chắn đồng đội không che chắn kín hết. 

Nhìn chung có 3 vị trí trên sân phòng thủ lực đập: Hướng chéo (Gồm hai vị trí số 5 và số 4 không tham gia chắn, lùi về để phòng thủ hướng chéo của đối phương hướng thẳng Y). Đây là vị trí số 1 trên sân chiếm giữ, tuỳ từng trường hợp, từng đội bóng khác nhau, họ có bài phòng thủ số 1 khác nhau. Bóng bật tay chắn về phía cuối sân hoặc đối phương tấn công vào khu vực 6 lùi. Đây là một cách thay đổi rất mới so với trước kia, đó là sơ đồ phòng thủ 6 lùi. Trước kia tính từ 1990 về trước, người ta hay phòng thủ (6 tiến) để lên bọc lót bắt những pha bỏ nhỏ. 

Thời của chúng tôi chơi bóng, nếu người tấn công mà đập vào khu vực số 6 (Giữa sân) thì bị coi là kẻ vụng về vũ phu. Có lẽ ngày ấy chiều cao và sức bật của cầu thủ chưa tốt nên người đập bóng tránh tay chắn nên thường tấn công hai phía chéo và Y. Ngày nay thì nhiều cầu thủ tấn công tay cao về cuối sân nên việc bố trí phòng thủ (6 lùi) là hợp lý. 

Tôi đưa ra một sơ đồ phòng thủ kiểu Piton (Pít tông) để các bạn tham khảo. Sơ đồ này không mới những vẫn còn hữu hiệu cho các đội bóng ở bóng chuyền Việt Nam. Bạn hình dung cái pit tông trong cỗ máy di chuyển lên xuống nhịp nhàng rồi chứ. Có nghĩa là khi đội mình tấn công thì cả đội tiến lên gần hơn với lưới, để phòng thủ yểm hộ người tấn công. Ví dụ: Số 4 tấn công, số 5 dâng lên, số 1 bó vào, chuyền hai và libero tiến gần đến số 4. Tương tự thế, nếu số 2 tấn công thì số 1 dâng lên, số 5 bó vào và chuyền hai cùng libero tiến về khu vực số 2. Sau khi bóng sang sân đối phương thì: 3 cầu thủ tham gia chắn ở hàng trên áp sát lưới, di chuyển chiều ngang theo 9m lưới, để chắn bóng. Cùng lúc ấy 3 vị trí hàng sau phải lùi về chiếm chỗ,  sao cho thích hợp, đặc biệt 1 trong 3 cầu thủ không tham gia chắn bóng phải lùi về phòng thủ. Các đội phong trào thường mắc căn bệnh, người không chắn bóng không chịu lùi về hoặc lùi ra khán giả. 

Sau đây, tôi có đôi điều nhận xét về các đội bóng ở Việt Nam phòng thủ mặt đất. Tôi chưa nói đến tư thế và động tác phòng thủ cơ bản cá nhân vì đây là trách nhiệm của các HLV ban đầu. Tôi chỉ dành riêng việc chiếm chỗ di chuyển trên sân của các cầu thủ.  

Trái tim tôi cho bóng chuyền là công tâm và vô tư không có ý gì! Sau đây để nói về các đội bóng. Về các đội nữ phòng thủ mặt đất. Đội bóng phòng thủ tốt nhất là đội nữ Bộ tư lệnh thông tin, họ đào tạo cầu thủ có chiều sâu, động tác chuẩn mực, tôi dám nói là nếu tôi nhìn cầu thủ đệm bóng sẽ nói cầu thủ này có phải từ Bộ tư lệnh thông tin ra hay không? Để ý bộ đùi, gối, mông của các cầu thủ Bộ tư lệnh thông tin khá chuẩn mực, họ nhiệt tình lăn xả phòng thủ, cả đội bóng như một cỗ máy vận hành trơn tru. Đội bóng thứ 2, sau Bộ tư lệnh thông tin là ĐKVĐ nữ Việt Nam - Geleximco Thái Bình. Nói về phòng thủ mặt đất thì các cô gái Thái Bình có truyền thống thủ dai (...như đỉa), họ có bảo bối riêng, họ không thừa cầu thủ. Tức là Thái Bình có sự luân chuyển vị trí rất tốt, họ làm từng ngày từng buổi tập từng pha bóng. Họ không thừa cầu thủ chính là vì họ bố trí cầu thủ hợp lý, cách vạch biên ngang bao nhiêu, biên dọc bao nhiêu là vừa và các cầu thủ cách nhau bao nhiêu. Đặc biệt, chủ công hàng trên không tham gia chắn của họ lùi sâu rất kín sân. Hãy để ý, Nguyễn Thị Uyên ở hàng trên không chắn bóng lùi về kết hợp với hàng dưới rất kín sân, động tác tay chân khá ổn. Với cá nhân tôi thì hai đội bóng chuyền nữ Bộ tư lệnh thông tin và Geleximco Thái Bình có những bài phòng thủ khá nhuần nhuyễn và tôi gọi là hay. Các đội còn lại, tôi chưa có thời gian theo dõi tỉ mỉ nên không có ý kiến. 

Đội bóng nào phòng thủ tốt nhất ở Việt Nam...?

Về các đội bóng chuyền nam, tôi cho rằng bóng của nam có lực mạnh và tốc độ nhanh hơn các đội bóng nữ nên phòng thủ trên lưới tốt, mới giúp ích cho phòng thủ mặt đất. Nhưng trong trận đấu vẫn còn nhiều pha bóng tấn công giảm lực hoặc bị người phòng thủ phán đoán đúng vị trí bóng rơi. Phòng thủ mặt đất có thể nói, Thể Công là có nhiều gương mặt phòng thủ tốt hơn cả. Sau đó là Sanest Khánh Hòa, họ bắt bước một có tỷ lệ mắc lỗi ít, điều đó chứng tỏ họ tập luyện bài bản và chăm chỉ. Với Thể Công, họ cân nhắc và tìm các cầu thủ chuyền một tốt, bởi đội bóng của họ phát huy chiến thuật nhanh chồng. Nhận xét cá nhân của tôi có thể xét trên từng góc độ khác nhau, có thể sai, có thể đúng trên mọi vị trí quan sát của nhiều người khác nhau. 

Các bạn nếu có thời gian và tình yêu với bóng chuyền hãy tự mình xem xét và đánh giá tham khảo nhé!

Ảnh: TUẤN RYAN

TÂM DỤC TÚ

Đăng nhận xét

0 Nhận xét