Xin cám ơn các bạn đã đến thăm Trang Bóng Chuyền Sài Gòn Online! Lối chơi của các phụ công ở bóng chuyền Việt Nam!

Lối chơi của các phụ công ở bóng chuyền Việt Nam!

Lối chơi của các phụ công ở bóng chuyền Việt Nam!

Trong bài viết này tôi xin trân trọng giới thiệu với các bạn nội dung xoay quanh vị trí phụ công trong bóng chuyền. Để bài viết có tính tập trung, rõ ràng và cụ thể hơn, tôi xin chia làm 3 phần như sau: 

Phần 1 là yêu cầu và những tố chất của cầu thủ chơi phụ công: Nhiệm vụ của phụ công là phòng thủ trên lưới tích cực, tham gia tấn công với tốc độ nhanh và thu hút người bám chắn của đối phương. Từ nhiệm vụ trên, chúng ta sẽ xây dựng khuôn mẫu và kỹ thuật của cầu thủ chơi phụ công là nhanh, mạnh và "Thật". 

Từ "Thật" ở đây là phụ công vào đà quyết liệt, tham gia tấn công có bóng đánh cũng như không có bóng. Muốn nhanh tiếp cận với trái bóng, bắt buộc phụ công có bước đà cao người với tốc độ cực kỳ nhanh. Khác với chủ công là hạ người gập gối một góc từ 90 đến 120 độ. Phụ công không cần thế vút đà vào luôn tiếp bóng trước mặt, phần lưng không ngã ra ngoài nhiều. Về phòng thủ trên lưới, phụ công phải bám chắn ở phạm vi rộng giữa lưới, chắn bù biên 4, biên 2 và chắn nhanh hoặc hàng sau. Kinh nghiệm bám chắn thì ở bài viết này tôi không đề cập nhiều, chỉ giới thiệu một chút về chắn bóng và khoá bóng. Nếu chỉ chắn bóng thẳng tay và cứng tay thì cho dù có tin bóng cũng bay ra ngoài. Cho nên bắt buộc người chắn bóng phải mềm cổ tay và khoá chặt hướng bóng mình chắn bằng cách nghiêng tay trái hoặc phải khoá lại. 

Ở phần 2 là nhắc lại những phụ công tạo dấu ấn trong quá khứ của bóng chuyền Việt Nam: Thưa các bạn! Khi mà bóng chuyền chưa chuyên môn hoá vị trí, trong lịch sử bóng chuyền nước nhà tính từ thời sau 1975 đã có những mũi đánh nhanh rất hay và đặc biệt, đó là: ông Bùi Hữu Dông (Thể Công), bác Dông đánh nhanh không có lực nhưng nhanh tay và khó chịu nhất là những pha đánh hụt, ông Bùi Quang Ngọc (Thể Công) đánh nhanh tay trái cũng rất độc đáo, anh Hùng (Còn gọi là Hùng In2 ) là cầu thủ đánh 1 chân tay trái, điểm tấn công là ở số 4, anh chạy rất dài từ 2 sang 4, Nguyễn Duy Quang (Thể Công ) tấn công đa dạng nhanh trước, nhanh sau và lao ngắn. Đặc biệt, đội tuyển trong thời kỳ ông Nguyễn Mạnh Hùng làm HLV trưởng chúng ta có cặp phụ công suất sắc là: Huỳnh Văn Tuấn (Long An) và Phạm Văn Thành (Thể Công). Trong giải Cúp các CLB vô địch nam Châu Á tổ chức tại nhà thi đấu Quần Ngựa - Hà Nội, đội tuyển chúng ta ghi điểm chủ yếu từ phụ công.

Lối chơi của các phụ công ở bóng chuyền Việt Nam!

Ở phần 3 nói về các phụ công triển vọng hiện tại của ĐTQG nam sẽ tham dự SEA Games 32 với các cầu thủ: Cù Văn Hoàn, Nguyễn Thanh Hải (Ninh Bình Liên Việt Post Bank), 

Vũ Ngọc Hoàng (Hà Nội), Trần Duy Tuyến (Biên Phòng). Qua theo dõi Vòng 1 giải VDQ9G - Cúp Hóa Chất Đức Giang 2023 và Cúp Hùng Vương 2023, tôi nhận thấy đây là 4 phụ công hay nhất của bóng chuyền Việt Nam tại thời điểm này. Với cá nhân tôi thì Trần Duy Tuyến của Biên phòng và Vũ Ngọc Hoàng của Hà Nội tốt nhất. Sau mới đến Cù Văn Hoàn và Nguyễn Thanh Hải. Tuy nhiên, chắc chắn chúng ta sẽ sử dụng ít nhất 3  trong 4 phụ công trên, để thay người đáp ứng từng thời khắc, từng trận đấu. Cù Văn Hoàn phát bóng tốt (Bóng bay) và có chiều cao phòng thủ trên lưới. Vũ Ngọc Hoàng  nhanh tay và quyết liệt, tôi đang băn khoăn chuyền hai tuyển có bắn bóng kịp cho  Ngọc Hoàng không? Ở Ngọc Hoàng có hạn chế là chỉ hiệu quả khi đánh nhanh, hay nói cách khác là tấn công còn đơn giản, không đa dạng, thiếu lao ngắn và nhanh sau hoặc một chân. Trần Duy Tuyến, chàng trai khoác áo lính Biên Phòng đến từ quê hương Nam Định là mẫu cầu thủ chơi phụ công mà cá nhân tôi thích nhất. Duy Tuyến nhẹ người, nhanh và quyết liệt, thậm chí nhìn cái ánh mắt Ấn Độ của Tuyến, khán giả và đối phương không biết lúc nào Tuyến đánh lúc nào không?  Duy Tuyến với Đinh Văn Duy hiểu nhau nên phản công rất dễ triển khai tấn công và tấn công đa dạng, khi nào lao ngắn, khi nào đánh nhanh hình như cặp đôi này không cần ra ký hiệu. 

Bạn đọc thân mến ! 

Điều khó khăn của đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam hiện nay là thời gian quá ngắn để phối hợp giữa chuyền hai và các mũi phụ công. Điều khó khăn ấy càng chồng chất khi mà chúng ta đánh phản công.  

Thật vậy ! 

Khi chúng ta bắt bước một (bóng 1 hay gọi là sơ cấp) thì chuyền hai còn dơ ngón tay ra ký hiệu được, nhưng bóng phản công (bóng 2 hay thứ cấp) thì chuyền hai không thể ra ký hiệu, lúc ấy cần sự ăn ý hiểu nhau. Đấy là một trong những lý do ở đội tuyển ít đánh chiến thuật phối hợp nhanh chồng, bên cạnh lý do bước một quá tệ. 

Hy vọng, HLV trưởng Trần Đình Tiền, người mà tôi tin tưởng với kinh nghiệm của ông sẽ khắc phục vấn để trên với quỹ thời gian hạn hẹp! 

Bạn đọc Thân mến ! 

Cuối bài viết tôi xin dành cho các bạn yêu bóng chuyền mới tập chơi dạng phong trào một món quà. Món quà tôi mang đến dành cho các bạn là chọn vị trí dậm nhảy khi đánh nhanh. Các bạn khi chơi tự do,  không có thầy sẽ rất khó khăn khi đánh nhanh mặc dù rất thích, cái khó là không biết nhảy chỗ nào và bao giờ. Vậy thì các bạn sẽ tập nhảy không bóng ở một vị trí cách lưới 1 cánh tay trái và cách chuyền hai một cánh tay phải của các bạn. Lưu ý bạn úp mặt vào lưới.

Ảnh: TUẤN RYAN

TÂM DỤC TÚ

Đăng nhận xét

0 Nhận xét