Xin cám ơn các bạn đã đến thăm Trang Bóng Chuyền Sài Gòn Online! Tìm nguyên nhân thành công của bóng chuyền Sài Gòn - TPHCM trước đây

Tìm nguyên nhân thành công của bóng chuyền Sài Gòn - TPHCM trước đây


Để có được một thời kỳ đạt đến đỉnh cao về phát triển phong trào cũng như thành tích thi đấu trình độ cao, bóng chuyền TP HCM đã phải trải qua một chặng đường nhiều khó khăn, gian khó. Trong đó có sự đóng góp của nhiều doanh nghiệp kinh tế, đơn vị quản lý, tập thể các huấn luyện viên, giáo viên, vận động viên, người hâm mộ môn bóng chuyền TP HCM… Qua góc nhìn của người trong cuộc, xin đưa ra nhận định về một số yếu tố chính góp phần cho quá trình hình thành và phát triển thời kỳ đỉnh cao bóng chuyền Sài Gòn - TP HCM.

Kế tục và phát huy truyền thống thi đấu bóng chuyền nam thành tích cao ở Sài Gòn – miền Nam trước giải phóng.

Ngay sau những ngày đất nước thống nhất, hầu hết các tuyển thủ tuyển miền Nam trước năm 1975 đã tập luyện trở lại, trở thành lực lượng nòng cốt gầy dựng phong trào tập luyện và thi đấu bóng chuyền TP HCM và các tỉnh thành phía Nam.

Ờ TP HCM các VĐV tuyển thủ miền Nam cùng với một số VĐV có trình độ chuyên môn tốt tập trung về thi đấu cho các đội mạnh TP HCM như:

- Việt Nam Gas (Công nhân Hóa chất): Võ Bá Mẫng, Phan Thanh Phong, Nguyễn Công Tâm, Trương văn Chín, Lê văn Tân, Trần Tú Sơn (Tư So)… 

- Cảng Sài Gòn: Lâm Quang Phải, Tư…

- Công ty Vật tư Xăng dầu: Bành Suân Trình, Hồ Sĩ Lâm…

- Vidico (Cơ khí Luyện kim): Nguyễn Văn Hiếu, Phan Phước Thọ, Võ Đình Long, Đỗ Trí Quang, Minh, Hà…

- Trường Trung cấp TDTT TW2: Võ Thành Cương, Nguyễn Thành Lâm, Phan Phước Điền, Tống Thành Quan, Nguyễn Văn Thương …

- Quân đoàn 4: được thành lập từ các chiến sĩ các Sư đoàn về học và tập luyện ở trường Trung cấp TDTT TW2: Võ Như Lăng, Lương Khương Thượng, Trần Minh Khang, Đinh Ngọc Phê, Hà Xuân Thu…

Năm 1978 hai đội trường Trung cấp TDTT TW II và Quân đoàn 4 sáp nhập lại thành đội Quân đoàn 4.

Các đội bóng này hình thành giải thi đấu bóng chuyền nam cấp cao đầu tiên ở TP HCM, trình độ kỹ - chiến thuật cá nhân của các VĐV miền Nam là cơ sở nền tảng phát triển trình độ tập luyện và thi đấu cho các VĐV bóng chuyền nam thành tích cao từ sau năm 1975.

Thời điểm này có một sự kiện ảnh hưởng đến phong trào bóng chuyền TPHCM, tháng 8 năm 1975, hai đội nam Thể Công và Sông Hồng của Sư đoàn 350 cùng 2 đội nữ vào thi đấu giao lưu và biểu diễn ở thành phố. Đây là các đội bóng có truyền thống mạnh hàng đầu miền Bắc, được tập luyện chuyên nghiệp, tập huấn và thi đấu các giải quốc tế. Đội Quân đoàn 4 mới thành lập từ các chiến sĩ các Sư đoàn được tăng cường thêm các VĐV TP HCM thi đấu với đội sông Hồng. Trận đấu tuy mang tính chất giao hữu nhưng qua sự kiện này các đội bóng chuyền TPHCM có dịp đánh giá thực lực trình độ chuyên môn, là cơ sở chuẩn bị cho sự hội nhập với bóng chuyền trình độ cao toàn quốc. 

Hai đội bóng chuyền nữ Bộ tư lệnh Thông tin và Phòng không Không quân đợt du đấu biểu diễn ở miền Nam năm 1975.
Cũng từ sự kiện này, những hình ảnh thi đấu trình độ cao của các tuyển thủ bóng chuyền nữ Bộ tư lệnh Thông tin và Phòng không Không quân đã gieo ý tưởng hình thành các đội bóng chuyền nữ khu vực phía Nam sau này như Dược phẩm 24 TPHCM, nhà Văn hóa Thanh niên, Dệt Đồng nai, Dệt Long An… Sau đợt du đấu này nhiều VĐV miền Bắc chuyển vào Sài gòn sinh sống và làm nòng cốt hình thành các đội bóng chuyền nữ ở miền Nam như: Võ thị Minh An, Hứa Lệ Sinh, Thanh Mai, Nguyễn Thị Bích Phương (Dược phẩm 24), Nguyễn Thị Mùi (Dệt Đồng Nai)… 

Chú trọng công tác đào tạo – huấn luyện VĐV.

Bóng chuyền TP HCM là đơn vị đầu tiên ở miền Nam thực hiện công tác tuyển chọn và đào tạo VĐV năng khiếu bóng chuyền nam, đây là một trong các biện pháp chính góp phần làm nền tảng phát triển bóng chuyền thành tích cao ở TP HCM. 

Các lớp dạy bóng chuyền phong trào được tổ chức đầu tiên năm 1978 ở Nhà Văn hóa Thanh Niên (do cựu thủ quân Nguyễn văn Hán phụ trách), Cung VH Lao động, sân Phan Đình Phùng. Đến năm 1980, Sở TDTT TPHCM bắt đầu tổ chức các lớp năng khiếu trọng điểm và bán tập trung do các HLV Trần văn Nghĩa (Nhà Văn hóa Thanh niên), Tống Thành Quan, Vũ Văn Tuấn (Phan Đình Phùng) phụ trách. Năm 1984 bắt đầu hình thành các lớp năng khiếu tập trung do trường Năng khiếu Nghiệp vụ quản lý, HLV phụ trách chính là Tống Thành Quan. Trong giai đoạn này TP HCM rất chú trọng phát triển các lớp tập bóng chuyền năng khiếu ở các Quận – Huyện, bán tập trung ở sân Phan Đình Phùng. Các giải thi đấu học sinh – sinh viên, năng khiếu các Quận  - Huyện, các đội bóng phong trào Công nhân viên chức… là biện pháp để tuyển chọn các VĐV năng khiếu tập trung. Năm 1980 đội tuyển trẻ TP HCM được thành lập, HLV là Lâm Dũng, Tống Thành Quan; các VĐV: Quốc, Kiên, Thái, Vinh, Mạnh, Hiền, Thắng, Sơn, Khoa, Dũng… ngay lần đầu tham gia giải trẻ toàn quốc  tại Thái Nguyên đã đạt được chức vô địch cho TPHCM. Năm 1983, đội tuyển trẻ TP HCM với Tường, Mạnh, Thiện… được bổ sung thêm Huỳnh Thúc Phong, Trần Hùng, Nguyễn Bá Nghị (trường Đại học TDTT 2), tiếp tục vô địch giải trẻ toàn quốc tổ chức tại Hà Nội. Lực lượng các VĐV này cũng là thành phần chủ lực bổ sung cho các đội Công nhân Hóa chất vô địch năm 1987 (Quốc, Kiên, Thái, Vinh); Hợp doanh In số 2 hạng 2 năm 1987 (Tường, Mạnh, Thiện, Phong, Hùng); Cơ khí Luyện kim hạng 2 năm 1983 (Hiền, Thắng, Sơn); Cảng Sài Gòn (Khoa, Dũng).

Lực lượng các VĐV các lớp năng khiếu tiếp theo như: Hảo, Thông, Dũng, Lễ, Hòa, Oanh, Hùng, Tùng, Khôi, Huy, Lương, Triều, Hoạt, Hải, Khải, Đức Bảo… vô địch giải trẻ 1987 tiếp tục bổ sung về các đội Seaprodex, Dệt Thành Công, Công an TP HCM. Các VĐV này góp phần tạo nên thành tích cho đội Seaprodex 5 năm liền vô địch quốc gia từ năm 1989 đến 1994, đội  Dệt Thành Công vô địch năm 1995, đội Công An TP PCM vô địch năm 1997, 1998. Đây cũng là là thành phần VĐV tham gia đội tuyển trẻ quốc gia 1994, 1995; đội tuyển thành phố tham dự các giải Quốc tế và Đại hội TDTT toàn quốc; đội tuyển Quốc gia tham dự giải 3 nước Đông Dương, các kỳ SEA Games từ năm 1991 đến năm 1999.

Đội bóng chuyền năng khiếu năm 1984 sau này là thành phần chủ lực đội Seaprodex vô địch quốc gia từ năm 1989 đến 1994: Tống Thành Quan (HLV), Lễ, Bình, Dũng, Hòa, Tùng, Hảo, Thi

Tập trung – tập huấn đội tuyển TP HCM.

Từ năm 1981 đội tuyển bóng chuyền nam TP HCM bắt đầu tổ chức tập trung tập huấn thường xuyên ở các sân Phú Thọ, Phan Đình Phùng, Hoa Lư nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và chuẩn bị lực lượng VĐV tham gia thi đấu Đại hội TDTT toàn quốc và các giải quốc tế trong và ngoài nước do các HLV Lâm Dũng, Phan Phước Điền, Nguyễn Thành Lâm, Tống Thành Quan phụ trách. Thành phần tập trung tập huấn là các VĐV được tuyển từ các đội phong trào, năng khiếu, đội mạnh ở TP HCM có trình độ chuyên môn tốt. Thời kỳ này có các trận đấu giao lưu với các đội: đầu máy xe lửa Bungary, Campuchia, Hội sinh viên Chim Báo Bảo (Liên Xô). Sau khi thành lập Liên đoàn bóng chuyền TPHCM, thành phố liên tục tổ chức các giải quốc tế như: Granprix, cúp IBC, cúp Salonpas, cúp Tiger… luôn có nhiều đội khu vực tham gia như Thailand, Australia,Malaysia, Indonesia… đồng thời đội tuyển TP HCM cũng thường xuyên tham gia thi đấu các giải ở Thailand, Campuchia, Fukuoka (Nhật)…

Đội bóng chuyền năng khiếu vô địch giải trẻ Quốc gia năm 1995 sau này là thành phần chủ lực đội Công An TP HCM, Dệt Thành Công: Thanh, Quốc Bảo, Luân, Hiệp, Huyền, Anh, Toàn, Khoa, Thái Bình, Duy Bình, Tuấn, Phát.
Đội bóng chuyền năng khiếu năm 1990 sau này là thành phần chủ lực đội Công An TP HCM, Dệt Thành Công, đội tuyển Quốc gia 1995: Trần Đình Dũng (HLV), Lương, Lợi, Hải, Huy, Triều, Hoạt, Hùng, Minh, Khôi.

Tập trung đội tuyển trẻ và đội tuyển Quốc gia.

Đội tuyển Quốc gia năm 1999 được xem là năm có sự góp mặt cuối cùng các VĐV bóng chuyền TP HCM được thi đấu trong đội hình đội tuyển Quốc gia, những năm sau này và cho đến khoảng 2015, chỉ có một vài VĐV tham gia trong vai trò dự bị, kết thúc một thế hệ các VĐV bóng chuyền TP HCM luôn đóng góp lực lượng đa số trong thành phần đội tuyển. 

Đội tuyển Quốc gia tham dự giải 3 nước Đông Dương 1986, Lào: Đào Hữu Uyển (HLV Trưởng), Nguyễn Xuân Dung; Khang, Chánh (QĐ4), Mạnh, Luân (Thể Công), Phục (Long An), Sơn, Thắng (CKLK), Hùng, Phong (In 2), Hùng (BĐHN).
Đội tuyển Quốc gia tham dự giải 3 nước Đông Dương năm 1988, Hà Nội: Lâm Quang Thành (HLV trưởng), Đào Hữu Uyển; Phước, Thắng, Thiện Vinh, Thái (Hoá Chất); Long, Thiện, Hùng (Dệt Thành Công); Lễ (Seaprodex), Khang (Quân đoàn 4), Nguyện, Luân, Sơn (Thể Công).
Đội tuyển Quốc gia tham dự SEA Games lần 17 năm 1993 tại Singapore: Phan Phước Điền (HLV trưởng), Trần Văn Thư, với các VĐV: Trương Hữu Vinh, (Dệt Thành Công), Trần Minh Khang, (Quân đoàn 4), Lễ, Hảo, Hòa, Thông (Seaprodex); Hưng, Luân (Thể Công); Lương (CATP); Cường (Khánh Hòa).
Đội tuyển trẻ Quốc gia tham dự giải trẻ Đông Nam Á đầu tiên 1994, Philippines, Nguyễn Xuân Dung (HLV trưởng), Huỳnh Thúc Phong; Hùng, Bình (Dệt Thành Công); Đức Bảo, Khoa (Seaprodex), Khải, Huy (Công An), Tích (Thể công), Thiều (Vĩnh long), Binh (Khánh Hòa), Điểm (Quân đoàn 4).

Cán bộ quản lý và huấn luyện viên giỏi, tâm huyết.

Sau năm 1975, ông Lâm Dũng, một cựu VĐV bóng chuyền miền Bắc làm trưởng bộ môn bóng chuyền Sở TDTT TP HCM đầu tiên, vừa làm công tác quản lý vừa tham gia công tác huấn luyện. Từ năm 1979 - 1981 các sinh viên khóa I trường Đại học TDTT II ra trường, có nhiều sinh viên nhanh chóng trở thành các cán bộ quản lý và chuyên môn đầu tiên ở Sở TDTT TP HCM như: ông Lâm Quang Thành, Nguyễn Thành Lâm được giữ lại trường làm công tác giảng dạy, về nhận công tác tại Sở TDTT TP HCM có Tống Thành Quan, Trần Văn Nghĩa, Phan Phước Điền bắt đầu tham gia công tác huấn luyện, trọng tài, quản lý phong trào cũng như các đội bóng chuyền thi đấu thành tích cao.

Cũng như các môn thể thao khác ở TP HCM, bóng chuyền trong thời kỳ đầu xây dựng và phát triển gặp rất nhiều khó khăn về lực lượng chuyên môn, cơ sở vật chất, kinh phí… Để duy trì và phát triển phong trào tập luyện và thi đấu bóng chuyền TP HCM cho đến giai đoạn phát triển đỉnh cao là công sức về chuyên môn và tâm huyết của các lớp cán bộ chuyên môn bóng chuyền thế hệ đầu tiên: Tống Thành Quan, Trần Văn Nghĩa, Phan Phước Điền, Lâm Quang Thành, Nguyễn Thành Lâm… Bằng các biện pháp: tổ chức quản lý các giải đấu, phát triển công tác xã hội hóa bóng chuyền, nâng cao trình độ chuyên môn trong công tác huấn luyện, thành lập Liên đoàn bóng chuyền, mở rộng quan hệ với bóng chuyền khu vực…Các cán bộ trẻ này đã mạnh dạn định hướng và đổi mới bộ mặt bóng chuyền thành phố, đây là các yếu tố rất quan trọng, là nền tảng hình thành cho thời kỳ phát triển đỉnh cao bóng chuyền TP HCM.

Các cán bộ tiếp theo về tham gia công tác quản lý và huấn luyện bộ môn, Liên đoàn bóng chuyền TPHCM, Trường Nghiệp vụ Năng khiếu TDTT TP HCM như: Huỳnh Minh Tuấn, Nguyễn Viết Minh, Nguyễn Bá Nghị, Nguyễn Đình Dũng, Nguyễn Huỳnh Điệp, Nguyễn Văn Khánh…

HUỲNH THÚC PHONG

Đăng nhận xét

0 Nhận xét