Xin cám ơn các bạn đã đến thăm Trang Bóng Chuyền Sài Gòn Online! Các đội bóng và cá nhân tiêu biểu của bóng chuyền Sài Gòn - TPHCM

Các đội bóng và cá nhân tiêu biểu của bóng chuyền Sài Gòn - TPHCM

Bóng chuyền Sài Gòn - TPHCM trong thời kỳ đỉnh cao 1990-2000 xuất hiện rất nhiều cá nhân và tập thể đội bóng nổi bật đã góp phần tạo nên một thời kỳ phát triển mạnh mẽ trong làng bóng chuyền Việt Nam. Trang bongchuyensaigon.online xin được giới thiệu lần lượt để thông tin đến bạn đọc. 

Đội Công Nhân Hóa Chất năm 1975 - 1978: Tư So, Phong, Lang, Mẫng, Trí, Tân, Hải, Tâm, Dũng, Chín.
1. Công Nhân Hóa Chất

Là đội bóng được hình thành ngay sau ngày giải phóng, thành phần chủ lực là các tuyển thủ miền Nam trước giải phóng như: Lý Văn Lang, Phan Thanh Phong, Trần Tú Sơn (Tư So), Võ Bá Mẫng, Nguyễn Văn Tân, Nguyễn Công Tâm, Lã Đình Dũng… Công Nhân Hóa Chất là đội mạnh nhất TP HCM, là ngọn cờ đầu của bóng chuyền trình độ cao của TP HCM gắn với doanh nghiệp nhà nước đầu tiên là Công ty Kỹ nghệ que hàn, sau này đại diện cho Tổng cục Hóa Chất. Đội bóng tham gia giải hạng A thành phố và giao lưu các tỉnh thành toàn quốc, năm 1978 đại diện ngành Hóa Chất lần đầu tiên tham dự giải A1 Quốc gia đạt hạng 6.

Từ năm 1980, đội bóng bắt đầu bổ sung các VĐV trẻ thế hệ được đào tạo đầu tiên của thành phố: Lê Minh Quốc, Nguyễn Trung Kiên, Cao Xuân Thái, Lê văn Phước, Mai Ngọc Dũng…Huấn luyện viên trưởng là ông Lâm Dũng (tuyển thủ bóng chuyền miền Bắc) trưởng bộ môn bóng chuyền đầu tiên TP HCM. Năm 1982 đội bóng được tăng cường thêm chuyền hai Phan Phước Điền (VĐV, HLV), tập thể trẻ hóa này nổi bật với hàng chắn Kiên, Quốc (cao 190cm) từng gây khó khăn cho các tay đập tầm cao thời bấy giờ như Trần Minh Khang (Quân đoàn 4) Nguyễn Tuấn Mạnh (Thể công). Năm 1983 tại nhà thi đấu Phan Đình Phùng, trận thắng 3/0 lần đầu tiên trước đội Thể Công đã mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả TP HCM, mở đầu cho một thời kỳ hòa nhập bóng chuyền nam TP HCM với bóng chuyền trình độ cao Việt Nam. 

Các VĐV bổ sung sau này: Dương Văn Thiện, Mai Ngọc Dũng, Nguyễn Đức Thắng, 

Năm 1987, với HLV trưởng Lâm Quang Thành, tại nhà thi đấu Phan Đình Phùng đội Công Nhân Hóa Chất đoạt chức vô địch Quốc gia trong trận chung kết tỷ số 3/2 với In 2, đây là chức vô địch đầu tiên cho một đội bóng chuyền ở Sài Gòn - TPHCM.

Có thể xem thành tích này là thời điểm mở đầu cho một thời kỳ bắt đầu đạt những thành tích cao của các đội bóng chuyền TP HCM.

Đội Công nhân Hóa chất 1981 sân Hoàng Diệu (Thể Công): Thái, Vinh, Quốc, Bảy, Kiên, Tâm.
Võ Bá Mẫng

Thi đấu cho đội tuyển miền Nam từ năm 17 tuổi, tham dự SEAP Games 1971, 1973. Sau 1975, Võ Bá Mẫng cùng một số các VĐV miền Nam tập trung về thi đấu cho đội Việt Nam Gas (Công Nhân Hóa Chất), góp phần xây dựng đội bóng này trong thời kỳ đầu tiên phát triển phong trào bóng chuyền nam thi đấu trình độ cao ở TP HCM. Năm 1986 tiếp tục thi đấu và làm HLV cho các đội phong trào như: Công ty Rau quả miền Nam, Xa Cảng miền Tây, Công ty Vissan, thức ăn gia súc An Phú. 

Được đánh giá là VĐV có kỹ thuật toàn diện trong số các VĐV tuyển thủ miền Nam, nhanh nhẹn và linh hoạt trong tấn công và phòng thủ, nổi bật là sự tập trung, quyết liệt trong thi đấu.

Nguyễn Trung Kiên

Thế hệ VĐV trong thời kỳ trẻ hóa đầu tiên của bóng chuyền TP HCM, tập luyện phong trào từ Nhà văn hóa Thanh Niên với HLV Nguyễn văn Hán, chiều cao (188cm) và sức bật tốt. Năm 1979, khi chuyển về thi đấu Công Nhân Hóa Chất cùng lứa VĐV trẻ lớp năng khiếu thành phố đầu tiên: Thái, Vinh, Dũng, Phước… Kiên nhanh chóng trở thành VĐV chủ công chủ lực của đội bóng, cùng với Lê Minh Quốc (190cm), cặp đôi này tạo thành hàng chắn nổi tiếng thời bây giờ, gây khó khăn cho nhiều tay đập tầm cao khét tiếng như Khang (QĐ4), Mạnh (Thể Công). Thành viên đội tuyển Quốc gia năm 1983, HLV đội Vissan vô địch A2 thành phố, trưởng bộ môn bóng chuyền phòng TDTT quận Binh Thạnh.

Cao Xuân Thái

Kỹ thuật cá nhân toàn diện nhất trong các VĐV cùng thế hệ, được xem truyền nhân của Võ Bá Mẫng, Thái là mẫu VĐV thích  hợp nhất thi đấu trong đội hình chiến thuật 6:2 phổ biến thời bấy giờ, có thể thi đấu tốt ở cả vai trò chủ công và phụ công. Ý thức tập luyện, tư duy chiến thuật tốt, thi đấu tích cực…là nền tảng giúp duy trì thi đấu trình độ cao suốt thời gian dài. Thành viên đội tuyển Quốc gia năm 1983. Năm 1989, Thái chuyển về đội Dệt Thành Công và là nhân tố quan trọng góp phần cho chức vô địch đội Dệt Thành Công năm 1995.

Đội Cảng Sài Gòn năm 1978: Phú, Khanh, Tiến, Dũng, Chinh, Định, Quý, Hiệp
2. Cảng Sài Gòn.

Thành lập 1977, thời kỳ đầu có các VĐV miền Nam về tăng cường như Lâm Quang Phải, Phan Thanh Phong, Tư... là đội bóng thuộc biên chế nhà nước, thi đấu hạng A thành phố, có nhiều VĐV giỏi, được đánh giá là đội mạnh chỉ sau đội Công Nhân Hóa Chất ở TP HCM. Năm 1977, đội Cảng Sài Gòn vô địch giải Tổng cục đường biển Việt Nam, năm 1978 vô địch giải Công đoàn toàn quốc, được thăng hạng A1 toàn quốc.

Các HLV: Lâm Quang Phải, Nguyễn Văn Hán, Huỳnh Văn Khanh.

Các VĐV: Khanh, Gia Tiến, Hiệp, Văn Quý, Phú, Anh Quý, Chung, Giao, Nhân, Định, Dũng…

Năm 1979 do khó khăn về kinh phí, đội Cảng Sài Gòn giải thể, một số VĐV chủ lực về thi đấu cho đội Công ty In số 1.

Trần văn Quý

Tham gia tập luyện và thi đấu bóng chuyền từ thời học sinh trường Cao Thắng, Đại học Vạn Hạnh, là thành viên đội bóng CPS cùng với Nguyễn Thành Lâm, Nguyễn Văn Sở, Văn Anh Quý, Tống Thành Quan… Về thi đấu cho Cảng Sài Gòn từ những ngày đầu thành lập đội bóng, thể hình không cao nhưng có sức bật và sức mạnh rất tốt.

Đội Công ty Vật tư xăng dầu năm 1978: Xuân, Nam, Minh, Thắng, Thủy, Quyền, Phương, Vĩnh.
3. Công ty Vật tư Xăng dầu

Thành lập năm 1976, nằm trong 3 hạng đầu giải hạng A thành phố, tập trung nhiều VĐV có trình độ chuyên môn tốt như: Bành Suân Trình (cựu tuyển thủ miền Nam), Minh, Nam, Thắng, Thủy, Thủy, Quyền, Phương, Vĩnh, Lập, Bé Hai. 

Giải thể năm 1979, đa số các VĐV về thi đấu cho đội Cơ khí Đồng tâm.

Bành Suân Trình

Cựu tuyển thủ bóng chuyền miền Nam, tham gia SEAP Games 6, 1971, Malaysia, năm 1975 – 1976, thi đấu cho đội B Công Nhân Hóa Chất. Năm 1977 về đội Công ty Xăng dầu, một trong số ít các VĐV chuyền hai thi đấu trình độ cao sau năm 1975. 

Đội Quân đoàn 4 năm 1978, Võ Thành Cương, Phan Phước Điền, Nguyễn Thành Lâm, Võ Như Lăng, Trần Minh Khang, Nguyễn Văn Thương.
4. Quân Đoàn 4

Năm 1976, các VĐV là những cán bộ, chiến sỹ nòng cốt các đội bóng phong trào từ các đơn vị về học và tập luyện tại trường Trung cấp TDTT TW II: Võ Như Lăng, Trần Minh Khang, Lương Khương Thượng, Mai Xuân Cương, Hà Xuân Thu, Đinh Ngọc Phê. Tháng 4/1978 sáp nhập với các VĐV trường Trung cấp TW II: Nguyễn Thành Lâm, Phan Phước Điền, Nguyễn Văn Thương, Võ Thành Cương, Tống Thành Quan… thành đội bóng chuyền Quân Đoàn 4 thi đấu giải hạng A TPHCM và lần đầu tham gia giải A1 quốc gia. Đây là đội bóng quân đội có truyền thống trong công tác quản lý tập luyện và thi đấu trình độ cao ổn định nhất khu vực phía Nam từ sau ngày giải phóng cho đến hiện nay. Hầu hết đều tốt nghiệp trường Đại học TDTT TW 2 nên các VĐV đều có trình độ lý thuyết và thực hành kỹ - chiến thuật toàn diện, hình thành các hình thức phối hợp tập thể đa dạng đầu tiên trong hệ thống chiến thuật tấn công đội hình 6:2 như: giả chồng - chéo, tấn công nhanh - lao điều chỉnh, tấn công hàng sau. Với tập thể các VĐV: Khang, Điền, Lâm, Chánh, Trí, Cương, Thương, Lăng, Tuấn, Thành…đội bóng chuyền Quân Đoàn 4 là đội bóng đầu tiên ở miền Nam sau năm 1975 đoạt chức vô địch Quốc gia 3 năm liên tục 1980, 1981, 1982, tiếp theo là các năm1986, 1988. Nhiều VĐV trong đội là thành viên đội tuyển đội tuyển quân đội, đội tuyển Việt Nam tham dự các kỳ SEA Games, Asiad từ năm 1979 đến nay.

HLV trưởng qua các thời kỳ: Lâm Dũng, Nguyễn Thị Nguyệt, Phan Hồng Minh, Nguyễn Xuân Dung, Bùi Huy Châm, Vũ Mạnh Hùng, Nguyễn Thành Lâm, Võ Như Lăng, Trần Minh Khang, Phạm Chiến Thắng.

Các VĐV xuất sắc: Võ Như Lăng, Trần Minh Khang, Mai Xuân Cương, Đào Ngọc Chánh, Nguyễn Thành Lâm, Nguyễn Văn Thương, Phan Phước Điền, Trương văn Thành, Phạm Chiến Thắng.

Trước khi giải thể, đội Quân Đoàn 4 cũng gây tiếng vang với thương hiệu Quân Đoàn 4 - Becamex lọt vào Top 4 giải VĐQG PV Gas 2017.

Trần Minh Khang

VĐV, HLV đội bóng chuyền Quân đoàn 4, đội tuyển quốc gia; HLV:  đội Tuyển Quân đội, đội tuyển Quốc gia, Dầu khí Thái Bình Dương, Cao su Phú Riềng.

VĐV chủ công số 1 Việt Nam với 3 lần được bầu chọn là VĐV xuất sắc thể thao Việt Nam, góp phần lớn cho thành tích 5 lần vô địch của đội bóng chuyền Quân đoàn 4 và đội tuyển Việt Nam trong suốt thời gian từ 1979 – 1993.

Năng lực sức bật, tốc độ xử lý bóng trên lưới tốt, kỹ thuật tấn công toàn diện và đa dạng trong phối hợp chiến thuật tập thể, là VĐV chủ công có hiệu quả tấn công biên và hàng sau tốt nhất trong thập niên 1990. Cùng đội bóng Quân Đoàn 4, Trần Minh Khang là VĐV đầu tiên sáng tạo nhiều hình thức phối hợp chiến thuật đập bóng ở hàng trước cũng như hàng sau trong đội hình chiến thuật 6:2.

Đội Quân đoàn 4 năm 1979: Đào Ngọc Chánh, Nguyễn Hữu Trí, Võ Như Lăng, Nguyễn Thành Lâm,Trần Minh Khang, Đặng Đức Xuyên, Nguyễn Văn Thương, Phan Phước Điền, Mai Xuân Cương, Nguyễn Thế Ký (Trưởng đoàn)
Võ Như Lăng

Đội trưởng đội bóng chuyền Quân đoàn 4 từ những ngày đầu, VĐV chuyền hai cùng với Phan Phước Điền trong đội hình Quân Đoàn 4 thời kỳ đỉnh cao của đội bóng. Tác phong sinh hoạt và tập luyện nghiêm chỉnh, Võ Như Lăng sau này là HLV trưởng đội Quân Đoàn 4, ngoài ra còn thành công trong nhiệm vụ HLV đội bóng chuyền bãi biển Bà Rịa – Vũng Tàu, quận Tân Bình nhiều năm vô địch Quốc gia, đội tuyển bãi biển Quốc gia.

2 danh thủ Võ Như Lăng và Đào Ngọc Chánh năm 1981
Đào Ngọc Chánh

Học sinh trường TDTT TW II, bắt đầu thi đấu cho đội bóng chuyền Quân đoàn 4 từ năm 1979 cho đến năm 1997, thi đấu cho đội tuyển Quốc gia từ năm 1981 đến 1991. Giám đốc trung tâm TDTT Quân Đoàn 4 từ năm 1998 đến năm 2015. Sau khi nghỉ hưu, HLV Đào Ngọc Chánh phụ trách đào tạo cầu thủ trẻ cho CLB Bình Điền Long An.

Cao 178cm, Đào Ngọc Chánh có sức bật tốt, kỹ thuật toàn diện trong tấn công và phòng thủ, khả năng xử lý bóng khéo léo, Đào Ngọc Chánh là VĐV phụ công sáng tạo các hình thức tấn công nhanh – lao điều chỉnh đầu tiên ở Việt Nam. 

5. Cơ khí Luyện kim

Hạng 2 giải A1 Quốc gia năm 1983.

Thành lập 1980, tên ban đầu là Xí Nghiệp Dây đồng Long Biên, Vidico, đội mạnh nhất tỉnh Đồng Nai nhiều năm. Sau đó, đổi tên là Cơ khí Luyện kim. Bắt đầu tham gia giải A1 TP HCM từ năm 1978, giải ngành Công nghiệp từ năm 1980, lên hạng giải A1 Quốc gia năm 1982.

Các VĐV nổi bật qua các thời kỳ: Đỗ Cao Thắng, Đỗ Trí Quang, Nguyễn Văn Khoa, Đặng Kim Sơn, Võ Đình Long, Phan Phước Thọ, Hiếu, Hiền, Minh, Thắng, Thọ, Cảnh, Mẫn.

Các HLV qua các thời kỳ: Lâm Dũng, Vũ Mạnh Hùng, Phan Phước Thọ.

Các VĐV xuất sắc: Đỗ Cao Thắng, Đỗ Trí Quang, Đặng Kim Sơn, Võ Đình Long, Phan Phước Thọ

Năm 1988 đội giải thể, chuyển sang thi đấu phong trào, các VĐV: Sơn, Long, Khoa, Hiền về thi đấu đội Công An TP HCM.

Đặng Kim Sơn

VĐV có kỹ thuật toàn diện nhất trong thập niên 1980 với vai trò chuyền hai – tấn công trong đội hình 6:2, năng lực khéo léo trong xử lý bóng, Đặng Kim Sơn giữ nhiệm vụ chuyền hai trong đội hình đội tuyển Quốc gia từ năm 1980 đến 1991. 

Là VĐV, HLV góp phần cho chức vộ địch đội Công An TPHCM năm 1997.

Đỗ Cao Thắng

Tay trái, năng lực sức bật và tốc độ xử lý bóng trên lưới tốt, có thể thi đấu tốt trong vai trò chủ công và phụ công, thành viên đội tuyển Quốc gia nhiều năm từ 1983 – 1996. 

Đội Cơ khí Luyện kim năm 1980: Đỗ Cao Thắng, Đỗ Trí Quang, Nguyễn văn Khoa, Đặng Kim Sơn, Võ Đình Long, Phan Phước Thọ
6. Công ty Hợp doanh In số 2

Hạng 2 hạng A1 Quốc gia năm 1987.

Năm 1983, đội tuyển trẻ TP HCM gồm các VĐV: Vương Sĩ Mạnh, Đặng Ngọc Định Tường, Dương Quang Thiện, Nguyễn Văn Thành và Huỳnh Thúc Phong, Trần Hùng, Nguyễn Bá Nghị (trường Đại học TDTT 2), Húa Hồ Hiệp, Trương Minh Tùng, Nguyễn Ngọc Nam (BV Trinh Vương), tập trung tham dự giải bóng chuyền trẻ toàn quốc tại Hà Nội.  Sau khi vô địch trở về, bổ sung thêm các VĐV: Lê Văn Thành (Quân đoàn 4), Nguyễn Đức Thắng… thành lập đội Công ty Hợp doanh In số 2, tham gia thi đấu hạng A1 TP và được đặc cách lên thi đấu hạng A1 Quốc gia. Đội bóng là mô hình thành công từ lớp VĐV năng khiếu TPHCM kết hợp với đơn vị kinh tế. Năm 1988 đội giải thể, một số VĐV chuyển sang thi đấu cho đội Công ty Dệt Thành Công.

HLV qua các thời kỳ: Phan Phước Điền, Nguyễn Xuân Dung.

Các VĐV xuất sắc: Nguyễn Ngọc Nam, Hứa Hồ Hiệp, Đặng Ngọc Định Tường, Trần Hùng, Huỳnh Thúc Phong.

Đội Hợp Doanh In 2 năm 1984 (Hải Phòng): Hiệp, Tường, Nam, Tùng, Chống (trưởng đoàn), Thiện, Dung (HLV), bác Phân (chỉ đạo viên), Phong, Nghị, Hùng.
7. Dệt Thành Công

Từ đội bóng phong trào với lực lượng là công nhân công ty:  Quang, Đồng, Hiếu, Vũ… sau này có thêm Sơn (núi), Toản, Khanh, Mạnh, Sĩ Tuấn, Sĩ Hùng, Minh… đội bóng Dệt Thành Công bắt đầu tham gia giải TPHCM. Năm 1988, đội bổ sung các VĐV: Phong, Nghị, Tường, Hùng (In 2), Thái, Vinh (Hóa Chất), Triều, Hoạt, Bình, Bảo, Hiệp, Anh, Huyền (Năng khiếu TPHCM), Phương, Thanh Hùng, Minh… thi đấu giải A1  TPHCM và Quốc gia.

Đội vô địch giải A1 TP HCM 1991, 1992, 1993; hạng 2 năm 1994, 1996 và vô địch giải A1 Quốc gia năm 1995.

Các HLV qua các thời kỳ: Trần Văn Nghĩa, Phan Phước Điền, Nguyễn Xuân Dung, Nguyễn Thành Lâm, Tống Thành Quan, Huỳnh Thúc Phong, Trương Hữu Vinh.

Các VĐV xuất sắc: Cao Xuân Thái, Huỳnh Thúc Phong, Trương Hữu Vinh, Đào Thanh Hùng, Trần Văn Triều, Nguyễn Tân Hiệp.

Huỳnh Thúc Phong

Đội trưởng đội Dệt Thành Công, thi đấu từ năm 1988 đến năm 1993 chuyển sang làm HLV, góp phần cho hạng nhì QG năm 1993,1994, 1996 và chức vô địch năm 1995. Thành viên đội tuyển Quốc gia, HLV phó đội tuyển trẻ QG , đội tuyển Việt Nam.

Trương Hữu Vinh

VĐV tiêu biểu trong thời kỳ xây dựng phong cách thi đấu của bóng chuyền TP HCM.Khi chuyển sang đội hình 5:1 vào đầu năm 1990, kỹ thuật toàn diện, tư duy chiến thuật, khả năng linh hoạt là các phẩm chất nổi trội, sáng tạo nhiều động tác mới trong vai trò điều khiển các hoạt động phối hợp toàn đội. Là VĐV từng vô địch Quốc gia trong màu áo Công Nhân Hóa Chất (1987), Dệt Thành Công (1995), Sanest Khánh Hòa (2008).Thành viên đội tuyển Quốc gia tham dự các kỳ SEA Games 1991, 1993, 1995, 1997..

Đào Thanh Hùng

Chủ công, tay trái, khả năng xử lý bóng trên lưới tốt ở cả khu vực biên số 4 và biên số 2, thành viên đội tuyển QG năm 1995, 1997.

Trần Văn Triều

Lớp năng khiếu cùng thời Khôi, Lương, Huy… kỹ thuật cá nhân toàn diện trong tấn công và phòng thủ, thành viên đội tuyển QG năm 1995, 1997.

8. Seaprodex

Từ đội bóng phong trào Công ty Vật tư Thủy Sản thi đấu hạng A1 thành phố năm 1986 với các VĐV: Thạch, Cường, Thọ, Mỹ, Tuấn, Dũng, Anh… Năm 1988, đội tiếp nhận lớp năng khiếu TPHCM gồm: Phan Phước Điền (HLV), Lê Hồng Hảo, Châu Văn Lễ, Lê Văn Hòa, Phạm Xuân Dũng, Lê Minh Thông,Trần Quốc Thi, Lê Văn Oanh, Lê Minh Thông, Nguyễn Văn Hùng, Quách Thanh Bình… sau này tiếp tục bổ sung thêmcác VĐV từ lớp Năng khiếu TPHCM: Trần Đức Bảo, Nguyễn Tân Khoa, Ôn Văn Luân… Năm 1987 đội bắt đầu thi đấu giải hạng B toàn quốc, lên hạng A1 năm 1988, vô địch ngay năm đầu tiên thi đấu ở giải A1 Quốc gia và các năm tiếp theo từ 1989 – 1994.

Tập thể trẻ có lối đánh nhiệt tình, mới lạ với các hình thức phối hợp chiến thuật đẹp mắt và hiệu quả trong đội hình chuyên môn hóa sâu, chức năng các nhóm VĐV đầu tiên thời bấy giờ. Seaprodex là đội bóng đầu tiên ở Việt Nam chuyển sang thi đấu đội hình chiến thuật 5:1.

Có thể nhận định công sức đầu tiên thuộc về HLV trưởng Phan Phước Điền, một HLV tâm huyết với bóng chuyền TP HCM nói chung và đội Seaprodex nói riêng. Trong vai trò là trưởng bộ môn bóng chuyền TPHCM, Tổng thư ký LĐBC TPHCM, HLV trưởng đội tuyển TPHCM, anh luôn thể hiện khát vọng xây dựng một mô hình mang “thương hiệu” bóng chuyền TP HCM. Đây là nguyên nhân chính đội bóng Seaprodex luôn nhận được sự yêu mến của người hâm mộ thể thao TP HCM.

Mô hình thành công tập thể trẻ được quản lý đào tạo từ lớp năng khiếu cho đến thi đấu trình độ cao, cũng là sự thành công kết hợp giữa mô hình đơn vị tài trợ và đào tạo VĐV trẻ đã mở ra một thời kỳ thành công tiếp theo cho các đội bóng TP HCM suốt những năm 1990. 

HLV tiêu biểu: Phan Phước Điền, Trần Đình Dũng (1994).

Các VĐV xuất sắc: Lê Hồng Hảo, Châu Văn Lễ, Lê Văn Hòa, Lê Minh Thông, Lê Văn Oanh, Lê Minh Thông, Nguyễn Văn Hùng, Trần Đức Bảo. Các VĐV này là thành viên chủ lực cho đội tuyển Quốc gia tham dự SEA Games từ năm 1991 cho đến năm 1997.

Sau chức vô địch Quốc gia năm 1994, do khó khăn từ phía đơn vị chủ quản, đội bóng giải thể năm 1998, các VĐV còn lại tập trung về thi đấu cho đội Bưu Điện TP HCM.

Lê Hồng Hảo

Chủ công số 1 bóng chuyền TP HCM, góp phần chủ lực cho thành tích 6 năm liên tiếp vô địch cùng đội bóng chuyền Seaprodex cũng như bóng chuyền TP HCM trong thập niên 1990 – 2000. Năng lực thi đấu bùng nổ, xử lý bóng trên lưới nhanh. Cảm giác tiếp xúc bóng và sức mạnh tốt, Hảo là mẫu VĐV tấn công hiệu quả nhất ở khu vực số 4. Nhiều năm liền là VĐV bóng chuyền xuất sắc nhất TP HCM, thành viên đội tuyển Quốc gia từ năm 1993 đến 1997.

Châu Văn Lễ

Đội trưởng, tay trái, phong cách thi đấu điềm đạm nhưng là nhân tố điều phối nhịp điệu thi đấu toàn đội Seaprodex. Kỹ thuật cá nhân toàn diện, tấn công ở đa dạng các khu vực hàng trước cũng như hàng sau, thành viên thành viên đội tuyển Quốc gia từ năm 1988 đến 1997.

Nguyễn Văn Hùng

Mẫu VĐV phụ công đầu tiên sáng tạo các hình thức phối hợp trong đội hình chiến thuật 5:1, năng lực sức bật, nhanh nhẹn, xử lý bóng tốt, Hùng có khả năng kiểm soát một khu vực rộng trong phòng thủ cũng như tấn công nhanh – lao – một chân dọc chiều dài lưới.

Lê Văn Hòa

Kỹ thuật toàn diện, tư duy chiến thuật, tâm lý thi đấu tốt, sáng tạo nhiều hình thức phối hợp tấn công trong đội hình chiến thuật 5:1 được Seaprodex vận dụng đầu tiên vào đầu năm 1990.   

Trần Đức Bảo

VĐV trẻ tiếp nối trong thời kỳ hậu đỉnh cao đội Seaprodex, phong cách thi đấu bùng nổ, kỹ thuật toàn diện, là mẫu VĐV đa năng chuyền một – tấn công trong đội hình chiến thuật 5:1.

SEAProdex vô địch quốc gia năm 1994
9. Công An TP HCM 

Thành tích: nhiều năm vô địch giải ngành Công An, hạng 2 Quốc gia năm 1995, vô địch năm 1997, 1998.

Được thành lập vào khoảng năm 1980, tập trung các VĐV từ các đơn vị ngành Công An đóng trên địa bàn TPHCM, tham gia giải hạng A1 thành phố nhiều năm vô địch giải ngành, các VĐV thời kỳ đầu tiên: Dũng, Công, Thành, Lừng, Hà, Sang, Quý, Cường, Nhương, Tuấn.

Năm 1985 tham gia thi đấu hạng A2 và thăng hạng A1 Quốc gia. Năm 1987, đội Công an TPHCM bổ sung các VĐV Cơ khí Luyện kim: Sơn, Long, Khoa, Hiền. 

Năm 1994 bổ sung các VĐV từ lớp năng khiếu thành phố: Khôi, Lương, Hải, Hùng, Sơn, Khải, Huy, Bình, Tuấn, Toàn, Diễn (An Giang). Đây là tập thể đồng đều về chuyên môn nhất sau thế hệ Seaprodex, có nhiều VĐV giỏi là thành viên nhiều năm ở đội tuyển Quốc gia từ năm 1993 đến năm 2000.

HLV qua các thời kỳ: Nguyễn Hiệp, Mai Ngọc Dũng, Đặng Kim Sơn, Huỳnh Thúc Phong, Đỗ Xuân Quý, Trương Hữu Vinh, Shimizu, Lê Hồng Hảo, Lê Hồng Huy.

Các VĐV xuất sắc: Đặng Kim Sơn, Nguyễn Đình Khôi, Triệu Duy Lương, Phạm Huy Diễn, Trà Quang Khải, Lê Hồng Huy, Nguyễn Duy Bình.

Lê Hồng Huy

VĐV chuyền hai trụ cột cho đội Công An TP HCM nhiều năm, kỹ thuật toàn diện, linh hoạt và tư duy chiến thuật tốt, Huy là mẫu VĐV sau Vinh và Hòa có nhiều sáng tạo trong hoạt động điều khiển chiến thuật tấn công toàn đội. Ngoài Công an TP HCM còn thi đấu cho các đội bóng: Thép Việt TP HCM, Sanest Khánh hòa, Thể Công, thành viên đội tuyển Quốc gia nhiều năm.

Hiện là HLV, sĩ quan chuyên nghiệp Trung tâm TDTT Công an TP HCM.

Vô địch cúp Tiger 19898 (A1 Quốc gia): Huỳnh Thúc Phong (HLV trưởng), Đỗ Xuân Quý; Diễn,Lương, Khôi, Hải, Khải, Sơn, Huy, Tuấn, Toàn, Bình, Hạnh.
HUỲNH THÚC PHONG

Đăng nhận xét

0 Nhận xét