Xin cám ơn các bạn đã đến thăm Trang Bóng Chuyền Sài Gòn Online! Thăng trầm của bóng chuyền Sài Gòn - TPHCM sau năm 1975

Thăng trầm của bóng chuyền Sài Gòn - TPHCM sau năm 1975


Thời kỳ đỉnh cao của bóng chuyền TPHCM

Từ năm 1975, sau ngày đất nước thống nhất, phong trào thể thao khu vực miền Nam và TPHCM bắt đầu thời kỳ hồi phục và phát triển, bóng chuyền là môn được nhiều người tham gia tập luyện sớm nhất trong các trường học, xí nghiệp, cơ quan nhà nước, lực lượng Quân đội, Công an. Phong trào tập luyện và thi đấu các giải bóng chuyền giao lưu giữa các tỉnh thành, ngành nghề, công nhân viên chức, học sinh – sinh viên được tổ chức thường xuyên, một số đội có lực lượng VĐV trình độ chuyên môn tốt bắt đầu tham gia vào các giải Quốc gia. Các câu lạc bộ như: Phan Đình Phùng, nhà Văn hóa Thanh niên, nhà Văn hóa Lao động là những địa điểm thường xuyên được nhiều người tập luyện và tổ chức các giải thi đấu bóng chuyền phong trào cũng như trình độ cao, luôn thu hút đông đúc người hâm mộ. Phong trào tập luyện và thi đấu bóng chuyền TP HCM dần phát triển lan rộng các tỉnh thành phía Nam, sau này trở thành các đơn vị có phong trào bóng chuyền mạnhở khu vực như: Long An, Cửu Long, Hậu giang, Đồng Nai, Tây Ninh… 

Sở TDTT TP HCM bắt đầu tổ chức giải hạng A dành cho các đội mạnh như: Công nhân Hóa chất, Quân đoàn 4, Trường Trung cấp TDTT TW2, Cảng Sài Gòn, Nhà văn hóa Thanh niên, Nhà văn hóa Lao động, Công ty Vật tư Xăng dầu. Giải hạng B dành cho các đội phong trào: In số 2, Ba Son, Thanh niên xung phong, Vật liệu xây dựng, Cơ khí Đồng tâm, Lương thực Thủ Đức, Quân khu 7, Thức ăn Gia súc An Phú, Nam – Nữ Dược phẩm 24, Nam – Nữ Nhà Văn hóa Thanh niên… Sau này ngày có thêm nhiều đội tham gia như: Công an, Vissan, Điện lực, Bưu Điện, Nước giải khát Chương Dương, Vifon, Dệt Thành Công… giải đấu được phân thành các hạng A1, A2, B.

Về bóng chuyền thi đấu trình độ cao, năm 1978, ngay lần đầu tiên tham gia giải A1 Quốc gia, đội Công nhân Hóa chất (đại diện cho ngành Hóa chất) đạt hạng 6 và Quân đoàn 4 (đại diện cho lực lượng vũ trang) đạt hạng 4. Thành tích đạt được trong các năm tiếp theo đã cho thấy các đội bóng chuyền nam cấp cao ở khu vực TP HCM bắt đầu hòa nhập về trình độ thi đấu và dần chiếm các vị trí cao nhất trong các giải bóng chuyền nam Quốc gia.

- Đội Quân đoàn 4: vô địch 3 năm liên tục 1980, 1981, 1982.

- Đội Công nhân Hóa chất: hạng 2 năm 1982, hạng 3 năm 1983, vô địch năm 1987.

- Đội Cảng Sài gòn lên hạng A1 năm 1978.

- Đội Cơ khí Luyện kim lên hạng A1 năm 1980 và đạt hạng 2 năm 1983.

- Đội Công ty Hợp doanh In 2 lên hạng 1984, hạng nhì năm 1987.

- Đội nữ Dược phẩm 24 lên hạng A1 Quốc gia năm 1984.

- Đội nữ nhà Văn hóa Thanh niên lên hạng A1 Quốc gia năm 1987.

- Đội nữ Tân Bình lên hạng A1 Quốc gia năm 1989.

Năm 1988, hai đội Công nhân Hóa chất và In số 2 giải thể, đây là 2 biểu tượng thành công trong thời kỳ xây dựng lực lượng và định hướng phát triển bóng chuyền trình độ cao TP HCM. Trong nhiều lý do, có thể thấy ảnh hưởng do thời kỳ chuyển đổi cơ chế thị trường của các đơn vị kinh tế chủ quản đội bóng gặp nhiều khó khăn. Các VĐV Phong, Hùng, Nghị, Tường (In 2) và Thái, Vinh (Hóa chất) chuyển về thi đấu cho đội Dệt Thành Công, được đặc cách thi đấu giải A1 từ năm 1988.

Trong thời gian này có  nhiều VĐV đội Quân đoàn 4, Công nhân Hóa chất, In 2, Cơ khí luyện kim bắt đầu tham gia đội tuyển Quốc gia từ năm 1980 như: Khang, Lăng, Chánh, Cương, Lâm (QĐ 4); Thái, Kiên (Hóa chất); Phong, Hùng (In 2), Thọ, Sơn, Thắng (cơ khí Luyện kim).

Đỉnh cao bóng chuyền nam TP HCM là vào đầu năm 1990, cùng với phong trào bóng chuyền các Quận – Huyện, Sinh viên - Học sinh, cơ quan ngành nghề… phát triển mạnh mẽ về số lượng cũng như chất lượng thi đấu.TP HCM đã trở thành trung tâm bóng chuyền của cả nước với các sự kiện nổi bật như: phát triển công tác vận động tài trợ, thành lập Liên đoàn bóng chuyền TP HCM, tổ chức các giải thi đấu trong nước và giao lưu Quốc tế. Về công tác chuyên môn, bằng các biện pháp tích cực đổi mới công tác tuyển chọn – đào tạo, trẻ hóa lực lượng VĐV, tiếp cận các xu hướng mới bóng chuyền hiện đại trong tập luyện và thi đấu… các đội bóng chuyền nam thành phố HCM liên tục chiếm các thứ hạng cao nhất ở giải A1 Quốc gia (đội mạnh bây giờ).

- Seaprodex 5 năm liền vô địch Quốc gia từ năm 1989 đến 1994.

- Dệt Thành Công hạng nhì 1993, 1994, 1996 và vô địch QG năm 1995.

- Công An TP HCM hạng nhì 1995, vô địch QG năm 1997, 1998.

Thành phố có các trọng tài được phong cấp Quốc tế đầu tiên ở Việt Nam: Trần văn Nghĩa, Nguyễn văn Hùng, Lê Hoàng Sơn (bóng chuyền bãi biển).

Đây là thời kỳ các đội bóng chuyền nam TP HCM tiếp cận và đạt trình độ thi đấu tốt nhất ở cấp các đội mạnh nhất Quốc gia, ngang bằng với các đội bóng mạnh ở khu vực như Thailand, Indonesia, Malaysia qua các giải đấu giao lưu trong và ngoài nước. Các VĐV TP HCM luôn chiếm đa số trong đội hình của đội tuyển trẻ và đội tuyển Quốc gia tham dự các giải đấu ở khu vực, các kỳ SEA Games từ năm 1988 đến năm 2000. 

Tuột dốc không phanh

Từ đầu năm 2000, bóng chuyền TP HCM bắt đầu thời kỳ sa sút về số lượng cũng như chất lượng, các đội bóng tham gia giải phong trào cũng như thi đấu thành tích cao trong hệ thống giải Quốc gia ngày càng yếu kém. Năm 1996 đội Seaprodex giải thể, năm 1999 đội Dệt Thành Công giải thể, Công an TPHCM sau khi đoạt chức vô địch 1998 bắt đầu gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý và xây dựng lực lượng thi đấu. Trong thời gian này các đội bóng ngành nghề, Học sinh – Sinh viên cũng dần giải thể, các giải thi đấu toàn thành không còn duy trì thường xuyên và thu hút tham gia của các đội bóng công nhân viên chức. Thành tích thi đấu các đội bóng chuyền nam – nữ TP HCM ở hệ thống giải Quốc gia cũng yếu kém, các đội Bưu Điện TP HCM, Công an TP, nữ Tân Bình đi dự vòng chung kết ngược. Các đội vừa lên hạng đội mạnh Quốc gia từ đầu năm 2000 như Vifon, Điện lực cũng giải thể.

Năm 2006, với lực lượng VĐV lớp năng khiếu mới: Công, Nghĩa, Sơn, Quang, Khôi… bóng chuyền TP HCM thành lập đội mới Dệt may Thành Công (2006), sau đó chuyển tên sang Năng khiếu Thành phố, Thép Việt TP HCM (2008), Sài gòn Tourist. Các đội bóng này cũng thi đấu không thành công ở giải Quốc gia sau đó giải thể và chuyển tên sang đội khác.

Đội tuyển bóng chuyền nam TP HCM đạt hạng 2 trong hai kỳ Đại hội TDTT toàn quốc năm lần 1 – 1985, lần 2 – 1990, vô địch lần 3 – 1995; chỉ đạt hạng 4 lần 4 – 2002, lần 5 – 2006. 

Trong thời gian này, trong đội hình thi đấu của đội tuyển Quốc gia không có VĐV nào của TP HCM.

Theo phân tích đánh giá của nhiều HLV, VĐV  đã và đang làm công tác quản lý, huấn luyện ở TP HCM, bóng chuyền TP HCM sa sút do các nguyên nhân chính sau: không còn VĐV giỏi đáp ứng thi đấu trình độ cao, thiếu chiến lược phù hợp từ đơn vị quản lý ngành TDTT, thiếu các nhà quản lý và các nhà chuyên môn giỏi tâm huyết với nghề nghiệp... từ đó dẫn đến thiếu sự ủng hộ của người hâm mộ và các nhà tài trợ, bóng chuyền TP HCM dần rơi vào tình trạng bế tắc nhiều năm sau chưa tìm ra phương hướng khác phục.

HUỲNH THÚC PHONG

Đăng nhận xét

0 Nhận xét