Xin cám ơn các bạn đã đến thăm Trang Bóng Chuyền Sài Gòn Online! Bóng chuyền miền Nam - Sài Gòn trước 1975

Bóng chuyền miền Nam - Sài Gòn trước 1975

Đội tuyển miền Nam 1973: Bành Suân Trình, Lý Văn Lang. Nguyễn Thành Lâm, Hồ Sĩ Lâm, Phan Thanh Phong, Phùng Long,Tư, Sung, Trần Tú Sơn, Võ Bá Mẫng, Nguyễn Văn Tân, Nguyễn Công Tâm.
Theo thông lệ hàng năm, cứ mỗi dịp kỷ niệm Ngày báo chí Việt Nam (21/6), để ghi nhận những đóng góp của các nhà báo, trang www.bongchuyensaigon.online luôn nhớ đến người thầy, người anh, đồng nghiệp, HLV tài năng - cố Tiến sĩ Huỳnh Thúc Phong. Ông là một con người đam mê bóng chuyền mãnh liệt từ lúc là VĐV, HLV, giảng viên và đóng góp nhiều bài viết, tư liệu chất lượng, đặc biệt cho trang bongchuyensaigon.online. Sau đây, chúng tôi xin được trích đăng những tư liệu do cố Tiến sĩ Huỳnh Thúc Phong sưu tầm gửi tặng.

Phong trào tập luyện bóng chuyền ở miền Nam trước năm 1975 phát triển chủ yếu mang tính chất vui chơi tự phát, giải trí trong các trường học, cơ quan nhà nước ở một số các tỉnh thành lớn như Đồng Nai, Cần Thơ, Bến Tre..., bởi lúc đó, các giải đấu ít được tổ chức. Do đặc điểm thời kỳ chiến tranh, bóng chuyền như các môn thể thao khác, các phong trào tập luyện và thi đấu chủ yếu tập trung trong các đơn vị Quân đội và Học sinh – Sinh viên. 

Các trường học có phong trào bóng chuyền mạnh như: Pétrus Ký, Kỹ thuật Cao Thắng, Marie Curie, Chu văn An, Đại học Bách Khoa, Cao đẳng Nông Lâm Súc, Đại học Vạn Hạnh, Viện Đại học Sài Gòn, Đại học Tổng hợp, Đại học Y Dược, Đại học Y Khoa…

Từ đầu những năm 1960, Biệt đoàn thể thao Quân đội đã tổ chức các giải bóng chuyền khu vực miền Nam hàng năm, các đội mạnh thời bây giờ chủ yếu là các đội Quân đội như: Truyền tin, Quang Trung, Cảnh sát, Quân cụ, Công binh, Nhảy dù, Quân vận, Biệt động quân…Có một đội dân sự duy nhất chiếm đa số là các học sinh - sinh viên và các VĐV trẻ có triển vọng là CPS (chương trình phát triển sinh hoạt học đường) gồm một số các VĐV tiêu biểu: Tống Thành Quan, Nguyễn Thành Lâm, Nguyễn Văn Sở, Châu Thành Tín, Phan Phước Điền, Trần Văn Quý, Mậu, Lợi, Đạm…

Trong giai đoạn này Tổng cục bóng chuyền miền Nam (Accosiatim Amater de Volleyball South Vietnam) ra đời và được công nhận là thành viên của tổ chức Liên đoàn bóng chuyền thế giới (FIVB), môn bóng chuyền bắt đầu tham dự Đại hội thể thao bán đảo Đông Nam Á (SEAP Games) lần 1 năm 1959.

Các vận động viên tiêu biểu trong giai đoạn từ năm 1960 – 1975 như: Nguyễn văn Hán (HLV, VĐV), Thái Văn Lạc, Lâm Quang Phải, Mai Văn Tham, Võ Bá Mẫng, Đinh Thanh Tuấn, Võ Thành Cương, Trần Tú Sơn, Bành Suân Trình, Lý Văn Lang, Nguyễn Thành Lâm, Tống Thành Quan, Trương Văn Chín, Phan Thanh Phong, Lê Văn Tân… Các VĐV này là thành viên đội tuyển miền Nam tham dự các kỳ Đại hội Thể dục Thể thao Đông Nam Á  - South East Asian Peninsular Games (SEAP Games) và đạt được một số thành tích như: hạng 3/4 SEAP Games 1 (1959), hạng 2/7 tại SEAP Games 3 (1965), hạng 1/5 tại SEAP Games 4 (1967), hạng 2/5 tại SEAP Games 5 (1969), hạng 4/6 tại SEAP Games 6 (1971), hạng 2/4 tại SEA Games 7 (1973). 

Hoàng gia Thailand trao huy chương vàng cho VĐV Nguyễn Văn Hán và đội tuyển bóng chuyền Nam SEAP Games lần 4 năm 1967.

Nguyễn Văn Hán là huấn luyện viên được học lớp bóng chuyền quốc tế (FIVB) đầu tiên, Trần Khắc Phục là trọng tài được phong cấp quốc tế đầu tiên ở miền Nam.

Tháng 1 năm 1975, các tuyển thủ miền Nam tập trung tập luyện tại sân Phan Đình Phùng, chuẩn bị tham dự SEAP Games lần thứ 8, 1975 tại Thailand, nhưng sau đó phải giải thể vì sự kiện ngày thống nhất đất nước 30/4 năm 1975. Đợt tập trung đội tuyển ở thời điểm này được xem như là hoạt động cuối cùng của bóng chuyền thi đấu trình độ cao miền Nam giai đoạn trước năm 1975.

Đoàn Lực sĩ miền Nam tháng 8/1967 sân Cộng Hòa (Thống Nhất bây giờ), có đội tuyển bóng chuyền nam đạt Huy chương vàng SEAP Games lần 4 năm 1967.  
HUỲNH THÚC PHONG

Đăng nhận xét

0 Nhận xét