Xin cám ơn các bạn đã đến thăm Trang Bóng Chuyền Sài Gòn Online! Thay đổi phương pháp tổ chức giải VĐQG là một hướng đi đúng đắn!

Thay đổi phương pháp tổ chức giải VĐQG là một hướng đi đúng đắn!

Đó là nhận định đầu tiên của Người Quan Sát (NQS) khi ông được Trang www.bongchuyensaigon.online đặt vấn đề trong lần tình cờ gặp lại nhau sau hơn 6 tháng, kể từ khi ông bàn thêm về chuyện “VĐV Libero” nhân dịp diễn ra Giải Bóng chuyền U23 quốc gia 2020 tại Đắc Nông vào tháng 10 năm rồi.

Thưa ông, ông vẫn thường xuyên theo dõi các hoạt động thể thao nói chung và riêng Bóng chuyền trong nước kể từ khi đại dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến nhiều hoạt động của xã hội, cả VN và thế giới?

NQS: Nói chung, với chủ trương đúng đắn, luôn kịp thời của Đảng và Nhà nước ta, đại dịch COVID-19 tuy có ảnh hướng ít nhiều nhưng mọi hoạt động ở VN đều diễn ra trong tầm kiểm soát rất tốt của Chính phủ, đảm bảo thực hiện song hành mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch hiệu quả. Trong đó, hoạt động thể thao được duy trì ở mức độ cho phép, điển hình nhất là các giải quốc nội tiếp tục được tổ chức sau thời gian ngắn bị gián đoạn trong năm 2020. Đây là điều đáng mừng, đáng tự hào, là thành quả mà không phải bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng có thể thực hiện được như VN ta.

Với Bóng chuyền VN, tôi xin đặt thẳng vấn đề: Năm 2021, giải Bóng chuyền Vô địch quốc gia (VĐQG) có sự đổi mới, cụ thể là vòng 2 sẽ chỉ tổ chức thi đấu tập trung tại một địa điểm là Quảng Nam, sau đó các đội dự vòng chung kết và vòng giữ hạng nam – nữ sẽ thi đấu tiếp tại một địa điểm khác là Đắc Nông, ông suy nghĩ thế nào về điều này?

NQS: Đây là một sự thay đổi có tính bước ngoặc, hiệu quả của việc này thế nào chưa biết vì chưa từng thực hiện nhưng tôi luôn ủng hộ sự đổi mới để phát triển.

Thật ra, ý tưởng này đã được TS Lê Trí Trường, Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền VN phát họa với tôi trong lần tình cờ gặp nhau từ tháng 7/2019 nhân ông vào dự khán Giải Bóng chuyền Trẻ Cúp các CLB toàn quốc năm 2019 tại Bến Tre. Tuy nhiên, phải đến năm 2021 mới bắt đầu triển khai là một sự cẩn trọng của LĐBCVN chứ không phải chậm thực hiện do xuất phát với nguyên nhân từ dịch COVID-19 năm 2020 như nhiều người nghĩ. 

Bởi, điều lệ Giải VĐQG đã được chuẩn bị từ cuối năm 2019 để ban hành đầu năm 2020, trong khi dịch COVID-19 chỉ mới chính thức được phát hiện từ TP Vũ Hán (Trung Quốc) thời điểm tháng 1/2020 rồi đến tháng 3/2020, VN ta mới cảnh báo và tổ chức phòng dịch.

Cụ thể, ông ủng hộ những ý tưởng này của LĐBCVN như thế nào?

NQS: Nếu tôi nhớ không nhầm thì lúc ấy, ý tưởng này của TS Lê Trí Trường hơi khác hơn so với bây giờ. Cụ thể là 10 đội nam, 10 đội nữ vẫn chia thành 2 bảng (5 ngày vòng bảng). Thay vì thi đấu ở 2 địa phương khác nhau, sau đó nghỉ giữa 3 ngày để chuyển vùng thi đấu vòng chung kết và vòng giữ hạng (4 ngày) như lâu nay từng làm (tổng cộng 12 ngày), thì giờ đây sẽ chỉ tập trung thi đấu một địa điểm (10 ngày), không nghỉ giữa quảng mà phải thi đấu tiếp vòng chung kết và vòng giữ hạng vẫn tại địa điểm đó (4 ngày). 

Như vậy, tuy cách làm mới này tăng thêm 2 ngày nhưng các đội không phải tốn thêm kinh phí và công sức di chuyển, điều sẽ tạo ra sự không công bằng khi một số đội ở tại chỗ sẽ hưởng lợi hơn so với các đội khác.

Tuy nhiên, không biết tôi nói có đúng không, theo quy định của Điều lệ thì vòng 2 năm 2021 sẽ thi đấu tại Quảng Nam chỉ có 5 ngày. Nếu thế thì e rằng sẽ khó vì khi tăng số lượng đội lên gấp đôi (20), số trận tăng gấp đôi (40 trận) thì phải có 2 nhà thi đấu phục vụ cùng lúc. Theo tôi biết thì điều này dường như khó khả thi đối với Quảng Nam hiện tại.

Ngoài ý tưởng này, ông cho rằng ông luôn ủng hộ sự đổi mới, thế thì ông có ý tưởng nào khác?

NQS: “Mới” thì không, “khác” thì có nhưng chủ yếu để các nhà quản lý tham khảo mà thôi. Trước đây, có người đặt vấn đề với tôi về đổi mới phương pháp tổ chức thi đấu giải Bóng chuyền VĐQG như thế này: Tách ra giải Vô địch nam riêng, giải Vô địch nữ riêng và thay vì thi đấu 2 vòng, thì nay mỗi giải sẽ thi đấu….5 vòng. Do mỗi bảng có 5 đội, thì mỗi đội phải có trách nhiệm đăng cai tổ chức và quyền lợi đơn vị chủ nhà 1 vòng (thi đấu 10 trận trong 5 ngày). Mỗi vòng cách nhau 1 hoặc 2 tháng. Sau đó sẽ lấy tổng kết quả 5 vòng để chọn 2 đội vào vòng chung kết và 2 đội mỗi bảng thi đấu giữ hạng. Như vậy, số trận đấu trong năm của mỗi đội tăng vọt, từ 8 đến 10 trận như hiện nay thành 20 đến 22 trận. Tổng thời gian thi đấu chính thức tăng từ 10 đến 17 ngày như hiện nay lên thành 25 đến 29 ngày.

Riêng tôi, tôi có ý tưởng khác nhưng không mới. Đó là tương tự các môn thể thao tập thể khác như Bóng đá, Bóng rổ ở VN, môn Bóng chuyền ở Thái Lan hay các giải Bóng chuyền Vô địch, giải Vô địch các CLB Đông Nam Á, châu Á, thế giới v.v., nên chăng đã đến lúc Bóng chuyền VN cần nghiên cứu để tổ chức giải Vô địch quốc gia nam riêng, nữ riêng. Mỗi giải tìm kiếm nhà tài trợ riêng. 

Và điều kèm theo là, lực lượng trọng tài cũng sẽ được phân định chất lượng riêng, tương tự các môn khác. Cụ thể, các trọng tài hạng 2 của nam và ưu tiên cho các trọng tài nữ sẽ điều hành giải Vô địch nữ, nhóm các trọng tài nam giỏi nhất của VN sẽ điều hành giải Vô địch nam. 

Tại sao lại phải gắn thêm việc tách bạch giới tính, trình độ trọng tài với ý tưởng “khác” nhưng “cũ” này của ông?

NQS: Thực tế cho thấy, ở các giải như hiện nay trở về trước, tuy LĐBCVN có điều động, mời 1 số trọng tài nữ dù là đẳng cấp châu Á làm nhiệm vụ ở giải VĐQG, thì họ cũng chỉ sắp xếp lực lượng này điều hành các trận nữ - kể cả giải hạng A, giải trẻ các lứa tuổi v.v.

Đây là cách nhìn nhận đúng đắn. Chị cứ nhìn sang Bóng đá VN sẽ thấy rất rõ: Các nữ trọng tài, trợ lý trọng tài FIFA tốt nhất của VN chỉ được tạo điều kiện, mời tham gia điều hành các trận đấu ở giải hạng Nhất quốc gia là cao nhất, cùng với các trọng tài hạng 2 của nam. Bởi một điều đơn giản, chẳng nhà tổ chức nào dám mạo hiểm do tốc độ, mức độ phức tạp trong xử lý tình huống của hai giải có giới tính khác nhau sẽ rất rõ rệt.

Bên cạnh đó, việc tổ chức giải Bóng chuyền Vô địch quốc gia thi đấu đan xen giữa nam và nữ như hiện nay sẽ dễ khiến cảm giác của các trọng tài bị thăng – trầm từng buổi trong ngày, từng ngày khác nhau sẽ không giống nhau. Có khi trận trước làm giải nữ - có thể nhẹ nhàng hơn, sang hôm sau điều hành trận nam buộc phải tập trung nhưng do chưa hội tụ lại đủ “công lực” nên chuyện sai sót nhiều hơn bình thường là điều khó tránh khỏi. Hay như trận trước làm giải nam, trận sau điều hành giải nữ sẽ rất dễ nảy sinh tư tưởng chủ quan, ỷ lại đối với các trọng tài. Mà chủ quan là nguyên nhân chính dẫn đến sai sót, có khi là sai sót trầm trọng do thiếu tập trung

Tuy nhiên, tất cả những gợi ý của tôi nêu chỉ là với tính chất mới tham khảo để các nhà tổ chức và các quan chức có trách nhiệm của LĐBCVN nghiên cứu thêm. Họ mới chính là nơi cuối cùng quyết định hướng đi có lợi nhất, phù hợp nhất với thực tế và sự phát triển của BCVN trong tương lại gần. 

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

HỒNG ÁNH thực hiện


Đăng nhận xét

0 Nhận xét