Xin cám ơn các bạn đã đến thăm Trang Bóng Chuyền Sài Gòn Online! Giải bóng chuyền Hội Làng: Sức hút "Khủng"!

Giải bóng chuyền Hội Làng: Sức hút "Khủng"!

Bấy lâu nay, nhiều người trong giới bóng chuyền cứ kháo nhau, rằng bóng chuyền hội làng là một hoạt động văn hóa thể thao mang đậm tính truyền thống trong các lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống tại các tỉnh phía Bắc, luôn lôi cuốn số lượng đông đảo các cầu thủ bóng chuyền có tiếng của cả nước quần tụ về tham gia thi đấu để phục vụ cho bà con dân làng, nhất là ở các vùng xa xôi, không có điều kiện tổ chức các giải đấu trong hệ thống quốc gia hay quốc tế.
Nhiều người trong cuộc còn cho rằng, ở những giải bóng chuyền “hội làng” ấy, bên cạnh việc quy tụ hầu hết các VĐV là tuyển thủ quốc gia hoặc đã và đang thi đấu ở các giải đấu hạng cao nhất quốc gia của cả nam lẫn nữ, thì công tác tổ chức cũng thật tuyệt vời, không hề kém cạnh – thậm chí có khi còn đậm tính chuyên nghiệp, chu đáo hơn những lần VN tổ chức các giải đấu Vô địch quốc gia hay quốc tế. 
Có kém hơn chăng, đó chỉ là không được….truyền hình trực tiếp trên sóng đài quốc gia, chứ ngoài tiền Ban tổ chức hỗ trợ mỗi đội tham dự vài, ba mươi triệu đồng làm chi phí ăn, ở, đi lại, giải thưởng cho VĐV đánh hay ở từng pha bóng, cho từng hiệp, từng trận, giải thưởng toàn giải luôn cao ngất cho chỉ 3 – 4 ngày thi đấu (bằng 30% thời gian thi đấu của các giải quốc gia).
Thế nhưng, “Tai nghe không bằng mắt thấy!”. Ở Hội làng Tề Lỗ (Làng Tề Lỗ, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) diễn ra trong 4 ngày (từ 30/8 đến 02/9/2019 nhằm chào mừng 74 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mùng 2 tháng 9), các nhà tổ chức ở địa phương đã mời 8 đội nam, gồm 6 đội đại diện cho các làng trong huyện Yên Lạc cùng 2 đội khách mời là Trẻ Hà Nội và Trung đoàn 312 (K20 – Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an) tham dự giải.
Do sân được trải thảm nhựa tổng hợp, đủ tiêu chuẩn cho sân đấu tựa như ở các giải chính thức của quốc gia (thuê bộ thảm từ nơi khác mang về), các cầu thủ đều yên tâm thi đấu, từ lăn ngã, xoạc mọi tư thế để cứu bóng trong phòng thủ v.v nên cống hiến cho khán giả những trận đấu hay đẹp, mãn nhãn. Chưa hết, Ban Tổ chức còn xây dựng một khán đài dã chiến, lắp ghép với sức chứa 10 ngàn chỗ ngồi, kinh phí 500 triệu đồng để làm nơi dự khán cho người xem.
Kết quả chung cuộc, đội làng Trung Văn (do đội Thể Công làm nòng cốt, những trận sau cùng của giải có tăng cường thêm tay đập số 1 VN hiện nay là Từ Thanh Thuận của Sanest Khánh Hòa, do trước đó anh bận tranh trận chung kết nam Cúp Quốc tế Truyền hình Vĩnh Long vào ngày 31/8/2019 với tuyển TP Hồ Chí Minh) đoạt chức Vô địch cùng giải thưởng 70 triệu đồng; đội chủ nhà – Làng Tề Lỗ (do đội Tràng An Ninh Bình làm nòng cốt, có tăng cường thêm chủ công Trần Đức Hạnh của đội Hà Tĩnh, đoạt giải Nhì cùng giải thưởng 50 triệu đồng; đội Trung đoàn 312 (K20 Bộ Công an) hạng Ba sau khi thắng Trẻ Hà Nội, giành giải thưởng 35 triệu đồng. 
Bởi thế mới thấy, nói gì đến các giải Bóng chuyền Vô địch quốc gia PV Gas, Cúp Bóng chuyền Quốc tế tổ chức tại VN hay các trận đấu ở giải Bóng đá Vô địch quốc gia V. League chỉ cần một lượng khán giả 5000 – 7000 người/buổi đấu đã xem là quá thành công với các nhà tổ chức trong thời buổi hiện nay, có quá lời hay không khi phải thừa nhận một thực tế rằng: Sức hút thuộc loại “khủng” của bóng chuyền hội làng ở VN có lẽ phải đặt ngang hàng với các trận đấu trong khuôn khổ các giải Quần vợt danh giá nhất thế giới hàng năm, như Úc mở rộng, Pháp mở rộng, Mỹ mở rộng, Wimbledon?.
PHÚC VĨNH 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét