Xin cám ơn các bạn đã đến thăm Trang Bóng Chuyền Sài Gòn Online! Xung quanh tranh cãi quyết liệt của đội tuyển CHDCND Triều Tiên?

Xung quanh tranh cãi quyết liệt của đội tuyển CHDCND Triều Tiên?

Xung quanh tranh cãi quyết liệt của đội tuyển CHDCND Triều Tiên ở cúp VTV 2019?
Trong trận đấu tranh ngôi đầu bảng B giữa NEC Red Rocket (Nhật Bản) và CHDCND Triều Tiên tại Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup 2019 vào tối ngày 06/8/2019 tại Nhà Thi đấu tỉnh Quảng Nam, tỷ số chung cuộc  3 - 2 (25/27, 19/25, 25/23, 25/21, 16/14) nghiêng về đội bóng đến từ xứ sở Mặt trời mọc đã đem đến cho khán giả một màn trình diễn mãn nhãn.
Tuy nhiên, điều còn đọng lại đã tạo nên sự tiếc nuối cùng nỗi buồn dành cho đội CHDCND Triều Tiên cũng kéo theo một cuộc tranh luận về tình huống dẫn đến thua cuộc ở cuối ván 5 của đội trưởng Jong Jin Sim (3, CHDCND Triều Tiên) và các đồng đội.
Nhân sự việc này, trang www.bongchuyensaigon.online đã có cuộc trao đổi với một người từng có nhiều năm theo dõi hoạt động bóng chuyền (xin không nêu tên) để chẳng những các bạn đọc gần xa mà với cả giới chuyên môn có góc nhìn đa diện hơn về “sự cố” đầu tiên này ở Cúp VTV 2019.
Thưa ông, trên mạng xã hội, các video clip đều cho thấy cuộc tranh cãi với thái độ bất phục của đội CHDCND Triều Tiên đối với quyết định “như đinh đóng cột” của trọng tài thứ 2 Julian Coburn (người Australia) khiến họ phải chịu thất bại 2 – 3 vào thời điểm nhạy cảm nhất của ván đấu quyết định – 15/14, trong khi NEC Red Rocket (Nhật Bản) lại phát bóng ra ngoài, đã kéo dài tưởng chừng như bất tận có đáng được xem là “sự cố” về chuyên môn đầu tiên của giải đấu hay không?
Những gì tôi được xem lại qua băng hình tường thuật trận đấu của Đài Truyền hình VN, thì máy quay đã không cho thấy rõ ràng tình huống sai vị trí, hàng dọc hay hàng ngang, của đội CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, theo ký hiệu về tính chất lỗi cùng những động tác diễn giải đúng với phương pháp trọng tài của ông Julian Buburn được xem trên màn hình, thì dường như ông cho rằng VĐV chuyền 2 mang áo số 5 và đội trưởng Jong Jin Sim (3) đã đứng sai lệch vị trí hàng ngang vào thời điểm đội bóng Nhật Bản phát bóng.
Nếu quả đúng như vậy, tôi có sự ngạc nhiên. Bởi vì kéo băng hình về tình huống trước đó – khi VĐV của NEC Red Rocket (Nhật Bản) phát bóng thời điểm 14/14 ván 5, màn ảnh truyền hình cũng cho thấy “bộ tứ” trong diện nghi vấn “sai vị trí”: số 12 và số 1 cùng ở hàng trên, số 5 và số 3 cùng ở hàng sau của CHDCND Triều Tiên có vị trí đứng và sự di chuyển cũng tương tự như tình huống sau, 14/15 và đội NEC Red Rocket phát bóng ra ngoài.
Nếu điều tôi quan sát là đúng, thì có lẽ ông trọng tài thứ 2 Julian Coburn có vấn đề gì đó không ổn. Giả như ông nhận định đúng - CHDCND Triều Tiên đã phạm lỗi từ tình huống trước, 14/14, thì tại sao ông lại không bắt lỗi để “thiệt hại” cho đội bóng này sẽ ít hơn khi đã sang đến 14/15 nên dẫn đến thua hẳn cả ván đấu quyết định và trận đấu tranh ngôi đầu bảng?. Phải chăng đó là điểm sai cơ bản về mặt phương pháp trọng tài?.
Và nếu như chuyện “giả như” ở trên của tôi là đúng, chúng ta cần xem xét lại một việc khác về công tác tổ chức giải. Đó là cách phân công trọng tài. Không hiểu giải điều động bao nhiêu trọng tài để đảm bảo tính trung gian nhưng theo tôi, trước đó, do đội tuyển Australia đã thua CHDCND Triều Tiên 0 – 3 nên đến trận quyết định tranh ngôi đầu bảng của CHDCND Triều Tiên (gặp NEC Red Rocket), nếu có nhiều sự lựa chọn, BTC không nên chọn trọng tài người Australia mà mạnh dạn bố trí một trọng tài của VN điều hành trận đấu cùng với trọng tài thứ 1 Trần Thanh Tùng, hoặc 1 trọng tài của quốc gia khác làm trọng tài 2, tránh điều đáng tiếc xảy ra?. Thật lòng mà nói, nếu không xảy ra vấn đề gì thì chẳng sao, nhưng khi có – đặc biệt là rơi vào trường hợp này, không thể tránh việc đội CHDCND Triều Tiên sẽ đặt nhiều câu hỏi, nếu có.
Đối với Bóng chuyền VN, chúng ta đã từng tiên liệu và sinh hoạt cho các trọng tài cách xử lý trước những tình huống như thế này ra sao, thưa ông?
(Cười) Ồ, tôi không biết rõ lắm Bóng chuyền VN từng như thế nào nhưng theo tôi nghĩ, về công tác trọng tài, chắc chắn Tổng cục Thể dục thể thao và Liên đoàn Bóng chuyền VN đều đã trang bị các kiến thức về luật, về phương pháp trọng tài và cả về các hướng dẫn cho đội ngũ cầm cân nãy mực trước mỗi mùa giải hoặc mỗi khi Liên đoàn Bóng chuyền Quốc tế (FIVB) có sự bổ sung, thay đổi một số điều luật.
Tuy nhiên, theo một số anh em trọng tài VN mà tôi từng có dịp tiếp xúc, trò chuyện, thì họ cho biết, các giảng viên của những đợt tập huấn đều căn dặn, trọng tài chỉ được bắt lỗi nếu bản thân quan sát, nhận định rõ ràng các trường hợp phạm lỗi, tránh bắt theo cảm tính, chủ quan hoặc quá dựa vào “chủ nghĩa kinh nghiệm” - tức là yêu cầu phải được “tai nghe, mắt thấy, đầu suy nghĩ” để có quyết định phù hợp nhất sau mỗi pha bóng. 
Và tôi cũng được họ cho biết thêm, các giảng viên không quên nhắc nhở, đối với những tình huống không rõ ràng, nhất là lỗi sai vị trí (hàng ngang, hàng dọc)  và vào các thời điểm “nhạy cảm” – quyết định sự thắng thua từng ván hay cả trận đấu, thì không nên hoặc phải rất thận trọng bắt lỗi bởi khi đội bóng phản ứng, khó có sự giải thích cho thỏa đáng, dù trọng tài chính xác trong việc bắt lỗi. Tôi cho rằng những lời căn dặn này là đúng đắn và tuân thủ theo các nguyên tắc về phương pháp trọng tài do FIVB hướng dẫn.
Thế nhưng, khác với thể dục là chỉ cần có sự cơ bản tương đối, thể thao đòi hỏi hướng đến sự chính xác – đúng, sai rõ ràng, cho nên về phương pháp trọng tài, như đối với môn Bóng chuyền chẳng hạn, ông có thể phân tích thêm, thưa ông?
Đúng, theo tôi thì vẫn như thế. Các giảng viên cho Trọng tài Bóng chuyền VN cũng đâu có làm khác. Họ vẫn yêu cầu đối với mỗi trọng tài, cần phải tự hoàn thiện bản thân để quan sát rõ ràng về lỗi đã xảy ra, không được cảm tính mỗi khi quyết định. Và theo kinh nghiệm được các giảng viên truyền lại, các trọng tài nên bắt lỗi từ những thời điểm lần đầu cầu thủ hoặc đội bóng mắc phải để họ hiểu được rằng, nếu có những “thói quen” không đúng - như lỗi di chuyển sai vị trí của cầu thủ nào đó chẳng hạn, hoặc lỗi kỹ thuật - như chuyền “dính”, “đúp” bóng chẳng hạn, thì họ lập tức phải có sự tự điều chỉnh để sửa lại cho đúng.
Bởi các trọng tài nếu không giúp cầu thủ hoặc đội bóng “ngộ” ra lỗi của mình ngay từ đầu mà chờ khi đến thời điểm nhạy cảm, thời điểm quyết định mới bắt lỗi như tôi đã đề cập ở trên, chắc chắn sẽ khiến đội bị bắt lỗi chẳng những không tâm phục, khẩu phục mà họ còn suy diễn theo chiều hướng khác, cho dù trọng tài bắt chính xác đến cỡ nào.
Tuy nhiên, theo tôi quan sát các trận đấu ở đẳng cấp cao như các giải Vô địch châu Á, Vô địch châu Âu, Vô địch thế giới hoặc Word Grand Prix, các trọng tài FIVB đều bắt rất chuẩn việc này và từ đầu đến cuối đều như nhau. Thời điểm nhạy cảm hay….chưa nhạy cảm như cách hiểu của VN, đều như nhau, cứ lỗi là bắt và các đội tuân thủ răm rắp.
Thế nên, tôi nghĩ tốt nhất là Bóng chuyền VN – từ giới trọng tài cho đến đội bóng, đều cần phấn đấu theo hướng này.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
HỒNG ÁNH Thực hiện




Đăng nhận xét

0 Nhận xét