Xin cám ơn các bạn đã đến thăm Trang Bóng Chuyền Sài Gòn Online! Xu thế nhanh trong tấn công biên của bóng chuyền hiện đại

Xu thế nhanh trong tấn công biên của bóng chuyền hiện đại

Xu thế nhanh trong tấn công biên của bóng chuyền hiện đại
Người xem thi đấu bóng chuyền hiện nay cho rằng đa số các đội bóng Việt Nam thi đấu ngày càng đơn giản, thường sử dụng đập bóng biên – hàng sau đơn giản, thiếu các hình thức phối hợp đập nhanh – chồng đẹp mắt như trước đây. 
Có phải thi đấu bóng chuyền hiện nay trở nên đơn giản hơn trước đây, để trả lời câu hỏi này BCSG xin giới thiệu bài viết của Chuyên gia Huỳnh Thúc Phong.
Xu thế nhanh trong thực hiện kỹ thuật, chiến thuật bóng chuyền.
Thi đấu bóng chuyền hiện đại không có thay đổi nhiều về kỹ thuật và các hình thức phối hợp chiến thuật cơ bản. Tuy nhiên, các trận đấu bóng chuyền ngày càng diễn ra quyết liệt, điểm số lên rất nhanh, đòi hỏi các VĐV hiện nay phải có trình độ kỹ thuật hoàn hảo để thực hiện nhanh các động tác trong thi đấu (tốc độ bóng qua lại hai bên sân 28m/s cho nam và 20m/s cho nữ, thời gian chạm bóng từ 0.25 – 0.33 giây). Bóng được chuyền từ hàng sau đến hàng trước, từ VĐV chuyền hai đến các khu vực tấn công có tốc độ nhanh và điểm rơi biến hóa, đa dạng sẽ luôn gây sự bất ngờ cho phòng thủ lưới đối phương. Có thể khẳng định, khả năng phối hợp nhanh, nhuần nhuyễn giữa các VĐV trong đội hình chiến thuật là yếu tố chính để giành thế chủ động trong thi đấu bóng chuyền hiện đại.
Xu thế nhanh trong tấn công biên trong bóng chuyền
Chiến thuật tấn công biên là loại hình được đa số các đội bóng trên thế giới hiện nay sử dụng, có thể nhận ra các lý do chính như sau: góc tấn công rộng, tận dụng chiều dài lưới, phát huy sức mạnh VĐV chủ công… Ngoài ra tầm chắn quá cao các VĐV ở khu vực giữa lưới và phát bóng ngày càng nhanh – mạnh của đối phương rất khó có điều kiện để tổ chức phối hợp… cũng là các nguyên nhân quan trọng. 
Các đường chuyền nhanh có tầm thấp ra hai đầu lưới hoặc hàng sau là phương án tạo ra hiệu quả nhất trong tấn công hiện nay, vừa tạo góc đánh rộng đồng thời gây khó khăn cho đối phương trong phối hợp chắn bóng.
Không như các đường chuyền biên quá cao như trước đây, để thực hiện tấn công các đường bóng có tốc độ nhanh, điểm rơi và tầm bóng biến hóa dọc chiều dài lưới, nếu quan sát kỹ chúng ta sẽ thấy các VĐV tấn công biên và hàng sau phải đồng thời thực hiện chạy đà khi chuyền hai chưa chạm bóng. Đây là sự khác biệt về nhịp độ tấn công trên lưới, về lý thuyết (FIVB) còn được gọi là chiến thuật chênh lệch về thời gian (Time differential).
Xu thế nhanh trong tấn công biên của bóng chuyền hiện đại
Rất khó chọn lựa phối hợp vào giữa lưới nếu chắn bóng giữa đối phương quá cao
Đội tuyển nam Ý từng 6 lần vô địch châu Âu, 8 lần vô địch World League với các VĐV tiêu biểu như: Lasko, Savani, Zaytsev (Ý) … giữ vai trò nòng cốt, là hạt nhân trong các hoạt động phối hợp chiến thuật tấn công và phản công biên rất nhanh là nền tảng sự thành công của đội Ý nhiều năm qua.
Vai trò của chuyền hai trong bóng chuyền
Chiến thuật tấn công biên tầm bóng thấp - nhanh không thể thiếu vai trò của VĐV chuyền hai, ngoài trình độ kỹ - chiến thuật cá nhân hoàn hảo, trong đó kỹ thuật nhảy chuyền là nền tảng của đường chuyền tốc độ. Chuyền hai phải “cảm nhận” được đặc thù, sở trường, tốc độ chạy đà… của các VĐV tấn công biên để tạo một đường chuyền hoàn hảo, loại bỏ sự đeo bám chắn bóng phối hợp của đối phương.
Đội bóng Brazil là thương hiệu của lối đánh hiện đại nhất trên thế giới hiện nay, các yếu tố tốc độ, sức mạnh và linh hoạt được kết hợp nhuần nhuyễn trong chiến thuật tập thể dựa trên nền tảng kỹ - chiến thuật cá nhân hoàn hảo. Khi không còn Giba, Santana, Garcia trong đội hình, chuyền hai nhiều năm số 1 thế giới Bruno Rezende đã điều phối lối chơi “quá nhanh – quá nguy hiểm” để giúp dàn VĐV như Wallace De Souza, Lucas Saatkamp, Luiz Flipe… tiếp tục giữ ngôi đầu thế giới. 
Chuyền hai số 1 Đông Nam Á nhiều năm Saranchit Charoensuk góp phần rất lớn đến lối đánh của Thai lan, bằng các đường nhảy chuyền đơn giản nhưng có tầm bóng thấp và nhanh ra biên – hàng sau cho Kissada, R.Jiyaru… luôn gây khó khăn cho tầm chắn rất cao của Thương, Hoàng. Nhìn từ trận thua Thái Lan 2/3 tại SEA Games 2017, khi bị Việt Nam dẫn trước, lão tướng C.Saranchit được tung vào sân và nhanh chóng tạo được sự khác biệt về lối chơi.
Việc cà hai đội nam – nữ Indonesia vượt qua Việt Nam ở cấp khu vực cho thấy họ xứng đáng khi trình diễn một lối đánh hiện đại, trong đó các đường chuyền trong phối hợp tấn công biên – hàng sau có sự đột biến rất rõ về tầm bóng và tốc độ. Các mũi tấn công biên rất nhanh nhẹn và sức bật tốt như Manganang (nữ), Ryvan, Sigit, Rendy (nam) sẽ còn gây nhiều khó khăn cho Việt Nam.
Nhìn từ giải bóng chuyền đội mạnh Việt Nam.
Chiến thật tấn công biên với tầm bóng nhanh – thấp đã được nhiều VĐV bóng chuyền Việt Nam sử dụng nhiều năm nay nhưng chủ yếu mang tính cá nhân, chưa có đội bóng nào hình thành lối đánh đặc trưng này. Quan sát từ giải trong nước hiện nay, hầu hết các VĐV tấn công biên Việt Nam hiện nay đều thực hiện đập bóng biên và hàng sau với các đường chuyền có tầm bóng rất cao (trên 3 mét trên lưới). 
Tốc độ tấn công chậm và đơn giản sẽ dễ bị phòng thủ trên lưới đối phương bắt bài hoặc có VĐV chắn giữa có tầm chắn rất cao. Không cải thiện lối đánh theo xu hướng hiện đại, bóng chuyền Việt Nam khó vượt qua tầm quá cao của bóng chuyền châu lục hiện nay.
Theo tôi, hai chủ công số 1 Việt Nam có tầm đập cao nhất hiện nay là Trần Thị Thanh Thúy (VTV Bình Điền Long An) và Từ Thanh Thuận (Sanest Khánh Hòa) sẽ nâng cao hơn về hiệu quả tấn công nếu cải thiện tốc độ trong đập bóng biên và hàng sau.   
Và như đã phân tích ở trên, cần có thêm sự kết hợp với 1 chuyền hai giỏi.
CHUYÊN GIA HUỲNH THÚC PHONG