Xin cám ơn các bạn đã đến thăm Trang Bóng Chuyền Sài Gòn Online! Xu hướng phát triển bóng chuyền hiện đại đến đỉnh cao Việt Nam

Xu hướng phát triển bóng chuyền hiện đại đến đỉnh cao Việt Nam

Xu hướng phát triển bóng chuyền hiện đại đến đỉnh cao Việt Nam
Tân binh nữ BFC Tây Ninh được đào tạo từ chuyên gia Lương Khương Thượng
Tiến sĩ Lương Cao Đại (Giảng viên bóng chuyền trường ĐH TDTT TPHCM) là con trai của HLV lừng lẫy Lương Khương Thượng. Anh đã học chuyên sâu bóng chuyền ở Cuba nhiều năm. BCSG xin được phép trích một phần tài liệu giáo trình bóng chuyền do anh thực hiện cùng các giảng viên bộ môn bóng chuyền trường ĐH TDTT TPHCM. 
Xu hướng phát triển bóng chuyền hiện đại:
Bóng chuyền trên thế giới ngày càng phát triển và nâng cao, các giải thi đấu lớn được diễn ra thường xuyên với uy tín và số lượng tiền thưởng ngày càng lớn. Muốn đạt thành tích cao ta phải sử dụng các thành tựu khoa học để ứng dụng vào công tác tuyển chọn và huấn luyện VĐV, từ đó kỹ-chiến thuật, thể lực luôn được phát triển toàn diện và nâng cao, bên cạnh đó sự khắc phục về chiều cao của lưới dẫn đến sự tuyển chọn về thể hình được chú trọng, qua tổng kết các phong cách thi đấu một số đội tiêu biểu của các quốc gia cho nền thể thao hùng mạnh trên thế giới có các xu hướng như sau:
a. Xu hướng tấn công:
Mở rộng phạm vi tấn công trên lưới cả chiều dài và chiều sâu, tấn công mạnh vẫn là xu thế cơ bản cho nên đội nào cũng cần có những VĐV tấn công tốt. Tận dụng hết chiều dài của lưới để tổ chức các phối hợp tấn công nhanh, giãn biên ở tốc độ cao khác nhau. Đồng thời tổ chức tấn công xa lưới từ 80-120cm, phối hợp với các hoạt động tấn công ở các vị trí hàng sau kể cả tấn công nhanh, phối hợp các đường bóng tấn công đa dạng và biến hóa (nhanh trước sau–cao trước sau–trung bình trước sau) đồng thời xuất hiện kỹ thuật đập bóng bằng bật nhảy một chân thay đổi điểm bật nhảy và điểm tấn công. Kỹ thuật nhảy phát cũng xuất hiện góp phần nâng cao hiệu quả trong tấn công.
b. Xu hướng trong phòng thủ:
Phối hợp chắn bóng tập thể với xu hướng 1 bắt 1, chú trọng VĐV chắn giữa là người chắn chính, chắn đường bóng uy lực nhất, do đó người chắn giữa là người chắn chính, chắn đường bóng uy lực nhất, do đó người chắn giữa là người có chiều cao và kỹ thuật chắn tốt nhất.
Tập trung huấn luyện phòng thủ (70% khối lượng huấn luyện dành cho phòng thủ) quy luật của bóng chuyền ngoài phát bóng ra đều bắt nguồn từ phòng thủ, mỗi kỹ thuật đều có tính tấn công và phòng thủ, trong phòng thủ có tính tấn công và trong tấn công có tính phòng thủ, phòng thủ phải tích cực và chủ động, ngay từ quả chuyền thứ nhất đã phán đoán ai trong đối phương sẽ tấn công và tấn công vào đâu, tư tưởng trong phòng thủ là mọi đường bóng đều có thể phòng thủ được, trong phòng thủ phải chọn điểm quan trọng có được, có mất vì tốc độ đường bóng tấn công rất nhanh, nhanh hơn khả năng di chuyển của con người. Phòng thủ không phải là hành động đơn chiếc mà phải liên quan đến toàn đội do đó phải có người tiếp ứng. Giữa phòng thủ hàng sau và chắn bóng hàng trước có liên quan mật thiết với nhau.
Chuyên môn hóa vị trí trong phòng thủ: mỗi VĐV có đặc điểm riêng biệt nên họ có khả năng phòng thủ ở một vị trí khác nhau. Trong phòng thủ khu vực yếu nhất là giữa 2VĐV do đó sự chuyên môn hóa giúp cho VĐV chủ động, tích cực nên có hiệu quả cao hơn.
c. Xu hướng trong chuyền hai:
Chuyên môn hóa cao hầu như các đội đều sử dụng (đội hình 5.1) một chuyền hai, từ đó chuyền hai phải chính xác trong mọi điều kiện, mọi tư thế, chuyên môn hóa chuyền hai phải thuần thục các kỹ thuật di chuyển để thực hiện dẫn chuyền, chuyền hai phải thực hiện tốt kỹ thuật dừng, khả năng phán đoán, tiếp cận,các khả năng bật nhảy khác nhau.
Trong thực tế nhảy chuyền chiếm 70-80% do sử dụng nhảy chuyền nấc một (nhanh lao) nấc hai trung bình giãn biên cao, nấc ba phía trước và phía sau.
Tăng cường khả năng phối hợp chiến thuật, liên kết giữa chuyền 1 và chuyền 2, chuyền điều chỉnh trong điều kiện khó giả đập sang chuyền hoặc giả chuyền sang đập.
d. Xu hướng trong huấn luyện các tố chất thể lực:
Tập trung huấn luyện tố chất sức mạnh (sức mạnh tốc độ và sức mạnh bền) chủ yếu là các hoạt động bật nhảy. Chiều cao bật với của các nước tiên tiến trên thế giới đã đạt tới tầm cao lý tưởng:
Nữ trung bình 310cm, cao nhất 336cm.
Nam trung bình 345cm, cao nhất 360cm.
Do đó công tác huấn luyện tập trung chủ yếu vào tố chất sức mạnh trong bật nhảy tại chỗ và bật nhảy có đà. Bên cạnh đó chú ý đến tố chất khác phát triển sức nhanh, sức bền trong bật nhảy và thi đấu.
Lượng vận động tăng, với những đội bóng có trình độ lượng vận động phải được tăng dần, chú ý mối quan hệ giữa cường độ và khối lượng. Thời gian các buổi tập và giờ tập trong tuần cũng tăng dần cho hợp lý, mỗi buổi tập phải đạt từ 120-150 và một tuần phải đạt 30 giờ cho tập luyện.
e. Xu hướng trong tuyển chọn:
Tuyển chọn VĐV có chiều cao và sức bật tốt: các cường quốc trên thế giới đều coi trọng các chỉ tiêu hình thái và đặc biệt là sức bật thật tốt, chiều cao các VĐV trẻ Châu Á năm 1996 là:
Việt nam 183 cm,Trung Quốc 194.5cm, Nhật 189.4cm, Iran 191.2cm, Thái Lan 183.4cm.
Sức bật của các đội trẻ thế giới là trung bình 335cm, cao nhất 355cm, bật nâng trọng tâm 125cm.
Xác định chuyên môn hóa cao trong tuyển chọn, chú ý đến đặc điểm cá nhân có lợi cho thi đấu. Ví dụ: VĐV chuyền 2 thuận tay trái.Công tác tuyển chọn VĐV được chú trọng một cách toàn diện và khoa học. Các chuyên gia cho rằng tuyển chọn tốt là cơ sở để đạt trình độ cao.
Xu hướng phát triển bóng chuyền hiện đại đến đỉnh cao Việt Nam
Hạn chế về phát triển bóng chuyền đỉnh cao Việt Nam:
- Số lượng các đội bóng phát triển nhưng chất lượng chưa cao, hầu hết các tỉnh thành đều có các đội hạng A nhưng chất lượng VĐV còn yếu và thiếu, chỉ mới đáp ứng nhu cầu trước mắt, không có đủ khả năng đào tạo VĐV trẻ kế thừa lớp trước.
- Sự phát triển không cân đối giữa các đội nam và nữ, giữa các khu vực khác nhau trong phạm vi cả nước.
- Công tác tuyển chọn và đào tạo VĐV trẻ chưa được quan tâm đúng mức, chưa hình thành một hệ thống đào tạo hoàn chỉnh, mà mạnh địa phương nào địa phương đó làm và phương pháp tiến hành cũng khác nhau.

TIẾN SĨ LƯƠNG CAO ĐẠI (Trường ĐH TDTT TPHCM)