Xin cám ơn các bạn đã đến thăm Trang Bóng Chuyền Sài Gòn Online! 50 năm thương hiệu bóng chuyền Quân Đoàn 4 - Một hành trình dài đầy tự hào!

50 năm thương hiệu bóng chuyền Quân Đoàn 4 - Một hành trình dài đầy tự hào!

50 năm thương hiệu bóng chuyền Quân Đoàn 4 - Một hành trình dài đầy tự hào!

Hôm nay (20/7), đánh dấu nửa thế kỷ hình thành thương hiệu của đội bóng chuyền nam Quân Đoàn 4 (20/7/1975 - 20/7/2025). Không chỉ góp phần tạo nên giá trị lịch sử cho bóng chuyền Việt Nam mà cả quốc tế.

Từ những chiến binh quả cảm đến những nhà vô địch

Sự ra đời của đội bóng chuyền Quân Đoàn 4 là minh chứng cho tinh thần lạc quan, yêu thể thao mãnh liệt của những người lính. Từ các chiến sĩ của Sư đoàn 7, 9 và 341, những người đã từng chiến đấu quả cảm trên các chiến trường khốc liệt như Bình Phước, Bình Dương, Bình Long, Sông Bé cũ, họ đã cùng nhau xây dựng nên một đội bóng chuyền với khát khao chinh phục đỉnh cao.

Ít ai biết rằng, đội bóng chuyền Quân Đoàn 4 lừng danh lại không ra đời tại Bộ Tư lệnh Quân đoàn ở Bình Dương, mà tại một địa điểm đầy bất ngờ: Cercle Sportif Saigonnais (nay là Cung Văn hóa Lao động TPHCM) – một câu lạc bộ thể thao cao cấp dành cho giới thượng lưu Sài Gòn trước năm 1975 do Quân Đoàn 4 tiếp quản.

Trong giai đoạn đầu, đội đã đối mặt với không ít khó khăn. Từng bước xây dựng lực lượng thi đấu các giải bóng chuyền hạng A2, A1 toàn quốc năm 1978-1979. Nhưng với ý chí kiên cường và vượt khó, từ HLV trưởng đầu tiên là ông Bùi Huy Châm (Sau này cũng thành công với các đội bóng chuyền TPHCM, Vĩnh Long, Bến Tre...) và đội trưởng đầu tiên là ông Lương Khương Thượng (Sau này cũng thành công khi là HLV trưởng các đội bóng chuyền nữ Dệt Long An và Bình Điền Long An) đã đặt nền móng cho những thành công sau này. Nhưng người góp công lớn đưa bóng chuyền Quân Đoàn 4 vinh dự lọt vào Top 4 đầu tiên là nữ HLV trưởng tài ba – cô Lệ Thị Nguyệt. Nhưng HLV trưởng duy nhất giúp Quân Đoàn 4 đi vào lịch sử là ông Nguyễn Xuân Dung trở thành HLV trưởng dẫn dắt Quân Đoàn 4 đạt được liên tiếp 3 ngôi vô địch Việt Nam vào các năm 1980, 1981 và 1982.

Đội bóng chuyền Quân Đoàn 4 cũng tự hào sở hữu những đội trưởng huyền thoại, những người đã gắn bó và cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân cho đội. Điển hình là danh thủ Trần Minh Khang với 18 năm cống hiến trên cương vị đội trưởng (1993-2010), kế đến là ông Võ Như Lăng với 12 năm (1982-1993). Họ không chỉ là những người đội trưởng tài năng trên sân đấu mà còn là những người anh cả, dẫn dắt và truyền lửa cho thế hệ sau. Đội bóng chuyền Quân đoàn 4 đã 6 lần vô địch quốc gia vào các năm: 1980, 1981, 1982, 1984, 1986 và 1988, và đến năm 2017 vẫn là một đội mạnh của bóng chuyền Việt nam.

Dấu ấn vang dội và những di sản quý giá

Suốt 50 năm qua, đội bóng chuyền Quân Đoàn 4 không chỉ là một đội tuyển thể thao đơn thuần mà còn là biểu tượng của ý chí, tinh thần đoàn kết và khát vọng vươn lên. Ngoài các danh hiệu cao quý của tập thể, từng thành viên Quân Đoàn 4 sau này đều trở thành những lãnh đạo, quản lý, HLV trưởng thành công như: Tiến sĩ Nguyễn Thành Lâm (Cựu Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Thể thao Việt Nam - TPHCM, Phó chủ tịch Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam), Đại tá Đào Ngọc Chánh (Cựu Giám đốc Trung tâm Thể thao Quân đoàn 4 - HLV đào tạo cầu thủ trẻ của Bình Điền Long An), ông Lương Khương Thượng (Cựu Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học TDTT TPHCM, HLV trưởng vô địch Việt Nam của Dệt Long An và Bình Điền Long An, người phát hiện và đào tạo Trần Thị Thanh Thúy), Trung tá Võ Như Lăng (Cựu HLV trưởng đội bóng Quân Đoàn 4) và đặc biệt nhất là danh thủ Trần Minh Khang ngoài các danh hiệu vô địch cùng Quân Đoàn 4 và ĐTQG trong cả 2 vai trò cầu thủ và HLV, ông cũng góp công xây dựng phong trào bóng chuyền như khi thành lập các đội bóng nư Cao su Phú Riềng, Hưng Yên, Thái Bình Dương...Ông cũng là cầu thủ bóng chuyền duy nhất vinh dự được bầu chọn là VĐV thể thao tiêu biểu số 1 của thể thao Việt Nam khi mà các môn thể thao khác đều rất thu hút khán giả như: bóng đá, bóng bàn, bơi lội, điền kinh...

Nhìn lại chặng đường 50 năm đã qua, đội bóng chuyền nam Quân Đoàn 4 đã để lại một di sản vô giá, không chỉ là những chiếc cúp vô địch mà còn là câu chuyện về nghị lực, niềm đam mê và tinh thần đồng đội bất diệt. Chắc chắn rằng, những giá trị này sẽ tiếp tục được truyền lửa, là nguồn cảm hứng cho các thế hệ tương lai của Quân Đoàn 4 nói riêng và bóng chuyền Việt Nam nói chung.

ÁNH HOA

Đăng nhận xét

0 Nhận xét