Xin cám ơn các bạn đã đến thăm Trang Bóng Chuyền Sài Gòn Online! Cựu trọng tài quốc tế Trần Văn Nghĩa - Một thời ngang dọc...

Cựu trọng tài quốc tế Trần Văn Nghĩa - Một thời ngang dọc...

Cựu trọng tài quốc tế Trần Văn Nghĩa - Một thời ngang dọc...
Cựu trọng tài quốc tế - ông Trần Văn Nghĩa (TPHCM) từng giữ các chức Phó TTK LĐBCVN - TTK LĐBC TPHCM thời hoàng kim của bóng chuyền Việt Nam. Nhờ thời gian làm trọng tài quốc tế, ông đã tiếp cận nhiều kiến thức hiện đại trong công tác tổ chức các giải quốc tế của nước bạn, để mang về áp dụng hiệu quả cho bóng chuyền TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung, góp phần tạo nên những giải đấu hấp dẫn cho người hâm mộ bóng chuyền Việt Nam. Trong thời gian tránh dịch ở Canada, ông đã hồi tưởng lại một thời ngang dọc...với chiếc còi. Chuyên trang www.bongchuyensaigon.online xin phép được đăng lại bài viết của ông.  
Không ngờ nhờ chiếc còi đã giúp mình vi vu khắp đất nước, rồi bay vòng vòng Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Singapore , Manila (Philippines), Jarkarta (Indonesia) băng đến Fukuoka, Tokyo (Nhật Bản), Busan (Hàn Quốc)...như đi chợ. Nhờ chiếc còi giúp mình thấy thời ấy mình không khác gì“ Chú ếch đang ngồi đáy giếng” cho nên khi về nước đã phải thay đổi 360 độ cách làm việc, nếp suy nghĩ ...và “tự kỹ ám thị” hàng ngày: phải học bạn bè của từng nước mọi lúc mọi nơi để khi gặp lại, họ không nhìn mình như người ở hành tinh khác đến, phải chơi ít hơn, làm nhiều hơn (Do thời bao cấp ai cũng làm việc lè phè, sáng vô nghe đọc báo xong là trốn ra cafe tới trưa về nhà khò khò một giấc, chiều ra sân tennis...)
Nhớ ngày xưa, chỉ mượn cớ đi làm trọng Tài để có cơ hội thăm những danh lam thắng cảnh của đất nước không tốn tiền nên cho dù ăn bờ, ngủ bụi cũng không màng, nhờ vậy mà có nhiều trãi nghiệm để đời chẳng hạn: Khi đi trọng tài ở Quy Nhơn (tỉnh Nghĩa Bình cũ nay là Bình Định) phải đi bằng xe đò, bò tà tà mới tới Ngã Ba Phú Tài, trên nóc xe đò có rất nhiều “khách đặc biệt” như heo, gà, vịt...đang chạy giữa đường thì trời mưa lớn, mình “may mắn “ ngồi ghế ở cửa sổ nên nước mưa kéo theo phân heo, gà, vịt đổ đầy người, lúc trời khô ráo thì mình mẩy ”thơm” hết sẩy, xuống xe đi ngang qua người nào, người đó cũng trố mắt, bịt mũi. Còn đi Hà Nội thì te tua trên xe lửa ba ngày, ba đêm mới đến Ga Hàng Cỏ, cứ tưởng Hà Nội 36 phố phường, một tựa sách rất hay của tác giả nào trong Tự Lực Văn Đoàn rất thơ mộng, ai dè chỉ thấy một màu xanh của nón cối và trang phục bộ đội, còn Phố Hàng Ngang, Hàng Đào chỉ thấy các cửa hàng bán chui mọi thứ,những ngỏ ngách chật hẹp là nhà tập thể chứa cả chục hộ dân, cống xả lộ thiên nồng nặc đủ mùi...lúc đó, giận ai đã viết cuốn sách đó ghê!
Chuyện làm Trọng Tài thì ôi thôi chắc phải viết thành truyện, HLV, cầu thủ cứ nịnh: "Trọng tài là cha mẹ", song đội thắng thì xum xuê còn đội bại thì chì chiết, cứ đổ thừa thua là tại mấy “Cha”! Song nghĩ đi nghĩ lại cũng không sai, vì có một số “Cha” đứng trên ghế điều khiển trận đấu mà cứ theo dấu hiệu của “ Ông nội” ở bàn Giám sát mà Giám sát thì được nơi đăng cai lo vé máy bay, xe đưa đón, chổ ăn nghỉ ngon lành nên đội đăng cai thua thì trọng tài bị chê tới bến...Mình thì bất cần, lên ghế nóng chẳng quan tâm đến “Ông nội”, cho dù HLV, cầu thủ là bạn học cùng lớp, cùng trường phản ứng, xách động khán giả là móc thẻ vàng, thẻ đỏ “bụp” tới bến. Bởi vậy “ Ông nội” thì chê song khán giả (Nhất là khán giả mê bóng chuyền phía Bắc) lại tán thưởng liên miên nhưng thiệt tình mình không quan tâm, sau khi điều khiển những trận đấu “đinh” của giải là mình “ lặn” đi thăm Hàn Mặc Tử, bãi biển Non Nước trong veo, chùa Trấn Quốc, chùa Một Cột, vịnh Hạ Long... cho thỏa giấc mơ thời trẻ trâu.
Bước ngoặt lớn nhất thời cầm còi chính là lúc trở thành Trọng tài quốc tế, về nước đem cái mới phổ biến, điều chỉnh cái sai, nhất là bắt lỗi dính bóng, một lỗi mà các bạn trọng tài trong nứơc hay sử dụng để bắt ép các đội thì lại bị họ lấy đa số phủ quyết một người thậm chí ông thầy dạy mình cũng sai khi dịch chữ Held ball (lổi giữ bóng) thành lổi dính bóng mà cũng khăng khăng không điều chỉnh. Lúc ấy mình mới cảm nhận đầu óc đố kỵ, ganh tỵ và tính sỹ diện đã hại bóng chuyền đất nước như thế nào. Cũng may, đội tuyển càng ngày càng tham gia nhiều giải quốc tế và dần dần thấy rõ đâu là sự thật.
Có một câu nói rất hay:”Khi bạn không có lòng cầu tiến, chính bạn đang gây nguy hiểm cho người khác ...” ngẫm lại thấy sợ bởi trong thể thao môn nào cũng đẽ ra nhiều công thần và ít khi để cho người cầu tiến vươn lên. May quá, nhìn đi nhìn lại mình không phải trả giá về điều đó...
TRẦN VĂN NGHĨA

Đăng nhận xét

0 Nhận xét