Xin cám ơn các bạn đã đến thăm Trang Bóng Chuyền Sài Gòn Online! LĐBCVN cần lời giải nào cho bài toán tưởng chừng đơn giản?

LĐBCVN cần lời giải nào cho bài toán tưởng chừng đơn giản?


Việc một số cầu thủ xin không tham gia đội tuyển quốc gia vì chấn thương:

LĐBCVN cần lời giải nào cho bài toán tưởng chừng đơn giản?
Mới đây, hai tuyển thủ Bóng chuyền nữ quốc gia – chủ công Trần Thị Thanh Thúy (VTV Bình Điền Long An)Nguyễn Thị Bích Tuyền (Truyền hình Vĩnh Long) được đơn vị chủ quản cấp CLB xin cho thôi không tập trung đội tuyển quốc gia (ĐTQG) vì lý do chấn thương đã làm dấy lên mối lo ngại về sức mạnh của đội tuyển nữ sẽ suy giảm đáng kể hướng tới chiến dịch SEA Games lần thứ 30 - 2019 diễn ra vào cuối năm tại Philippines.
Để rộng đường công luận, trang www.bongchuyensaigon.online đã tìm gặp và có cuộc trao đổi với Người Quan Sát (NQS) xung quanh vấn đề này. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Thưa ông, việc hai tuyển thủ Thanh Thúy và Bích Tuyền đều được CLB xin cho không tập trung ĐTQG đợt này có điều gì đáng bàn?
NQS: Theo tôi, nếu các tuyển thủ này chấn thương thật sự, cần thời gian dưỡng thương để lành hẳn thì không nên bắt buộc phải tập trung đội tuyển. Một số thông tin có được cho thấy, Thanh Thúy bị chấn thương trước trận chung kết cúp VTV 2019 tại Quảng Nam nên ngay cả ở giải Bóng chuyền Quốc tế Cúp THVL sau đó, Ban huấn luyện đội VTV Bình Điền cũng không đăng ký cho cô thi đấu và nhà đương kim Vô địch giải năm 2018 đành dừng bước ở vị trí thứ 3 chung cuộc lần này. Riêng Bích Tuyền thì chấn thương tuy nhẹ hơn nhưng lại kéo dài dai dẳng do không có thời gian nghỉ ngơi tích cực để điều trị nên chưa khỏi hẳn. Được biết, chủ công Hà Ngọc Diễm (THVL) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự Bích Tuyền. Thế nên cần thận trọng, đánh giá kỹ lưỡng mức độ chấn thương của từng tuyển thủ để có cách chữa trị phù hợp, tránh làm tình hình trở nên xấu hơn nếu cứ vội vội vàng vàng theo kiểu “ăn xổi, ở thì”.
Thế nhưng không chỉ người hâm mộ, ngay cả Ban huấn luyện ĐTQG cũng lo rằng, nếu thiếu những gương mặt này, đội tuyển sẽ có thể không đạt chỉ tiêu đề ra trong năm 2019, trước mắt là Grand Prix 2019 lần đầu tổ chức tại Thái Lan vào tháng 9/2019 và trọng tâm là SEA Games 30 tại Philippines?
NQS: Theo tôi, chúng ta không cứ gì phải chạy theo thành tích nhất thời. Tôi xin đặt giả thiết: Có đủ Thanh Thúy, Bích Tuyền và cả Ngọc Diễm với thể trạng tốt nhất, đội tuyển nữ của chúng ta có soán ngôi Thái Lan ở khu vực vào thời điểm này được không? Còn việc tranh vị trí thứ nhì với Indonesia là tùy vào sự nỗ lực của toàn đội nhưng tôi rất tin sức trẻ của tuyển nữ VN hiện nay. Tại sao ta không chủ trương mạnh dạn tung lực lượng trẻ này bắt đầu được cọ xát, tích lũy thêm kinh nghiệm thi đấu để chuẩn bị cho mục tiêu xa hơn, cụ thể là SEA Games 31 năm 2021 tại VN? Đoạt Huy chương vàng không được thì huy chương bạc hay đồng chẳng còn quan trọng nữa, so đo chuyện nhỏ ấy làm gì?
Tuy nhiên, có không ít ý kiến hoài nghi rằng, câu chuyện không lên tuyển của Thanh Thúy và Bích Tuyền không hẳn là vì chấn thương, thưa ông?
NQS: Họ có quyền đặt đấu hỏi về điều đó. Bởi thực tế cho thấy, nếu chấn thương thật sự tại sao Thanh Thúy lại được CLB Bình Điền cho đi Nhật Bản để thi đấu cho CLB Denso Airybess từ 16/9 đến tận 20/11/2019? Nếu chấn thương thật sự tại sao Bích Tuyền vẫn thi đấu tốt và cùng đội nữ Truyền hình Vĩnh Long lần lượt đoạt hai Cúp Vô địch - Giải Bóng chuyền nam nữ các Đội mạnh phía Nam mở rộng tranh Cúp Sannatech Bến Tre 2019 (từ 06/8 đến 12/8/2019) và Giải Bóng chuyền Quốc tế Cúp Truyền hình Vĩnh Long (từ 26/8 đến 31/8/2019), trong khi các đồng đội khác của cô ấy ở ĐTQG phải cày ải cật lực mới có thể giành được vị trí Á quân tại Giải Bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cúp Tôn Hoa Sen – Quảng Nam 2019? 
Ở đây, có phải quyền lợi của CLB được giới chức có trách nhiệm ở địa phương đặt cao hơn quyền lợi và danh dự của ĐTQG hay không?
Thế theo ông thì nên như thế nào?
NQS: Ồ, việc này có lẽ các nhà quản lý bóng chuyền cấp trung ương thấy rồi nên ngày 17/9, lãnh đạo Tổng cục TDTT đã làm việc với Thường vụ LĐBCVN và Ban huấn luyện đội tuyển nữ để nắm bắt tình hình. 
Tuy nhiên, theo tôi, quan trọng là LĐBCVN cần xây dựng một Quy chế - trong đó nêu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của các bên khi được triệu tập tham gia ĐTQG. Điều này không mới và đã từng được đặt ra từ lâu song hiện nay dường như vẫn chưa thấy văn bản này. Bởi, tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả đào tạo, huấn luyện và thi đấu bóng chuyền” do LĐBCVN tổ chức tại Hà Nội vào ngày 25/11/2016, trong bản kết luận gồm 4 nội dung theo chủ đề, có nêu:”Nội dung thứ hai, về “Quy định triệu tập HLV, VĐV các đội tuyển quốc gia”: 1. Điều chỉnh quy định về triệu tập HLV, VĐV đội tuyển quốc gia và thống nhất đặt nhiệm vụ quốc gia là nhiệm vụ trọng tâm; 2. Cần tính toán đến thời gian, thời điểm triệu tập các VĐV cho phù hợp về nhiệm vụ của ngành, của địa phương cũng như đội tuyển quốc gia”. 
Tôi không biết gần 3 năm đã trôi qua kể từ ngày có bản kết luận đó, hiện đã có bản “Điều chỉnh quy định về triệu tập HLV, VĐV đội tuyển quốc gia” hay chưa và cách tính toán đến thời gian, thời điểm triệu tập các VĐV cho phù hợp về nhiệm vụ của ngành, của địa phương cũng như ĐTQG của LĐBCVN là như thế nào, ai biên soạn và nó đã ra đời từ bao giờ?. Đây là trách nhiệm của các giới chức thuộc LĐBCVN được Ban chấp hành phân công từ đầu nhiệm kỳ. Theo tôi, cần thiết thì phải kiểm tra chứ không thể nói rồi cho qua, bởi rất nhiều việc có “phát” nhưng chẳng thấy ai “động” rồi…..hòa cả làng!.
Liên quan đến vấn đề này, còn gì nữa, thưa ông?
NQS: Trong Hội thảo này, tôi còn nhớ có đại biểu khi trình bày tham luận đã nêu, đại loại đối với các trường hợp xin không tập trung ĐTQG do chấn thương, cần thiết phải được LĐBCVN mặc định các cơ sở y tế chuyên sâu có uy tín, đảm bảo chất lượng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, khám và xác nhận tình trạng chấn thương, được chỉ định nghỉ dưỡng bao lâu và phác đồ điều trị thế nào để sớm bình phục, tiếp tục tham gia tập luyện và thi đấu. Ý kiến tham luận này cũng đề xuất việc xác định tình trạng chấn thương không thể do địa phương trả lời bằng văn bản hoặc thậm chí giấy xác nhận của các cơ sở y tế tại địa phương vốn chưa có chuyên khoa sâu, nhằm tránh tình trạng không thể kiểm soát thông tin có thật hay không về chấn thương của cầu thủ tại CLB. Nếu phía CLB không thực hiện quy trình này mà vẫn thoái thác VĐV làm nhiệm vụ ở ĐTQG, tham luận đã đề xuất hình thức chế tài: LĐBCVN có thể đề nghị Tổng cục TDTT ra quyết định đình chỉ số HLV, VĐV này quyền chỉ đạo, thi đấu ở các giải quốc nội trong thời gian nhất định nào đó. Thế nhưng rất tiếc, tham luận này dường như không được sự đồng tình của số đông đại biểu đến từ các CLB, trong khi LĐBCVN cũng chẳng ai dám quyết (cười).
Chưa hết, tham luận nêu trên còn đề nghị, đối với các chuyên gia, HLV được mời tham gia ĐTQG, cần quy định hẳn hoi về tiêu chuẩn trình độ, bằng cấp chuyên môn. Ví dụ, đối với vị trí HLV trưởng ĐTQG phải có trình độ chuyên môn là tốt nghiệp Đại học Thể dục thể thao trở lên của môn Bóng chuyền, hay có bằng cấp Leves 1, 2 gì đấy do Liên đoàn Bóng chuyền châu Á (AVC) cấp chẳng hạn, tương tự như môn Bóng đá quy định HLV trưởng cấp CLB tham dự V.League phải có bằng cấp A, B, C gì đấy của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) cấp, HLV trưởng ĐTQG phải bằng cấp chuyên môn gì v.v. 
Tôi nghĩ nếu BCVN làm được điều đó như Bóng đá, sẽ không còn tình trạng bi hài: Trong khi BCVN có biết bao nhiêu HLV có trình độ Đại học chuyên sâu môn Bóng chuyền trở lên, lại chọn một HLV tốt nghiệp Đại học của môn thể thao khác làm HLV trưởng đội tuyển bóng chuyền nam quốc gia mà công luận từng bàn tán xôn xao thời gian gần đây.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
NGỌC DIỆP

Đăng nhận xét

0 Nhận xét