Xin cám ơn các bạn đã đến thăm Trang Bóng Chuyền Sài Gòn Online! Bình Điền Long An tiên phong cho thuê cầu thủ

Bình Điền Long An tiên phong cho thuê cầu thủ

Được đánh giá là một trong những lò đào tạo VĐV trẻ tốt nhất nước, VTV Bình Điền Long An cũng đi đầu trong việc chuyển nhượng cầu thủ bóng chuyền, kể cả cho mượn có thời hạn lẫn thi đấu lâu dài
Chưa bao giờ VTV Bình Điền Long An phải lo lắng về chuyện nhân sự của đội bóng khi tham dự các giải đấu trong nước và quốc tế, kể cả khi hàng loạt cầu thủ trụ cột lần lượt chia tay đội trong những năm qua vì nhiều lý do. Đội lớn có biến động, lập tức một dàn cầu thủ trẻ từ đội U21 được triệu tập bổ sung, đồng thời đội năng khiếu lứa 16-18 tuổi cũng tăng cường công tác tuyển dụng và đào tạo, không để một ngày nào ba tuyến của CLB giàu truyền thống này thưa vắng quân số trên sân tập cũng như phải dời hoãn giáo án tập luyện.
Ông Thái Bửu Lâm, Trưởng đoàn VTV Bình Điền Long An, cho biết một khi công trình Trung tâm Huấn luyện bóng chuyền được xây dựng xong và đi vào hoạt động ở Bến Lức (tỉnh Long An), dự kiến trong khoảng 1-2 năm nữa, bóng chuyền nữ Long An không chỉ hướng tới việc chinh phục các giải đấu quốc gia mà còn mơ vươn tầm ra sân chơi khu vực và châu lục. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, giới chuyên môn bóng chuyền Việt Nam đã phải nhìn nhận Long An là "đất bóng chuyền", đến huyện, xã nào cũng có thể phát hiện những VĐV tiềm năng. Nhiều HLV từng trầm trồ khi nhìn thấy các VĐV năng khiếu phụ trách khâu vệ sinh sân bãi tại Long An bởi chiều cao và cấu trúc cơ thể quá lý tưởng của những gương mặt còn rất trẻ này.
Chẳng phải chuyện mới mẻ gì khi từng đưa bộ ba cầu thủ ngôi sao gồm Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Nguyễn Thị Kim Liên và Trần Thị Thanh Thúy xuất ngoại thi đấu tại Thái Lan và Đài Loan, cũng từng nhiều lần trao đổi cầu thủ với các CLB trong nước qua các trường hợp của Hà Ngọc Diễm, Trịnh Thị Thu Dung, Nguyễn Thị Thu Nhiên (tỉnh Vĩnh Long) hay Nguyễn Thị Trinh, H’mia Êban (Đắk Lắk), tuy nhiên, phải đến đầu năm 2019, VTV Bình Điền Long An mới quyết định đem các cầu thủ trẻ nhiều đội bóng trong nước mượn.
Với phương châm "Không dùng hết thì chia sẻ", đội đã trao cơ hội cho các VĐV trẻ được thi đấu cọ xát, tích lũy kinh nghiệm ở những CLB hàng đầu thay vì phải ngồi dự bị miệt mài cho các cầu thủ ngôi sao đàn chị tại CLB. Tất nhiên, đội bóng cũng sẽ tiết kiệm được khoản ngân sách không hề nhỏ để chi trả lương cho các cầu thủ trong thời gian cho mượn, chưa kể còn nhận lại được một phần "chi phí đào tạo" từ phía các đối tác.
Sau khi đồng ý để chủ công Phan Khánh Vy và phụ công Đặng Thị Mỹ Duyên đầu quân cho Kingphar Quảng Ninh, mới đây, VTV Bình Điền Long An tiếp tục để 2 VĐV tuyến trẻ là chủ công Trương Thụy Anh Phương và libero Nguyễn Thị Thanh Diệu thi đấu cho Truyền hình Vĩnh Long, còn tay chuyền hai Lê Thị Ngọc Trâm chờ gia nhập đội bóng cao nguyên Đắk Lắk… Đây là các VĐV còn rất trẻ, trong độ tuổi 17-19 với các chỉ số chuyên môn về chiều cao, sức bật và cả sức mạnh rất ấn tượng, hoàn toàn có thể trở thành thành viên của các đội tuyển U23 và tuyển quốc gia trong tương lai.
Danh sách "đánh thuê" của VTV Bình Điền Long An còn rất dài trong bối cảnh giá trị cầu thủ được xác định đúng mức, giúp nhiều đội bóng đáp ứng được nhu cầu nhân sự cho mục tiêu thi đấu cấp thiết trước mắt trong khi chưa thể bảo đảm khâu tự đào tạo. 
ĐÀO TÙNG