Xin cám ơn các bạn đã đến thăm Trang Bóng Chuyền Sài Gòn Online! Cúp quốc tế THVL: Vì sao chưa hiện diện trong hệ thống quốc gia 2019?

Cúp quốc tế THVL: Vì sao chưa hiện diện trong hệ thống quốc gia 2019?

Mới đây, theo thông tin trên trang www.bongchuyensaigon.online, trong hội nghị thường niên Ban chấp hành Liên đoàn Bóng chuyền VN (VFV) năm 2018 tổ chức vào ngày 20/1/2019 tại Hà Nội, có lẽ theo đề xuất của phía địa phương đăng cai, các thành viên VFV đã nhất trí đưa giải Bóng chuyền quốc tế Cúp Truyền hình Vĩnh Long 2019 vào hệ thống thi đấu quốc gia, bắt đầu từ năm nay. 
Đây quả là tin vui cho giới bóng chuyền cả nước vì đã có thêm một thương hiệu giải đấu tầm vóc quốc tế tại VN khẳng định vị thế của mình sau lần tổ chức đầu tiên vào năm 2015 (mới chỉ duy nhất đội tuyển nam Campuchia được mời tham dự để chuẩn bị cho SEA Games cùng năm). Lần gần nhất tổ chức tại Vĩnh Long vào năm 2018, có đến 4 đội bóng nước ngoài tham gia, gồm 2 đội nam (Malaysia, Campuchia) và 2 đội nữ (Malaysia, Philippines), cùng với các đội trong nước như Long An, TP Hồ Chí Minh, XSKT Vĩnh Long (nam), Binh chủng Thông tin, Trẻ VTV Bình Điền Long An, Truyền hình Vĩnh Long (nữ).
Tuy nhiên, gần 1 tháng đã trôi qua kể từ sau hội nghị VFV, khi mà lịch thi đấu Thể thao thành tích cao 2019 (trong đó có môn Bóng chuyền) và lịch thi đấu Bóng chuyền 2019 đã được Tổng cục Thể dục thể thao và VFV ban hành hoặc công bố với các giải đấu còn khuyết danh địa điểm tổ chức đã được điền lắp gần đầy chỗ trống, nhiều người vẫn chưa thấy lộ diện một số thông tin cơ bản như về thời điểm tổ chức của Cúp Truyền hình Vĩnh Long 2019.
Thế nên, hiện có nhiều đồn đoán, đại loại tại hội nghị, một thành viên Ban chấp hành VFV là người địa phương Vĩnh Long do quá tích cực nên đăng ký trong khi hành trang của vị này chưa có gì, kể cả chưa phải là người có tiếng nói sau cùng về chuyện kinh phí và các điều kiện đảm bảo khác để tổ chức giải đấu nhằm tránh khỏi một số điều tiếng không đáng có từ các lần tổ chức trước.
Bởi, để tổ chức một sự kiện thể thao quan trọng như Cúp Truyền hình Vĩnh Long, các nhà tổ chức đã phải bỏ ra khoản kinh phí ngày càng tăng dần và lần gần nhất vào năm 2018 không dưới 1 tỷ đồng, trong đó kinh phí giải thưởng 400 triệu đồng (80 triệu, 60 triệu, 40 triệu, 20 triệu đồng cho từng giải nhất, nhì, ba, tư nam và nữ). Đây là số tiền hoàn toàn do nguồn xã hội hóa - sự đồng hành của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh từ công tác vận động tài trợ của Liên đoàn Bóng chuyền tỉnh Vĩnh Long.
Có lẽ có một điều các nhà chuyên môn chưa lường hết để tham mưu cho Ban Tổ chức giải - như ở lần tổ chức vào năm 2018, là nếu các khách mời ở giải nam với 5 đội bóng chất lượng cao đủ tạo sự yên tâm thì ở giải nữ lại là chuyện khác. Ngoài đội chủ nhà Truyền hình Vĩnh Long – đương kim vô địch giải năm 2017 với quyết tâm cao, thì thành phần ra sân của 2 đội danh tiếng trong nước có lẽ chưa làm hài lòng các nhà tổ chức đã bỏ tiền ra để xây dựng thương hiệu cho giải đấu. 
Rõ ràng, dù Ban Tổ chức rất trọng thị khi điền tên mời 2 trong số 3 đội bóng hàng đầu của Bóng chuyền nữ VN là VTV Bình Điền Long An và Thông tin Liên Việt Postbank nhưng rất tiếc, cả hai đều đem đến giải 2 đội bóng trẻ - Binh chủng Thông tin và Trẻ VTV Bình Điền, chuẩn bị tham dự Giải Trẻ Cúp các CLB toàn quốc 2018 sau đó ít ngày (cũng tổ chức tại Vĩnh Long). Chưa hết, hai khách mời quốc tế đến từ Malaysia và Philippines chỉ là các đội bóng có trình độ cỡ hạng A của Bóng chuyền nữ VN nên dẫn đến chất lượng chuyên môn của nhiều trận đấu không đạt yêu cầu của nhà tài trợ lẫn người xem trực tiếp và đông đảo khán giả hâm mộ cả nước qua màn ảnh nhỏ.
Tìm hiểu thêm thì được biết, dù số tiền tài trợ khá dồi dào song không hiểu sao trong công tác tham mưu xây dựng kế hoạch tổ chức, chuyện phân biệt đối xử “nội” – “ngoại” lại không minh bạch giữa nghĩa vụ và quyền lợi.
Theo thông tin BCSG Online nắm được, một số đội bóng trong cuộc – đặc biệt là các đội bóng nữ trong nước, phản ảnh rằng cùng là khách mời nhưng trong khi Malaysia, Philippines, Campuchia đều được Ban Tổ chức đưa đón, lo nơi ăn chỗ nghỉ chu đáo nhưng trình độ chuyên môn thấp, còn họ thì buộc phải tự túc và còn đóng khoản lệ phí tham gia 5 triệu đồng/đội? (khoản này sau đó Ban Tổ chức không thu vì chẳng đội nào tự nguyện đóng). 
Lẽ ra, để thu hút được các CLB hàng đầu của Bóng chuyền VN tham dự như Ban Tổ chức các giải Quốc tế VTV Cúp Bình Điền, Cúp Quốc tế Liên Việt v.v từng thực hiện, các nhà tổ chức Cúp Quốc tế Vĩnh Long không thu lệ phí tham dự, đồng thời hỗ trợ mỗi đội 30 – 40 triệu đồng, hoặc lo chi phí di chuyển, ăn, nghỉ trong thời gian tham dự sự kiện thể thao quốc tế này, thì họ sẳn lòng cử lực lượng mạnh nhất đúng với tên gọi tham gia và chắc chắn giải đấu sẽ có chất lượng cao như mong đợi của các nhà tài trợ, Ban Tổ chức giải và nhất là khán giả hâm mộ.
Thế nên, có lẽ chẳng quá muộn khi lịch thi đấu 2019 của Bóng chuyền VN chưa chính thức ghi tên Cúp Bóng chuyền Quốc tế Vĩnh Long nhưng rõ ràng, quỹ thời gian còn lại đủ để bộ phận tham mưu kế hoạch tổ chức giải chiêm nghiệm những gì còn tồn đọng nhằm giúp cho sự kiện này tiếp tục tạo nên tiếng vang lớn, một thương hiệu mới đối với Bóng chuyền Việt Nam, không chỉ kể từ năm 2019.
Ảnh: DƯƠNG THU
HỒNG ÁNH