Xin cám ơn các bạn đã đến thăm Trang Bóng Chuyền Sài Gòn Online! Huấn luyện viên trưởng quốc gia phải như thế nào?

Huấn luyện viên trưởng quốc gia phải như thế nào?

Huấn luyện viên trưởng quốc gia phải như thế nào?
Qua cuộc trao đổi giữa HLV Trần Văn Thư (Tràng An Ninh Bình) và trang bongchuyensaigon.online mới đây, nhiều người trong làng bóng chuyền đã bày tỏ những cảm xúc trái chiều, đồng thuận cũng có, và băn khoăn cũng không ít.
Để tiếp tục rộng đường công luận, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Người Quan sát (NQS) nhân ông vừa chợt “tái xuất” sau thời gian dài vắng bóng….
Thưa ông, lâu nay ông có theo dõi tình hình hoạt động của BCVN?
NQS: Ồ, có chứ. Dù bận rất nhiều việc của cá nhân song tôi vẫn dành thời gian theo dõi những chuyển động của BCVN.
Mới đây, nhân câu chuyện Liên đoàn Bóng chuyền VN lấy ý kiến các HLV trưởng của CLB về việc giới thiệu nhân sự cho các đội tuyển quốc gia như việc làm hàng năm, ông Trần Văn Thư có nêu quan điểm của mình trên www.bongchuyensaigon.online. Ý kiến của ông thể nào?
NQS: Trước hết, cho tôi không bình luận về những ý kiến của chuyên gia Trần Văn Thư. Bởi về nguyên tắc, mỗi người có quyền nêu quan điểm hoặc góc nhìn về một sự vật, hiện tượng nào đó. Trường hợp ông Thư nêu, theo tôi, có phần có cơ sở. Ở đây, ý ông Thư đề cập trường hợp ai cũng thấy rõ và có lẽ chưa từng có tiền lệ: HLV Nguyễn Tuấn Kiệt đóng vai “phó tướng” của đội nữ Ngân hàng Công thương nhưng lại được Liên đoàn Bóng chuyền VN mời là HLV trưởng đội tuyển Bóng chuyền nữ quốc gia năm rồi.
Theo ông, làm cấp phó ở CLB mà “leo” lên trưởng ở cấp đội tuyển QG thì thế nào, nên hay không?
NQS: Tôi nghĩ, không có vấn đề gì nếu ông hoặc bà ta đáp ứng được các tiêu chí và yêu cầu của các nhà tuyển trạch cấp đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, điều này có lẽ chưa từng xảy ra trước đó với các môn bóng, như: Bóng đá, Bóng chuyền, Bóng rổ v.v ở bấy kỳ quốc gia nào. Bởi nếu không từng có tiền lệ, hoặc người ta sẽ nghĩ ông hoặc bà này phải cực giỏi nhưng vì lý do nào đó không được làm HLV trưởng ở cấp CLB, hoặc là phải có mối quan hệ tình cảm, thân thích, kiểu “theo dây” với các nhà tuyển trạch quốc gia do hợp….“cạ” hay thế nào đấy.
Ông Thư cho rằng, HLV Trưởng đội tuyển quốc gia phải là HLV trưởng cấp CLB là nguyên tắc cần được tuân thủ, ông thấy thế nào?
NQS: Theo tôi, có lẽ ông Thư muốn nhắc đến việc bố trí ông Nguyễn Tuấn Kiệt làm HLV trưởng đội tuyển nữ năm 2018, qua đó dẫn đến một “sự kiện lịch sử” cho bóng chuyền Việt Nam, đó là ĐTQG nữ thua một mạch 15 điểm liên tục. Bởi ý ông Trần Văn Thư là được kiểm chứng qua vai trò HLV trưởng ở CLB thì mới chứng minh được trách nhiệm và tâm lý chỉ đạo trước áp lực của các trận đấu căng thẳng. Từ đó, khi dẫn dắt ĐTQG thi đấu quốc tế thì anh mới thể hiện được bản lĩnh thực sự. Nhưng chúng ta cũng nên nhớ, với BCVN, lâu nay đã xảy ra không ít trường hợp các CLB không muốn nhả HLV trưởng lên làm cho đội tuyển quốc gia, trưởng hay phó đều thế. Họ viện dẫn đủ mọi lý do để né tránh, nhằm giúp các ông thày của mình dành toàn tâm, toàn ý cho CLB – nơi trả lương cho họ. Đây là điều gây khó trở lại cho Liên đoàn Bóng chuyền VN trong nhiều năm qua.
Theo ông, việc này phải như thế nào?
NQS: Cũng tùy. Theo tôi, nếu Liên đoàn Bóng chuyền VN có chiến lược xây dựng và quy hoạch đội ngũ HLV các tuyến cho đội tuyển một cách dài hơi thì tốt biết mấy, không phải nay ông này, mai bà kia theo suy nghĩ chủ quan của một vài cá nhân nào đó hoặc do mối quan hệ thân tình để kết bè cánh. Bởi, tiền của Tổng cục TDTT hoặc của liên đoàn không có nhiều nên thay vì mời HLV cho đội tuyển theo kiểu “trái lề” như lâu nay gây lãng phí, ta dùng để thuê một HLV ngoại kha khá làm HLV trưởng và bố trí các HLV trẻ thuộc diện quy hoạch làm trợ lý để học hỏi thêm thì hiệu quả sẽ tốt hơn nhiều. 
Theo tôi, đối với Thể thao VN nói chung, việc sử dụng HLV trưởng là người nước  ngoài tuy tốn nhiều tiền hơn song có nhiều cái lợi, trước mắt là không còn tình trạng đối đãi theo kiểu “Quân anh, quân tôi” như trong hầu hết các môn hiện nay. Đơn cử, Bóng đá là thấy rõ nhất. HLV Park Hang - Seo hưởng lương do bầu Đoàn Nguyên Đức trả nhưng các cầu thủ của Hoàng Anh Gia Lai như Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Minh Vương, Hồng Duy v.v. đâu phải lúc nào cũng là sự lựa chọn số 1 của ông ta.? Triết lý của ông thày người Hàn và đa số các HLV ngoại khác rất rõ ràng: hiệu quả thi đấu của các học trò chính là thước đo hàng đầu năng lực của họ vì từ hiệu quả công việc anh làm thì người ta mới ký hợp đồng tiếp tục hoặc cắt ngang.
Thế còn trường hợp ông Thư thử đề xuất một vài cái tên cho vị trí HLV trưởng đội tuyển nữ VN sắp tới?
NQS: Theo tôi thì trong đó đa số họ đều còn trẻ là rất tốt. Song cũng cần lưu ý tới năng lực và bề dày thành tích, bắt đầu từ cấp câu lạc bộ. Ông Bùi Huy Sơn (Thông tin Liên Việt Postbank) từng là cầu thủ Thể Công và đội tuyển Bóng chuyền nam quốc gia, tương tự như ông Nguyễn Tuấn Kiệt (Bưu Điện Hà Nội). Song so với ông Kiệt, ông Sơn chưa thể hiện thành tích huấn luyện gì vượt trội. Những gì đội nữ Thông tin mới đạt gần đây là “dư âm” còn sót lại của thời kỳ huy hoàng do HLV kỳ cựu Phạm Văn Long gầy dựng. Hãy để ông ấy có thêm thời gian thể hiện bản lĩnh của nhà cầm quân cấp CLB đã, không vội vàng gì (cười). 
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
HỒNG ÁNH  thực hiện