Xin cám ơn các bạn đã đến thăm Trang Bóng Chuyền Sài Gòn Online! Cúp Đạm Cà Mau 2018: Cần tính đến quyền và nghĩa vụ các CLB!

Cúp Đạm Cà Mau 2018: Cần tính đến quyền và nghĩa vụ các CLB!

Cúp Đạm Cà Mau 2018: Cần tính đến quyền và nghĩa vụ các CLB!
Cuối cùng, điều may mắn cho Bóng chuyền VN đã trở lại: Nhà đầu tư tiếp tục tham gia tài trợ để có đủ điểu kiện duy trì Giải Bóng chuyền Cúp Đạm Cà Mau năm 2018 dành cho 4 đội bóng nam và 4 đội nữ hàng đầu quốc gia mùa trước liền kề. 
Từ niềm vui chung ấy, chợt nghĩ đến một số vấn đề còn chưa trọn vẹn đối với một trong những giải đấu danh giá hàng năm này của BCVN.

Từ mục đích, yêu cầu của giải chưa thật sự gắn liền thực tế….

Qua điều lệ giải số 06/ĐL-LĐBCVN ngày 07/7/2018 được ban hành, mới thấy các nhà tổ chức đã tiếp tục xài….”bình cũ, rượu cũ” ở hầu hết 3 nội dung của mục mục đích “Tạo điều kiện cho các đội, các vận động viên có cơ hội thi đấu cọ xát ở các giải đỉnh cao; Đánh giá trình độ chuyên môn, tuyển chọn vận động viên xuất sắc cho các đội tuyển quốc gia; Giúp các đội đánh giá công tác huấn luyện và đào tạo” song trong đó, ai cũng biết đến thời điểm tổ chức giải (31/10 đến 04/11/2018 tại Đắc Nông), các đội tuyển quốc gia của Bóng chuyền VN đều đã hoàn thành nhiệm vụ ở tất cả các giải trong nước và quốc tế năm 2018, mục đích chọn VĐV xuất sắc cho đội tuyển quốc gia có còn phù hợp và nếu có, sẽ chọn cho năm nào?.
Thế còn ở mục yêu cầu, các nhà tổ chức đã nêu “Yêu cầu các đội Bóng chuyền tham dự giải Vô địch quốc gia PV Gas năm 2017 đủ điều kiện dự giải có trách nhiệm cử đội tham gia”. Yêu cầu là vậy song chưa thấy điều khoản nào trong điều lệ đưa ra các quy định chế tài, đại loại nếu không cử đội tham gia (có lý do chính đáng thì có thể chấp nhận và không chính đáng ra sao) như trường hợp Biên phòng năm 2018 thì sẽ xử lý thế nào hay LĐBCVN phải xuống nước mời các đội xếp hạng kế tiếp và Long An nhận lời vào giờ chót là một ví dụ.
Đặt giả thiết nếu trong số đội phía sau, chẳng đội nào nhận lời nên giải nam (hoặc nữ) thiếu 1 hay thậm chí đến 2 đội thì giải có tổ chức hay không và khi ấy, Ban Tổ chức sẽ phải trả lời với nhà tài trợ như thế nào?
Chưa hết, các nhà tổ chức còn tỏ ra họ sở hữu quyền năng gần như….vô hạn đối với các đội bóng khi quy định trong điều lệ giải: đội nào nộp hồ sơ trễ hạn (trước giải 1 tháng) sẽ bị nộp phạt theo quy định tài chính của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (!?). Đành rẳng, quy định thời hạn chót nộp hồ sơ là cần thiết nhằm đảm bảo tính ràng buộc của cuộc chơi nào đấy và giúp chủ động trong công tác tổ chức song đối với những giải đấu như thế này, có nên dùng những cụm từ cứng nhắc, nặng nề như thế không?

….cho đến quyền lợi của các Câu lạc bộ tham gia!

Tương tự như Cúp Hùng Vương được tổ chức hàng năm sau vòng 1 giải Vô địch quốc gia, ngoài việc “được” thi đấu thêm một số trận đỉnh cao để tích lũy thêm kinh nghiệm cho các cầu thủ trẻ là chính cùng số tiền thưởng chẳng lấy gì làm cao so với một số giải khác tổ chức tại VN, các CLB tham dự các Cúp này chẳng được hỗ trợ khoản nào từ phía Ban Tổ chức.
Ngược lại, các CLB lọt vào khung “đủ điều kiện dự giải” có nghĩa vụ phải bỏ ra thêm không dưới 50 triệu đồng chi phí ăn ở, đi lại (ô tô) cả tuần lễ dự giải. Và nếu chẳng may lọt từ hạng 3 trở xuống giải khuyến khích, thì xem như họ phải bỏ thêm tiền túi để phục vụ cho giải đấu của Ban Tổ chức. Đó là chi phí khiêm tốn đối với các đội cùng vùng miền địa phương đăng cai, còn như ở giải năm 2018, các đội phía Bắc như Thể Công, Tràng An Ninh Bình (nam), Thông tin Liên Việt Postbank, Ngân hàng TMCP Công thương VN, Mikado Thái Bình (nữ) phải bỏ ra thêm một khoản chi phí không dưới 50 triệu đồng tiền vé máy bay để đến địa điểm thi đấu ở Đắc Nông.
Thế nên, việc hầu hết các CLB không mặn mà với những giải đấu như Cúp Đạm và khi có lý do bất chợt nào đó, việc vịn vào đó để từ chối tham dự là điều dễ hiểu và trường hợp của Biên phòng hoàn toàn được sự đồng cảm của nhiều người trong giới.
Thiết nghĩ, việc tiếp tục tổ chức các giải đấu có sự tham gia của nhà tài trợ là điều đáng trân trọng, song đã đến lúc các nhà tổ chức cần soi rọi lại để có giải pháp tạo nên tiếng nói chung với các CLB, đảm bảo hài hòa quyền và nghĩa vụ của các phía tham gia nhằm giúp hệ thống tổ chức giải đấu của BCVN ngày một căn cơ và có tính bền vững.
PHÚC VĨNH