Xin cám ơn các bạn đã đến thăm Trang Bóng Chuyền Sài Gòn Online! Quản quân ở ĐTQG: Lỏng hay chặt tùy sự ngẩu hứng của BHL

Quản quân ở ĐTQG: Lỏng hay chặt tùy sự ngẩu hứng của BHL

Quản quân ở ĐTQG: Lỏng hay chặt tùy sự ngẩu hứng của BHL
Nhân câu chuyện đội nam Sanest Khánh Hòa bị “làm khó” ở Giải Bóng chuyền Cúp các CLB nam Vô địch châu Á – SMM 2018 khiến giờ chót họ đánh mất cơ hội giành Huy chương đồng vẫn chưa có hồi kết trách nhiệm thuộc về ai thì người ta phát hiện ở đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam cũng lắm chuyện nhiêu khê về cách quản lý quân số.
Từ sự cố “tai nạn do việc riêng” của tuyển thủ nữ QG Phạm Thị Nguyệt Anh…
Cách đây khoảng 3 tuần, nhiều người bất ngờ với thông tin trên phụ trang thể thao của một tờ báo phát hành tại Sài Gòn cho hay, tuyển thủ quốc gia Phạm Thị Nguyệt Anh (Thông tin Liên Việt Postbank) sau khi xin phép Ban Huấn luyện (BHL) đội tuyển được trở về CLB chủ quản do có việc riêng và từ việc “riêng” đó, cô đã bị tai nạn khiến cơ hội cống hiến cho sự nghiệp bóng chuyền của một VĐV được đánh giá nhiều triển vọng có nguy cơ dừng lại mãi mãi.
Từ sự việc này liên hệ đến câu chuyện bị làm khó của Sanest Khánh Hòa mới thấy, hóa ra chuyện HLV, VĐV các CLB muốn rời nơi tập huấn của các đội tuyển quốc gia – dù có lý do chính đáng hay không, sẽ tùy vào việc thích “cho” hay “không” của Ban huấn luyện các đội tuyển chứ chưa hề bị ràng buộc bởi một quy định về quản lý nào đó của Tổng cục Thể dục thể thao hay Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV).
Đáp lại nghi vấn này, chắc hẳn các “bậc bề trên” ở BHL các đội tuyển sẽ vịn vào cớ, đại loại: Nguyệt Anh được “Cho” – dù là việc riêng, vì thời gian đến giải chính thức – ASIAD 2018 (cuối tháng 8/2018 tại Indonesia) còn dài, trong khi chủ công Từ Thanh Thuận và libero Huỳnh Trung Trực của Sanest Khánh Hòa bị nói “Không!” – dù có lý do chính đáng, thực hiện nhiệm vụ thi đấu Giải Bóng chuyền Cúp các CLB nam Vô địch châu Á – SMM 2018 do Tổng cục Thể dục thể thao quyết định cử tham dự, vì giờ lên đường sang Trung Hoa Đài Bắc dự giải Vô địch châu Á 2018 của đội tuyển nam đã cận kề.
Và hậu quả của sự tùy tiện theo kiểu nắng - mưa ấy đã kéo theo: phía “được” đã bị tai nạn – thiệt thòi cho đội tuyển nữ, và phía “bị” cũng lâm vào cảnh dở khóc dở cười do thành tích không thể vươn đến mức cao nhất có thể - thiệt thòi cho danh dự của CLB Sanest Khánh Hòa và cho cả Bóng chuyền nam VN trên trường quốc tế.
Từ đây, nhiều người đã cho rằng: Phải chăng do chưa có quy định cụ thể về việc quản lý HLV, VĐV tập trung đội tuyển quốc gia nên các BHL cứ mặc tình làm theo ý của mình? Và phải chăng theo kiểu tập trung có thời hạn trong năm nên các HLV trong BHL – những người thuộc biên chế của các CLB nên VFV không thể có động thái kỷ luật nào nếu họ để xảy ra những hậu quả xấu từ cách quản lý hời hợt của mình?
Quản quân ở ĐTQG: Lỏng hay chặt tùy sự ngẩu hứng của BHL
Mọi việc ở đội tuyển nữ Việt Nam đều được VFV giao cho ông Nguyễn Tuấn Kiệt?
Cũng từ chuyện của Nguyệt Anh mới thấy dư luận bàn tán về nghi vấn “độc tài” hay “lạm” quyền của nhân vật đứng đầu BHL đội tuyển QG nữ hiện nay: ông Nguyễn Tuấn Kiệt (HLV phó của đội Ngân hàng Công thương VN).
Mới đây, trước thềm Giải bóng chuyền Cúp các CLB nữ vô địch châu Á - SMM 2018 (từ ngày 11-18/7/2018, tại Oskemen – Kazakhstan), lãnh đạo đội VTV Bình Điền khăn gói ra nơi đóng quân của đội tuyển nữ xin cho HLV Trịnh Nguyễn Hoàng Huy và 5 VĐV - trong đó gồm 4 của VTV Bình Điền Long An là Trần Thị Thanh Thúy, Dương Thị Hên, Đặng Thị Kim Thanh, Libero Nguyễn Thị Kim Liên cùng phụ công Nguyễn Thị Trinh của Đắc Lắc (Đắc Lắc đã ký bản hợp đồng cho VTV Bình Điền Long An mượn Nguyễn Thị Trinh thi đấu hai giải VTV Cúp Bình Điền và Cúp các CLB vô địch nữ châu Á trong năm 2018 không thuộc hệ thống thi đấu quốc gia) được trở về thi đấu. 
Thế nhưng theo vị lãnh đạo CLB Bình Điền Long An, HLV trưởng đội tuyển quốc gia – ông Nguyễn Tuấn Kiệt viện lý do đội tuyển còn quá ít quân nên gây khó khăn đủ điều và vào giờ chót ông ta quyết giữ Nguyễn Thị Trinh ở lại do VĐV này là người của CLB Đắc Lắc.
Và có lẽ, trong thời gian VTV Bình Điền Long An dự Giải bóng chuyền Cúp các CLB nữ vô địch châu Á - SMM 2018 tại Kazakhstan nên đội tuyển còn….”quá ít quân”, BHL đội tuyển do ông Kiệt làm chủ soái đã tự ý cho Nguyệt Anh về CLB Thông tin có việc riêng nên đã để xảy ra sự cố tai nạn đáng tiếc. Nhiều người cho rằng cũng còn may, nếu không phải là Nguyệt Anh mà là Nguyễn Thị Trinh, thì chẳng hiểu vị thuyền trưởng này sẽ ăn nói ra sao với lãnh đạo đội bóng VTV Bình Điền Long An khi họ từ Kazakhstan trở về?
Rõ ràng, nhiều người đã có lý khi cho rằng, chuyện quản quân ở đội tuyển nữ có vấn đề mà nếu là thời của các ông Phạm Văn Long, Nguyễn Mạnh Hùng, Thái Thanh Tùng, Nguyễn Quốc Vũ làm HLV trưởng đội tuyển quốc gia, chưa bao giờ họ được nghe lắm chuyện trái khoáy như thế. Vậy VFV có biết không hay đã có một thỏa thuận ngầm nào đấy giao hẳn toàn quyền cho ông Nguyễn Tuấn Kiệt quyết định?
Ảnh:AVC
MAI ANH