Ông Nguyễn Thanh An (Ngồi bên phải) |
Cách đây khoảng 3 năm, trước thềm Đại hội nhiệm kỳ VI (2015 – 2019) của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV), như một điệp khúc “không sạch” thường chỉ xuất hiện trong mỗi lần chuẩn bị đề cử, bầu bán vào ban chấp hành mới, thông tin trên một trang mạng định bôi xấu Ủy viên VFV Nguyễn Thanh An bằng một số biệt danh do chính họ tự nghĩ và đặt ra nhằm ý đồ “loại thí sinh” trước giờ vào phòng thi.
Thế nhưng, âm mưu đó đã nhanh chóng bị dập tắt và thất bại ê chề khi ông An vẫn tiếp tục đươc Đại hội tín nhiệm bầu giữ chức Ủy viên ban chấp hành nhiệm kỳ VI, và đây cũng là lần thứ 3 ông liên tiếp nằm trong tổ chức này.
Bởi, không cần “Pro” thì giới bóng chuyền trong Nam, ngoài Bắc ai cũng rõ, tuy âm thầm đứng phía sau, nhưng ông An luôn vừa là lãnh đạo, vừa là người tiếp sức cho Bóng chuyền Vĩnh Long từ thời ông còn là cán bộ, cho đến trong cương vị đứng đầu ngành Thể thao Vĩnh Long gần hai mươi năm qua.
Người tạo cú đột phá cho Thể thao Vĩnh Long…
Chỉ tính riêng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Thể thao Vĩnh Long trước đây chưa là thế lực gì thật sự nổi trội, ngoài môn thể thao truyền thống là Bóng chuyền nam có đôi chút tiếng tăm bắt đầu từ thập niên 90 của thế kỷ trước.
Từ thời được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Thể dục thể thao, rồi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch như bây giờ, ông Thanh An vẫn có khoảng thời gian dài chỉ làm người đứng thứ 2 trong ngành thể thao ở địa phương này. Và, thể thao Vĩnh Long vẫn thế, luôn nằm trong tốp trung bình của khu vực.
Thế nhưng, khi các vị sếp “Át chủ” nghỉ hưu hoặc chuyển hẳn công tác sang đơn vị khác, thì Thể thao Vĩnh Long dưới thời ông An đã có sự thay đổi.
Lấy thế mạnh Bóng chuyền làm điểm tựa để “ăn nói”, tranh thủ sự ủng hộ của các ngành, các cấp, sự quan tâm của các vị lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Thể thao Vĩnh Long bắt đầu đầu tư xây dựng lực lượng trọng điểm 17 môn thể thao trong hệ thống thi đấu Olympic, gồm: Điền kinh, Bóng chuyền, Bóng bàn, Bơi lội, Bắn cung, Xe đạp, Taekwondo, Vovinam, Karatedo, Cầu mây, Canoeing, Bi sắt, Bóng đá, Billiards, Boxing, Cử tạ và Judo. Và kể từ đó, lần lượt nhiều HLV, VĐV của Vĩnh Long được gọi vào các đội tuyển trẻ, đội tuyển quốc gia.
Điều đặc biệt tạo nên cột mốc đáng nhớ, đó là nếu như trước đây, môn Bắn cung Vĩnh Long cùng với các tỉnh ĐBSCL gần như là con số không tròn trĩnh thì từ năm 2008, ông An đã chỉ đạo thành lập Bộ môn Bắn cung và chủ động tạo mối liên kết với Trung tâm Huấn luyện TDTT Quốc gia Cần Thơ để chọn Vĩnh Long làm điểm “tập kết” rèn quân cho các tỉnh trong khu vực. Đến năm 2010, môn Bắn cung Vĩnh Long có được thành tích đầu tiên và bắt đầu thu hoạch “trái ngọt”.
Bởi thế, sự thay đổi tư duy của người lãnh đạo năng động đã kéo theo, nếu như ở Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI năm 2010, Đoàn Thể thao Vĩnh Long “khiêm tốn” xếp hạng 45 với thành tích đoạt 8 huy chương (1 vàng, 4 bạc, 3 đồng) thì chỉ 4 năm sau, họ đã tạo cú bứt phá thần kỳ khi vươn lên hạng 9 với 35 huy chương (17 vàng, 10 bạc, 8 đồng) tại Đại hội lần VII năm 2014.
Và chăm chút cho công việc không chỉ của Bóng chuyền miền Tây
Không chỉ Bóng chuyền, 3 năm liên tiếp gần nhất, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn phối hợp với Liên đoàn Bóng bàn Vĩnh Long tổ chức Giải Bóng bàn quốc tế Vĩnh Long mở rộng, quy tụ nhiều tay vợt nam, nữ hàng đầu của các CLB trong nước và đến từ các quốc gia mạnh về Bóng bàn ở khu vực châu Á tham gia, với kinh phí tổ chức cả tỷ đồng.
Mới đây, thông tin trên BCSG Online đã cho biết, Vĩnh Long chuẩn bị tổ chức Giải Bóng chuyền Quốc tế năm 2018 vào cuối tháng 9. Cho đến thời điểm này, đây là giải đấu định kỳ được tổ chức nhiều lần với sự tham dự của các đội mạnh trong nước và tính chất quốc tế đã sang đến lần thứ 3 do duy nhất một địa phương ở miền Tây đăng cai tổ chức, trong đó ông Nguyễn Thanh An với vai trò là lãnh đạo Sở, đồng thời là Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Vĩnh Long.
Về thành phần dự giải, ngoài hai đội nam, nữ chủ nhà là Xổ số kiến thiết và Truyền hình, thì lâu nay các đội trong nước đều là các CLB đang thi đấu ở giải VĐQG, như VTV Bình Điền Long An, Hóa chất Đức Giang, TP Hồ Chí Minh, Ngân hàng Công thương VN, năm nay có thêm Thông tin Liên Việt Postbank (nữ) hay Long An, TP Hồ Chí Minh, VLXD Bình Dương, Quân đoàn 4 Becamex (nay đã tạm dừng hoạt động), Bến Tre (nam) và lần lượt một số khách mời quốc tế đến từ các quốc gia Đông Nam Á đã dần có mặt, thường xuyên nhất là đội nam Cảnh sát Hoàng gia Campuchia (nòng cốt của Đội tuyển quốc gia), nữ Philippines, năm nay có thêm đội tuyển nam Malaysia và tuyển nữ U23 của quốc gia này.
Nếu xét về xây dựng lực lượng và duy trì thành tích đội bóng ở hàng ngũ đỉnh cao của Bóng chuyền VN thì có lẽ trên cả nước, ngoài Quân đội, TP Hồ Chí Minh (chỉ còn đội nam) và Hà Nội (trước đây 2 đội Bưu điện, nay không còn), chỉ có 2 tỉnh lẻ ở miền Tây là Long An và Vĩnh Long duy trì 2 đội nam, nữ trên hàng ngũ đội mạnh quốc gia suốt thời gian dài.
Tuy nhiên, cùng có Nhà Thi đấu nhỏ bé, cũ kỹ song ông An vẫn quyết tâm tổ chức cho bằng được giải Bóng chuyền truyền thống hàng năm ở Vĩnh Long nhằm giữ lửa cho các CLB trong nam, ngoài Bắc trong thời gian nghỉ chờ tham dự các giải đấu trong hệ thống quốc gia, trong khi Long An lại không thể.
Được biết, dự kiến năm 2019, Vĩnh Long sẽ có Nhà thi đấu thể thao đa năng của tỉnh, với sức chứa hơn 3.000 người và sau năm 2019 sẽ tiến hành xây dựng hồ bơi 50m đạt tiêu chuẩn quốc gia, sân tập luyện thể thao trường năng khiếu, trường bắn cung v.v..
Rõ ràng, chẳng hiểu VFV phân công Ủy viên Nguyễn Thanh An phụ trách công việc cụ thể gì cho tổ chức, song những đóng góp của ông cho sự phát triển của Bóng chuyền địa phương, cho Bóng chuyền ở vùng đất phía Tây Nam của Tổ quốc trong thời gian qua có lẽ đủ để người trong giới trân trọng gọi ông là “Người giữ lửa” cho bóng chuyền.
Ảnh: DƯƠNG THU
PHÚC VĨNH
PHÚC VĨNH