Xin cám ơn các bạn đã đến thăm Trang Bóng Chuyền Sài Gòn Online! Từ thông tin sai trên BCSG, hiểu rõ hơn về AVC

Từ thông tin sai trên BCSG, hiểu rõ hơn về AVC

Từ thông tin sai trên BCSG, hiểu rõ hơn về AVC
Qua thông tin trên BCSG sáng nay về chức danh “ông Lê Hoàng Sơn là Ủy viên Ban chấp hành bóng chuyền châu Á” là một sai sót. Nhưng nhiều bạn đọc đã không trách BCSG mà đã có những góp ý chân thành. Nhằm đảm bảo các nội dung trên BCSG luôn đáng tin cậy đối với giới chuyên môn trong Nam ngoài Bắc như tôn chỉ, mục đích phấn đấu được vạch ra. Tác giả Hồng Ánh đã có bài viết rất kịp thời và chính xác để làm sáng tỏ về chức danh Ủy viên BCH AVC cung cấp đến quý độc giả gần xa.
Về lịch sử hình thành, chỉ cần nhấp chuột tra trên mạng, chúng ta sẽ dễ dàng tìm thấy thông tin: Liên đoàn bóng chuyền châu Á (tên viết tắt: AVC) được thành lập vào ngày 06/5/1952 từ đề xuất của ông Nishikawa người Nhật Bản vào tháng 4 trước đó, sau này Nishikawa cũng trở thành Chủ tịch đầu tiên của tổ chức. 
Trải qua nhiều năm hoạt động, AVC dần trở thành một trong những liên đoàn bóng chuyền cấp châu lục có quy mô lớn nhất trên thế giới, số lượng thành viên tăng từ 12 nước ban đầu lên đến 65 nước. Một trong những nhiệm vụ chính mà AVC đặt ra là tổ chức các giải bóng chuyền tại Đại hội Thể thao châu Á dành cho cả nam và nữ.
Liên đoàn bóng chuyền châu Á là cơ quan quản lý chính thức các hoạt động và sự kiện thể thao của môn bóng chuyền, bao gồm cả thi đấu trong nhà, bãi biển và trên cỏ ở khu vực châu Á và châu Đại Dương. Tổ chức có 65 nước thành viên chủ yếu thuộc hai châu lục này, ngoại trừ các quốc gia xuyên lục địa có lãnh thổ nằm trên cả châu Âu và châu Á là Azerbaijan, Georgia, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Bốn quốc gia này thuộc thành viên của Liên đoàn bóng chuyền châu Âu (CEV). Ba đất nước khác nằm dọc theo rìa phía tây của châu Á là Síp, Armenia và Israel cũng thuộc về CEV. Trụ sở chính của AVC hiện đặt tại Băng Cốc (Thái Lan).
Được biết, AVC đã trải qua 5 nhiệm kỳ Ban chấp hành: 1952 – 1985 (nhiệm kỳ 1, do ông Nishikawa, người Nhật Bản làm Chủ tịch); 1985 – 1997 (nhiệm kỳ 2, do ông Y. Matsudaira, người Nhật Bản làm Chủ tịch); 1997 – 2001 (nhiệm kỳ 3, do ông Yuan Weimin, người Trung Quốc làm Chủ tịch); 2001 – 2008 (nhiệm kỳ 4, do ông Jizhong Wei, người Trung Quốc làm Chủ tịch); nhiệm kỳ 5 từ năm 2008 đến nay. 
Ban chấp hành AVC nhiệm kỳ 5 hiện nay gồm 21 thành viên, do ông Saleh A. Bin Nasser làm Chủ tịch; 6 Phó Chủ tịch là các ông Essa Hamza (Phó chủ tịch thứ nhất); Rita Subowo (Phó chủ tịch thứ hai); M.R. Davarzani (Phó chủ tịch khu vực Trung Á); Cai Yi (Phó chủ tịch khu vực Đông Á); Craig Carracher (Phó chủ tịch châu Đại Dương); Shanrit Wongprasert (Phó chủ tịch khu vực Đông Nam Á); Mr. Ibrahim A. Malik Mohammed (Phó chủ tịch khu vực Tây Á); 12 ủy viên là Fong S.V. Alice Oliver; Khalid Ali Al-Mawlawi; Jehad Hasan Khlafan; Yermek Syrlybayev; Mohamed Riyaz; Eom Han-Joo; Kenji Kimura; Wang Kuei-Shiang; Lê Trí Trường (Việt Nam); Jose A. Romasanta; Hugh Graham; Terry Sasser và 1 Kiểm toán viên là ông Waleed A.Aman.
Từ thông tin sai trên BCSG, hiểu rõ hơn về AVC
TS Lê Trí Trường (TTK LĐBCVN) là Ủy viên BCH AVC
Tuy nhiên, theo Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền VN – TS Lê Trí Trường, dù ông được AVC xướng danh là Ủy viên Ban chấp hành nhưng thực chất Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền đương nhiệm – TS Trần Đức Phấn (nguyên Tổng Thư ký LĐBCVN khóa trước, từ năm 2009 đến năm 2015), mới là Ủy viên của Ban chấp hành nhiệm kỳ 5 hiện nay và vì thế, AVC luôn mời ông Phấn tham dự các kỳ họp thường niên của tổ chức này.
Do đây cũng là điều thuận lợi nên hiện Liên đoàn Bóng chuyền VN vẫn giữ nguyên đại diện là ông Trần Đức Phấn tại AVC.
Trở lại câu chuyện về thông tin nhầm lẫn đã đăng trong phần đầu bài viết này, theo nguồn tin từ Liên đoàn Bóng chuyền VN, tuy có nhiều đóng góp đối với sự phát triển môn Bóng chuyền Bãi biển trong nước cũng như quốc tế (từng là Trọng tài BCBB quốc tế, rồi làm giám sát) một thời gian dài kể từ khi thể thao VN hội nhập quốc tế nhưng ông Lê Hoàng Sơn chưa từng được mời hoặc cử tham gia AVC bất kỳ khóa nào. 
Đối với Bóng chuyền trong nước, ông Sơn tham gia Ban chấp hành Liên đoàn Bóng chuyền VN nhiệm kỳ 2009 – 2015 với vai trò Trưởng ban BCBB và sau đó do tuổi khá cao, sức khỏe không cho phép nên ông xin thôi, không tiêp tục tham gia khóa đương nhiệm. Vị trí này hiện do ông Phạm Ngọc Sơn, Phó Trưởng phòng Thể thao thành tích cao, Sở Văn hóa và thể thao TP Hồ Chí Minh đảm trách.
Và một thông tin khác để bạn đọc được rõ hơn: AVC là Liên đoàn Bóng chuyền châu Á, trong đó bao gồm Bóng chuyền trong nhà, BCBB, Bóng chuyền trên cỏ và mỗi quốc gia chỉ có duy nhất 1 đại diện tham gia Ban chấp hành tổ chức này, thường là lãnh đạo chủ chốt của LĐBC quốc gia thành viên và có xuất thân từ môn……Bóng chuyền trong nhà.
Ảnh: TUYẾT SƯƠNG
HỒNG ÁNH