Xin cám ơn các bạn đã đến thăm Trang Bóng Chuyền Sài Gòn Online! Nâng cao trình độ HLV là biện pháp quan trọng để cải thiện thành tích thi đấu cho bóng chuyền Việt Nam

Nâng cao trình độ HLV là biện pháp quan trọng để cải thiện thành tích thi đấu cho bóng chuyền Việt Nam

Việc Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam sẽ tổ chức lớp Liên đoàn bóng chuyền thế giới (FIVB) và có dự kiến sẽ ra quy định các HLV bóng chuyền phải có bằng cấp lớp học FIVB mới được chỉ đạo trên sân. Để tìm hiểu về tiêu chuẩn này, BCSG đã được Tiến sĩ Huỳnh Thúc Phong (Giảng viên bóng chuyền trường ĐH TDTT TP HCM, có bằng FIVB bậc II) chia sẻ quan điểm về vấn đề này.
Thưa ông, với đề xuất này của LĐBCVN thì quy định này có cần thiết cho công tác huấn luyện bóng chuyền hiện nay không...?
Theo tôi, việc học tập các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn là việc cần thiết, là ý thức của mỗi cá nhân các giáo viên, huấn luyện viên, là một trong những biện pháp để cải thiện thành tích thi đấu bóng chuyền Việt Nam. Liên đoàn BCVN nên tạo điều kiện mở rộng thêm cho các đối tượng là các HLV trẻ, các đội hạng A1, bởi đây là các đối tượng rất quan trọng trong công tác huấn luyện cơ sở ban đầu. 
Không chỉ ở Việt Nam có quy định này, các HLV nước ngoài hiện nay muốn hành nghề huấn luyện bóng chuyền đều phải có bằng HLV của FIVB. 
Tôi có một ví dụ, năm 2012 khi liên lạc với Liên đoàn bóng chuyền châu Âu để tìm một VĐV ngoại về thi đấu ở Việt Nam, ngoài các yêu cầu về bảo hiểm, thu nhập, điều kiện ăn ở… họ yêu cầu HLV đội bóng phải có bằng FIVB, bác sĩ thể thao. Đây là lý do nhiều đội bóng Việt Nam khộng thể thuê được các VĐV giỏi dù có khả năng trả lương và các điều kiện khác.
Được biết, ông đã từng học qua lớp FIVB bậc 2, ông đánh giá về nội dung các lớp này như thế nào? 
Các kiến thức trọng tâm là về Khoa học huấn luyện, bao gồm các nội dung về nhiều lĩnh vực như: xu hướng mới trong huấn luyện kỹ - chiến thuật, y học, tâm lý, sinh lý, dinh dưỡng… Đây là các cơ sở quan trọng trong công tác tuyển chọn – đào tạo, biên soạn bài tập, xây dựng kế hoạch huấn luyện cho VĐV trẻ và VĐV cấp cao.  Chúng ta điều biết việc ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại vào công tác huấn luyện đã mang lại hiệu quả, thực tế cho thấy các đội bóng đạt thành tích cao trong thời gian gần đây đều ở các nước có trình độ khoa học và công nghệ phát triển. 
Các kiến thức từ lớp học được FIVB cập nhật hàng năm, có số liệu phân tích các VĐV, đội bóng đang thi đấu ở các giải đấu do FIVB tổ chức quản lý, được các cựu HLV giỏi trên thế giới tổng kết và giảng dạy trực tiếp tại lớp. Ngoài nâng cao năng lực về kỹ năng thực hành, đây cũng là cơ hội cho các HLV biết cách tiếp cận các tài liệu lý thuyết bóng chuyền có liên quan đến công tác huấn luyện  trên các trang của FIVB.
Các nội dung của khóa học có khác gì so với chương trình học ở Đại học TDTT?
Các kiến thức về huấn luyện kỹ - chiến thuật, giải phẩu sinh lý, y học, tâm lý, tuyển chọn VĐV … đã học qua chương trình ở bậc Đại học hoặc Cao học TDTT sẽ là nền tảng để tiếp thu các nội dung học tốt hơn. Nếu không, trong một thời gian ngắn sẽ khó khăn để tiếp thu một khối lượng kiến thức mới và quá nhiều về lĩnh vực khoa học huấn luyện. 
Quan điểm cho rằng kinh nghiệm từng là VĐV bóng chuyền là có thể trở thành HLV được không?
Thực tế hiện nay có rất nhiều VĐV chuyển sang làm HLV, đây là điều kiện thuận lợi trong công tác huấn luyện như thị phạm, cảm giác bài tập, kinh nghiệm chỉ đạo thi đấu… Tuy nhiên khoa học huấn luyện hiện đại thay đổi hàng năm, thậm chí hàng tháng, nếu không tiếp cận, học tập thường xuyên, chúng ta sẽ lạc hậu. Trình độ của Thầy dừng lại cũng có nghĩa là trò cũng dừng lại, điều này đã được kiểm chứng không riêng về lĩnh vực bóng chuyền thành tích cao.
Luật bóng chuyền thay đổi từ năm 2000 đến nay, để phù hợp với những đặc điểm thi đấu mới, xu hướng huấn luyện kỹ – chiến thuật, thể lực, tâm lý, sinh lý…  bóng chuyền hiện đại trên thế giới cũng thay đổi liên tục. Nhưng thực tế công tác huấn luyện bóng chuyền ở Việt Nam cho đến hiện nay cho thấy thay đổi rất ít, nhất là ứng dụng các thành tựu trong lĩnh vực khoa học.
HLV Kiattipong Radchatagriengkai phân tích một nguyên nhân góp phần thành công bóng chuyền Thái Lan: “công việc huấn luyện không chỉ là nghệ thuật mà còn  là khoa học, một HLV giỏi cần phải hiểu rõ tất cả các kiến thức này”.
Vậy với kinh nghiệm của cá nhân, ông có thể đưa ra đề nghị cho vấn đề này như thế nào?
Gần 20 năm nay bóng chuyền Việt Nam chưa có một HLV nào được đào tạo chuyên nghiệp dài hạn, các lớp bồi dưỡng ngắn hạn như hiện nay chưa phải là giải pháp tốt. Nên chọn lựa ký hợp đồng đầu tư với một vài HLV trẻ hoặc các VĐV giỏi đã nghỉ thi đấu, việc đi học chuyên nghiệp nước ngoài vừa giúp nâng cao trình độ ngoại ngữ vừa có điều kiện cập nhật trình độ bóng chuyền hiện đại. Đây là một trong những yếu tố quan trọng cải thiện trình độ huấn luyện bóng chuyền Việt Nam trong thời gian tới.
Xin cám ơn và chúc ông luôn khỏe!
GIANG SƠN