Xin cám ơn các bạn đã đến thăm Trang Bóng Chuyền Sài Gòn Online! Vấn đề ở 2 ĐTQG nam và nữ: Lỗi đỡ chuyền 1 (Đỡ phát bóng) - Không phải chỉ do kỹ thuật

Vấn đề ở 2 ĐTQG nam và nữ: Lỗi đỡ chuyền 1 (Đỡ phát bóng) - Không phải chỉ do kỹ thuật

Nhỉn từ những giải đấu quốc tế trong khu vực hoặc từ 2 giải đấu gần đây nhất: cúp các CLB nam châu Á – SMM 2017 và cúp bóng chuyền BC nữ VTV 2017, người hâm mộ đã nhận ra yếu điểm về lỗi đỡ chuyền 1 (bắt bước 1, đỡ phát bóng) của 2 đội tuyển bóng chuyền nam – nữ Việt Nam. Hạn chế này là một trong các nguyên nhân cả hai đội tuyển Việt Nam có những trận đấu khó khăn, nhiều năm nay chưa thấy có những phương án khắc phục. 
Nhằm giúp các bạn yêu thích bóng chuyền có một sự giải thích rõ hơn về vấn đề này, BCSG giới thiệu bài phân tích chuyên môn từ Tiến sĩ Huỳnh Thúc Phong.
1. Cơ sở lý thuyết: Chuyền 1 là cơ sở đầu tiên để bắt đầu hình thành chiến thuật tấn công, bóng đỡ chuyền 1 tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho VĐV chuyền 2 thực hiện các hình thức tấn công toàn đội. Đội hình chiến thuật 5:1 bao gồm 3 VĐV chủ công, trong đó 1 chủ công giữ vai trò tấn công chủ lực (Ace Spike) ở vị trí đối chuyền hai, không đỡ chuyền 1 (Từ Thanh Thuận - đội nam, Đoàn Thị Xuân  - đội nữ), 2 VĐV chủ công còn lại thông thường là 2 VĐV giữ nhiệm vụ đỡ chuyền một tấn công (Attacker – Receiver). Kết hợp với VĐV Libero, hình thành các đội hình 2 người, 3 người (Line), 4 người (W, Diamond)… trong chiến thuật đỡ chuyền 1.
2. Thực trạng đội tuyển Việt nam: Hầu như các VĐV ở giải đội mạnh nam – nữ Việt Nam hiện nay không có nhiều VĐV chủ công đáp ứng được các yêu cầu này, điều này là nguyên nhân khó khăn đầu tiên khi hình thành đội hình thi đấu cho đội tuyển Quốc Gia. Ở ĐTQG Nam, Ngô Văn Kiều và Lê Thành Hạc (trước đây là Nguyễn Hữu Hà) luôn là yếu điểm cho đối phương khai thác bằng các đường phát bóng dài dọc theo biên. Phương án sử dụng Ngọc Hoa (phụ công) đỡ chuyền một đã làm suy giảm hiệu quả hoạt động của phụ công số 1 Việt Nam này, phương án sử dụng Thanh Thúy trong vai trò đỡ chuyền một – tấn công như các trận đấu vừa qua đã làm VĐV này quá tải trong những trận đấu kéo dài. Nhìn chung tất cả các phương án của cả hai đội tuyển đều chưa cho thấy sự chắc chắn, thường gặp nhiều khó khăn khi thi đấu với các đội có chiến thuật phát bóng tốt.
3. Nguyên nhân:
- Phát bóng tốt: VĐV ngày càng có chiều cao và sức bật tốt, rất lợi thế trong chiến thuật phát bóng, các đường bóng biến hóa - ngắn dài, bay, xoáy đều có xu hướng đập “từ trên cao xuống” với tốc độ trên 32m/s cho nam và 29m/s cho nữ. Quá khó, hãy thông cảm cho các VĐV đỡ chuyền 1 khi phải luôn đối diện với nhiều VĐV có kiểu phát bóng khác nhau trong một đội và các VĐV có tài năng về phát bóng. Đây cũng chính là lý do bóng chuyền thế giới cho đỡ chuyền 1 bằng chuyền cao tay và tăng cường thêm VĐV Libero.
- Kỹ thuật cá nhân trong đỡ phát bóng: năng lực đỡ chuyền 1 không chỉ phụ thuộc vào quá trình tập luyện kỹ thuật, còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác như: cảm giác bóng, khả năng phán đoán, di chuyển… đây là các yếu tố năng khiếu bẩm sinh cá biệt. Ở trình độ thi đấu cấp cao, các VĐV còn phải đáp ứng thêm các năng lực khác như: sự thích nghi, tư duy chiến thuật, khả năng phán đoán, tâm lý thi đấu…
 - Chiến thuật tập thể: tùy vào hệ thống chiến thuật tấn công tập thể, khả năng phát bóng của đối phương, đội hình đỡ chuyền 1 hình thành cho từng cầu, từng VĐV và các phương án khắc phục. Như đã phân tích ở trên, đội tuyển nam – nữ hiện nay đều không có nhiều cá nhân đáp ứng được yêu cầu này, đây là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến hình thành chiến thuật đỡ chuyền 1 toàn đội.
4. Góp ý cá nhân về phương án khắc phục: thời gian tập trung đội tuyển rất ít, chủ yếu để tập luyện toàn đội, các bài tập cá nhân về chuyền 1, chuyền 2, đập bóng… chỉ mang tính chất hoàn thiện về cảm giác bóng, nên sự cải thiện là khó đạt hiệu quả. 
- Về cá nhân: chắc chắn đối phương sẽ tập trung phát bóng vào các vị trí chủ công, chủ yếu là ở vị trí lui xuống dọc biên đỡ chuyền 1 – tấn công biên (Ngô Văn Kiều, Lê Thành Hạc, Đinh Thanh Thúy, Trần Thị Thanh Thúy). Mỗi VĐV nên tự mình quan sát, ghi chép đặc điểm phát của các đối thủ ở vị trí đối diện trong đội hình thi đấu, Không nên chủ quan, đối phương cũng đang nghiên cứu rất kỷ về bạn, chọn tư thế đứng hợp lý, sẵn sàng di chuyển, hãy tự tin nhìn thẳng vào đối phương, cho họ thấy bạn đã rất sẳn sàng. Tập trung đỡ chuyền 1 cho tốt, đừng quá tập trung vào đập bóng, tạo điều kiện cho các VĐV khác đập bóng, đa số lỗi đỡ chuyền 1 hỏng do quá vội vàng để chuyển sang tấn công.
- Về tập thể: phương án đỡ chuyền 1 hàng ngang 3 người cho thấy không hiệu quả trong các trận đấu vừa qua ở đội tuyển nam – nữ, nên phân công trách nhiệm cụ thể ở các khu vực trọng yếu. Libero cả 2 đội đều đỡ chuyền 1 tốt, sẽ đứng ở vị trí bao quát rộng hơn, các VĐV còn lại đứng ở vị trí bóng khó tìm đến. Ngoài chủ công, các VĐV hàng trước nên luôn ở tư thế sẳn sàng tham gia hổ trợ, có thể sử dụng chuyền cao tay với những quả phát bóng nhẹ (câu) đơn giản.
Đội hình 3 người đỡ chuyền 1 Thái Lan tạo được mật độ tốt
Đội hình 3 người Việt Nam luôn gặp khó khăn với bóng phát chéo sân ra biên
Quan sát từ các trận đấu gần đây, cả 2 đội tuyển thường dễ bị rối loạn, mất điểm liên tục khi đỡ chuyền 1 hỏng, tâm lý thi đấu sa sút, điểm yếu này rất cần đến sự điều chỉnh của huấn luyện viên trong thời gian tới.
Ảnh: LÊ VI
Tiến Sĩ HUỲNH THÚC PHONG