Xin cám ơn các bạn đã đến thăm Trang Bóng Chuyền Sài Gòn Online! Bóng chuyền Việt Nam từng đoạt HCV ở SEA Games cách đây 57 năm!

Bóng chuyền Việt Nam từng đoạt HCV ở SEA Games cách đây 57 năm!

Bóng chuyền Việt Nam từng đoạt HCV ở SEA Games cách đây 57 năm!
Đội hình thi đấu SEAP Games 1973 – Hàng đứng từ trái: Võ Bá Mẫng (2), Chương Văn Chính (6), Mai Văn Tham (8), Lâm Quang Phải (3), Lê Phát Minh (bìa phải) – Hàng ngồi: Nguyễn Văn Hán (4), Trần Tú Sơn (5), Phan Thanh Phong (7), Hồ Sĩ Lâm (1)

Không như một số người lầm tưởng và cứ chờ mong bóng chuyền Việt Nam có một lần đăng quang tại Đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á - SEA Games. Nhưng may mắn, nhà báo lão thành và uy tín Nhựt Quang (Báo Thanh Niên) đã phát hiện ra một tư liệu quý, được ông kỳ công lặn lội, gặp từng nhân chứng sống, để ghi chép lại vào kho tư liệu của mình rất cẩn thận, về thành tích duy nhất của bóng chuyền Việt Nam ở SEAP Games 4 - năm 1967. Nhân dịp lễ tất niên của Hội Lão tướng bóng chuyền Việt Nam vào ngày 14/1/2024 tại TPHCM, nhà báo Nhựt Quang muốn ôn lại lịch sử bóng chuyền Việt Nam, để các con cháu noi gương phấn đấu và quyết tâm lặp lại kỳ tích này.

Thật ra, đội bóng chuyền nam của miền Nam Việt Nam (MN-VN) đã từng thắng chủ nhà Thái Lan 3-1 trong trận chung kết SEAP Games (Tiền thân của SEA Games) lần 4 năm 1967 để giành huy chương vàng cách đây 57 năm.

Có 7 đội tuyển tham dự nội dung bóng chuyền nam ở SEAP Games 4 là: Chủ nhà Thái Lan, Myanmar, Singapore, Malaysia, Lào, Campuchia và MN-VN được chia làm 2 bảng thi đấu vòng tròn. Đội MN-VN được vào bán kết và thắng Myanmar 3-0, để vào chung kết với Thái Lan.

Trong lần tiếp xúc với tôi ở quận Phú Nhuận (TPHCM) trước khi qua đời vào năm 2018, cố thủ quân đội bóng chuyền nam MN-VN Nguyễn Văn Hán cho biết: "Trong trận chung kết, trước rất đông khán giả nhà reo hò ủng hộ mạnh mẽ, đội Thái Lan có đầy đủ 12 vận động viên như quy định. Còn đội bóng MN-VN chỉ có 8 vận động viên và ngay trước trận chung kết thì trong đội hình chính lại có 2 người bị chấn thương là tôi bị gãy ngón tay út và chủ công Lâm Quang Phải bị bong gân ngón cái tay trái. Đội hình chính còn lại có các chủ công Thái Văn Lạc, Hồ Sĩ Lâm, Lê Dần và Sơn Sóc, đối cầu Mai Văn Tham và chuyền hai Lê Phát Minh". 

Ông Quang Phải có tuyệt chiêu giao bóng bay và còn có thêm kiểu rất lạ "Harlem", đứng quay mặt về khán đài rồi tung bóng qua đầu và đánh bóng bằng mu bàn tay giữa ngón cái và ngón trỏ, khác với kiểu xòe tay vỗ vào bóng như bình thường thời kỳ đó. Khán giả dự xem các trận ở vòng ngoài đều phải há hốc miệng khi chứng kiến những quả thắng điểm của ông như thế. Do ông Phải bị chấn thương tay trái nên đội Việt Nam có bị thiệt thòi trong trận chung kết vì ông chỉ cố gắng đập bằng tay phải, không thể phát bóng khó và chắn bóng hiệu quả.  

Tuy vậy, toàn đội bóng miền Nam Việt Nam đã liên tục động viên nhắc nhở nhau trên sân, để giữ vững thế trận. Việt Nam thắng hiệp đầu nhưng do bị thiệt quân nên bị đội chủ nhà gỡ hòa 1-1. Sang hiệp 3, chủ công Hồ Sĩ Lâm khi lên tấn công từ vị trí số 4 đã linh hoạt chuyển hướng qua số 3 nhận quả chuyền nhú vừa tầm của Phát Minh để đập bóng và trúng vào chuyền hai đối thủ. Do lực đánh quá mạnh nên chuyền hai này bị chảy máu mũi, huấn luyện viên của Thái Lan bối rối ra mặt và đành thay chuyền hai mới làm cho cả đội chủ nhà sắp xếp lại lối đánh và mất tinh thần, để thua hiệp đấu này và thua tiếp hiệp 4 giúp đội tuyển MN-VN thắng chung cuộc 3-1

Trong đội hình thi đấu trên sân thời đó, vẫn có 6 người nhưng chỉ có 1 chuyền hai và 5 tấn công (không có libero), trong 5 tấn công thì 1 chuyên ở vị trí đối cầu (giống như đối chuyền hiện nay). Chủ công chính Hồ Sĩ Lâm – người được chủ tịch Liên đoàn bóng chuyền châu Á - ông Ikeda chọn là vận động viên xuất sắc nhất giải đấu năm 1967 – nhận xét: "Đây là một trận đấu hay và may mắn của đội MN-VN. Có hai vị trí bị chấn thương, lại luống tuổi hơn nên chúng tôi tưởng sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ có kinh nghiệm và chọn lối đánh khôn khéo thay vì thiên về sức mạnh nên đã vượt qua được. Đây là một trận thắng thể hiện ý chí quyết tâm và nỗ lực vượt khó của toàn thể anh em".

Sau này tại SEA Games năm 2007 ở Nakhon Ratchasima (Thái Lan), đội tuyển bóng chuyền Việt Nam với Ngô Văn Kiều là chủ lực cùng với những cái tên khác như Lê Hồng Huy, Huỳnh Văn Tuấn, Nguyễn Duy Quang, Nguyễn Hữu Hà, Đặng Vũ Bôn.. cũng đã từng thắng đậm Thái Lan 3-0 ở bán kết, nhưng khi đó chúng ta không thể có niềm vui lên ngôi vô địch vì đã thua Indonesia trong trận chung kết. Ở SEA Games 31 tại Việt Nam, chúng ta lại lọt vào trận chung kết nhưng vẫn thua Indonesia ngay trên sân nhà Quảng Ninh

Kỷ niệm chương ở SEAP Games 7 - năm 1973

Những "chiêu trò" quanh các giải bóng chuyền ở các SEAP Games

Trước 1975, đội bóng chuyền nam MN-VN tham dự 6 kỳ SEAP Games và đoạt được 1 huy chương vàng, 3 huy chương bạc và 1 huy chương đồng. Theo lời kể của chủ công Hồ Sĩ Lâm và chuyền hai Trần Tú Sơn, có những lúc đội gặp những trở ngại từ đơn vị đăng cai ảnh hưởng đến kết quả thi đấu.

+ Tại SEAP Games kỳ 5 – 1969 ở Myanmar: Đội MN-VN được sắp xếp ở một chung cư, bên cạnh một sân vận động và ký túc xá sinh viên. Ngay 12 giờ đêm hôm trước khi diễn ra trận chung kết giữa chủ nhà Myanmar và MN-VN, tự nhiên xuất hiện một số khá đông sinh viên đến sát nơi ở của đoàn la hét suốt cả đêm. Đội MN-VN hầu hết đều có tuổi lớn trên 30, khoảng 70% đội hình thi đấu đều trải qua 5 kỳ SEAP Games trong suốt 10 năm nên không sao chợp mắt được khiến ngày hôm sau vẫn còn rất mỏi mệt và cuối cùng đã thi đấu dưới sức. Trong lúc đó, đội Myanmar rất sung sức, lại có thuê huấn luyện viên giỏi của Nga dẫn dắt nên đội MN-VN đành thua đội chủ nhà 0-3 và nhận huy chương bạc.    

+ Tại SEAP Games kỳ 6 – 1971 ở Malaysia: Trong một buổi họp mặt chào mừng, ban tổ chức có mang sữa ra chiêu đãi đoàn. Sau khi uống xong, không biết có phải vì không quen hay sao mà ngay sau đó rất nhiều thành viên đều đau bụng khiến cho mỗi tầng lầu có 6 toa-lét phải tranh nhau đi vệ sinh, có người phải lén "bậy" vào một chỗ kín nào đó. Chính điều đó khiến đội VN mất hẳn sức lực và thua trận quan trọng hôm sau xếp hạng 4 trên 6 đội dự tranh.

Nhà báo lão thành Nhựt Quang và Cựu chủ công Hồ Sĩ Lâm

Nguồn nhà báo NHỰT QUANG

Đăng nhận xét

1 Nhận xét