Xin cám ơn các bạn đã đến thăm Trang Bóng Chuyền Sài Gòn Online! Phía sau những tấm huy chương và danh hiệu...?

Phía sau những tấm huy chương và danh hiệu...?

Phía sau những tấm huy chương và danh hiệu...?

Dù giải VĐQG - Cúp Hóa Chất Đức Giang 2022 đã hạ màn đã lâu, nhưng chắc chắn, người hâm mộ và các cầu thủ bóng chuyền Thái Bình vẫn còn ngất ngây với danh hiệu vô địch nữ Việt Nam sau 15 năm. Đó là hạnh phúc nhất của cuộc đời cầu thủ và HLV! Nhưng khi trở lại đời thường, họ chợt nhận ra mình đã hi sinh không ít với biết bao thương tích trên cơ thể! Điển hình là cách đây không bao lâu, phụ công xuất sắc Đinh Thị Trà Giang, người đã đóng góp không ít cho thành tích vô địch của Geleximco Thái Bình, đã phơi bày bàn tay "biến dạng" của mình sau thời gian gắn bó với bóng chuyền.

Thông thường các nữ VĐV bóng chuyền hồi nhỏ đi học hay có cái tên phụ kèm theo như Hiêu, Kều, Cò...Nhiều bạn thấy xấu hổ khi mình cao hơn các bạn cùng lứa tuổi, khi ra đường còn hơi cúi xuống. Khoảng 13 đến 14 tuổi các VĐV của chúng ta đã được bố mẹ đèo theo đến các trung tâm đào tạo trên tỉnh. Nếu bạn nào may mắn được trúng tuyển vào Bộ tư lệnh Thông Tin thì coi như bắt đầu xa gia đình sống cuộc sống tập thể. Mọi sự đều mới mẻ, lúc này cô HLV coi như người mẹ thứ hai bảo ban mọi vấn đề. Nói ra e rằng sợ thiếu tế nhị mà không nói thì chưa lột tả hết sự gian nan của những ngày đầu tập bóng. Tập thể lực chỉ còn thiếu nước ngồi xuống, rồi vịn tường đứng lên, đi vịt, chạy rích rắc đẩy tạ ngang ngực. Các bạn biết không, "Sếu vườn" Lý Thị Luyến liễu yếu đào tơ nhưng tạ 40 - 50 kg cũng đẩy toanh toách. Chưa hết, còn đó là nhảy dây, đập thừng thắt gan thắt ruột, như thế hỏi rằng làm gì ra có ngón tay búp măng mũm mĩm trắng mềm. Người con gái có vẻ đẹp gợi cảm là những đường cong, nơi tập trung ánh mắt của người khác giới. Với các VĐV nữ thì những đường cong gợi cảm này thường là khiêm tốn, thậm chí không muốn nói là tivi màn hình phẳng. Khắc nhiệt lắm các bạn ạ! 

Không rèn luyện và thua thiệt chiều cao do bẩm sinh thì ngồi dự bị đó là điều không ai mong muốn. Luôn luôn có sự cạnh tranh lành mạnh và gay cấn giữa các VĐV được vào sân thi đấu với các VĐV dự bị. Thời trẻ, những ngày đầu tôi cũng từng dự bị, lúc ấy trong tôi chỉ mong đồng đội bận việc hay lý do gì đó mà nghỉ thi đấu để tôi vào sân. Kể ra, không hết cái khốn khổ của kẻ dự bị, tự mình xấu hổ, bình bầu họp hành không tới lượt, ra sân thì đứng ở một góc khiêm tốn, chờ hội ý thì chạy tới HLV. 

Nữa ...

Yêu đương là quyền cá nhân, về luật pháp không ai cấm đoán, nhưng với VĐV nữ cũng có chuyện để nói: Thôi, tôi xin làm người đại diện cho phái nữ nói với các anh con trai rằng: Cảm ơn anh, trong trái tim anh đã có bóng hình của em!. Anh yêu ơi! Nếu yêu em là anh phải hi sinh và thử thách, đi chơi về sớm, chuyện cưới xin cũng từ từ thư thả để em có sự nghiệp vững vàng đã. Bản thân tôi là đàn ông con trai mà đã từng nói chuyện với bạn gái sau cánh cổng sắt trong những ngày ăn ở tập chung. Rồi những ngày tháng xa nhà tập huấn và thi đấu đằng đẵng bây giờ thì còn có cái Smartphone chứ thời của tôi là những lá thư gửi đường Bưu điện. Sau vài năm thi đấu vàng son và oanh liệt, thấy chúng bạn có chồng con, mình thì chẳng lẽ. Cưới nhau rồi cũng có khi phải kế hoạch sinh con cho xong giải này giải kia...

Hai vợ chồng ở riêng cũng khổ mà ở chung với mẹ chồng thì mình mang cái tiếng đoảng về nữ công gia chánh. Đúng thôi, mình gắn liền với cuộc sống tập thể, ngủ giường tầng, ăn cơm theo kẻng...Lóng ngóng và vụng về khi VĐV vào bếp, thôi mẹ ơi! Mẹ thương con thì ngon rau...

Sinh con, thì nghỉ đấu, tập thể lực mãi mà không bằng hồi trẻ, nhục nhất là cái cơ bụng nó cứ chình ình trước mặt. Tôi đã chứng kiến chuyền hai Đặng Thị Hồng, người cùng quê có con nhỏ, ông bà trông giữ trên khán đài và mẹ dưới sân. Các bạn đừng cười, tôi thấy chỗ ngực còn ươn ướt, cảm động chưa hỡi các khán giả thân yêu. Tưởng thế, nào đã xong: May mắn cho VĐV nào đó được thi đấu cho đội bóng có truyền thống, sự quan tâm có chiều sâu thì cũng chỉ khoảng 15 năm thi đấu là nhiều. 35, 36 tuổi thì đã là quá già với VĐV nhưng là trẻ thơ với cuộc sống bên ngoài. Làm gì để sinh sống nuôi con đây?  Làm nghề gì cũng là môi trường mới mẻ với các VĐV. Với các VĐV không may mắn khi cơ quan chủ quản làm ăn không hiệu quả cắt giảm chi phí. Việc đầu tiên là người ta tính đến bóng chuyền, nào đây đó là Cao su Phú Riềng , Dầu khí, Bưu điện Hà Nội...Lang thang không bờ bến! Các VĐV lúc ấy đang tự mình xem bộ phim truyền hình: Bên kia bờ ảo vọng. Chưa kể đến, đội xuống hạng với tư tưởng chán nản, cái năm đầu thi đấu hạng dưới sao mà nó tẻ nhạt, kèm theo là chế độ lương thưởng cũng còi cọc hơn. Tôi viết thế này thì bi lụy quá nhỉ? Nhưng quả thật với các tấm huy chương và danh hiệu yêu mến của khán giả đặt cho - Những cô gái chân dài.

Biết là vậy đấy, vất vả và gian nan chúng tôi vẫn muốn thi đấu cống hiến hơn 100% khả năng. Chúng tôi yêu bóng chuyền, yêu khán giả. Chính khán giả là nguồn động viên to lớn nhất cho mỗi chúng tôi. Nếu có kiếp sau chúng tôi vẫn đến với bóng chuyền! 

Phía sau những tấm huy chương và danh hiệu...?
Bàn tay đầy thương tích của phụ công Đinh Thị Trà Giang
Ảnh: TUẤN RYAN

ĐỖ TÂM

Đăng nhận xét

0 Nhận xét