Xin cám ơn các bạn đã đến thăm Trang Bóng Chuyền Sài Gòn Online! HLV bóng chuyền ở Việt Nam - Nghề chơi lắm công phu!

HLV bóng chuyền ở Việt Nam - Nghề chơi lắm công phu!

HLV bóng chuyền ở Việt Nam - Nghề chơi lắm công phu!
Thưa các bạn! 

Từ trước tới nay, có lẽ chưa có một bài báo hay bài viết nào phân tích về nghề HLV bóng chuyền một cách tường tận, vì đứng ở góc độ nhà báo, viết về công tác huấn luyện thì thiếu tính thực tiễn. Đứng về góc độ là HLV thì không dại gì người HLV lại mang ra chia sẻ cái nghề của mình trước bàn dân thiên hạ.

Chính vì vậy tôi cho rằng bài viết này của tôi là một bài viết hết sức đặc biệt từ trước tới nay. Thiết nghĩ rằng, vấn đề huấn luyện viên trong bóng chuyền cũng cần có những bài học tham khảo, để qua đó, mỗi HLV rút ra bài học của mình một cách hệ thống bài bản.

Thưa các bạn! 

Tôi không múa rìu qua mắt thợ, nhưng tôi tự tin có đủ kiến thức để viết và phân tích công việc HLV và đặc thù riêng biệt của nghề ấy. Để có bài viết này, thì tôi phải có những ngày tháng gian khổ bên trái bóng và sát cánh cùng các HLV. Nghề HLV bóng chuyền ở Việt nam gian nan và khó khăn gấp bội lần ở các nước có nền bóng chuyền phát triển và chuyên nghiệp các bạn ạ.

Vì ở các nước có nền bóng chuyền phát triển, họ đã bước vào chuyên nghiệp một cách vững chắc và rất lâu rồi, có nghĩa là họ đã có con đường để các HLV đi trên con đường ấy.

Đặc thù bóng chuyền Việt nam tại thời điểm này, chúng ta mới tạm gọi là bước đầu hình thành chuyên nghiệp. Đấy chỉ là trên lý thuyết, còn thực tế cách làm thì chúng ta chưa tự cho mình là một nước có nền bóng chuyền có tính chuyên nghiệp được. Mọi sự đều mới bắt đầu, một cách tự phát, mạnh ai đấy làm tùy vào thế mạnh của mình, theo một mô hình chung chung trước kia là VĐV sau khi có tuổi thì ra làm HLV.

Có người thì theo học Trường đại học TDTT, có người Huấn luyện bằng kinh nghiệm hoặc bằng chính quan hệ với các ông bầu cơ quan chủ quản. Cho đến nay, không có nhiều tài liệu học đường trong giáo trình đại học, viết về công tác HLV ở góc độ ngoài sân bóng, các tài liệu mới chỉ viết về chuyên môn mà thôi...

Cái khó trong nghề HLV lại ở bên ngoài sân bóng, không đơn thuần chỉ là hướng dẫn kỹ thuật, chiến thuật...

Đấy là đặc thù của bóng chuyền Việt nam tại thời điểm này và trước kia.

Bóng chuyền Việt nam có nhiều ngôi sao, là tay đập búa bổ nhưng khi chuyển sang làm HLV thì không mấy thành công như. Trần Minh Khang ( Quân Đoàn 4), Bùi Văn Luân ( Thể công)...Những tay đập này làm VĐV thì được, nhưng làm HLV thì thiếu khả năng sư phạm và đầu óc phân tích, tâm lý... Tóm lại là thiếu kiến thức làm thầy vì cái gốc văn hóa còn hạn hẹp.

Nếu bạn chưa có bằng tốt nghiệp phổ thông, cho dù bạn có theo học tại chức ở một trường Đại học TDTT nào đó, thì cũng khó mà có khả năng biến kiến thức trong sách vở thành kiến thức của mình.

Nếu bạn có kiến thức và có khả năng sư phạm thiên bẩm mà bạn thiếu đạo đức trong nghề, không được khán giả và VĐV kính trọng thì bạn cũng khó thành công trong sự nghiệp HLV.

May mắn và cái duyên trong sự nghiệp HLV cũng cần bàn tới vì nó liên quan đến yếu tố khách quan. Xét về tài năng của một HLV, người ta nghiêng nhiều về thành tích đội bóng mà HLV ấy đang dẫn dắt. Nhưng cái không may mắn nó mang lại là giải đấu này, một hai đội bóng đối thủ lại có sự đầu tư tốt hơn. Do vậy, thành tích vô địch chỉ mới phản ánh một góc độ của tài năng một HLV mà thôi. Để đánh giá thương hiệu của một HLV cần có nhiều góc nhìn, căn cứ vào thành tích, sự yêu mến của học trò, khán giả.

Tôi xin nêu hai tấm gương tiêu biểu khá thành công trong sự nghiệp HLV.

HLV bóng chuyền ở Việt Nam - Nghề chơi lắm công phu!
Ông Nguyễn Mạnh Hùng (Cựu HLV trưởng CLB nữ Bưu Điện Hà Nội, nam Tràng An Ninh Bình, ĐTQG nam và nữ) 

Ở ông Hùng có liệu pháp tâm lý cực kỳ giỏi, bất cứ VĐV nào dưới tay ông đều thi đấu thăng hoa đạt hơn 100% phong độ của mình. Ấn tượng nhất, là đội nữ Bưu điện Hà Nội do ông huấn luyện vô địch mà cả đội chỉ có Hà Thu Dậu là tham gia đội tuyển nữ.

Ông Bùi Quang Ngọc (CLB Sanest Khánh Hòa, Thể Công, Đức Long-Gia Lai, Long An, Bến Tre, ĐTQG nam).

Ở anh Ngọc có thế mạnh là kỷ luật và sự làm việc nghiêm túc trong môi trường quân đội. Học trò phải làm được thế này, thế kia trong một thời gian nào đó, mệnh lệnh là phải thực hiện. Muốn nói gì thì nói trong sân, anh phải phục tùng, sau khi nghỉ tập thì chú cháu, thầy trò vui vẻ chia ngọt sẻ bùi. Ở anh Ngọc có cái uy của anh ấy, thầy ra thầy, trò ra trò. Qua theo dõi các VĐV qua tay thầy Ngọc đều hết sức kính trọng anh.

Các HLV có thương hiệu trước kia mà tôi  biết là: anh Phan Phước Điền (TPHCM), Nguyễn Đăng Khúc (Hà Nội), ông Sỹ, ông Phát ..đều là những HLV tài năng và thành công.

Ngày nay, công việc của HLV còn nhiều áp lực hơn nữa, HLV phải xây dựng hình ảnh và thương hiệu của mình, tác động tốt tới nhà tài trợ, cơ quan chủ quản để kêu gọi sự đầu tư tạo điều kiện về lương thưởng cho VĐV được tốt hơn. Tiếng nói của HLV vô cùng quan trọng trong sự đầu tư, chi ngân sách của nhà tài trợ và cơ quan chủ quản.

Đấy là với cấp trên, còn với VĐV thì sao ? 

Công bằng, khen chê đúng cách tạo không khí trong đội đoàn kết thân ái. Chúng ta cũng từng có một HLV có sự nhiệt tình và chuyên môn khá tốt, nhưng chỉ tiếc rằng anh ấy không biết kiềm chế cảm xúc trước đám đông nên VĐV có cảm giác mình đang nghe mắng chửi. Nghệ thuật khen chê là cả một vấn đề tâm lý các bạn ạ. Có những câu chuyện nhỏ nhưng hậu quả lại lớn. Khen một cá nhân không đúng chỗ cũng dễ nảy sinh dư luận đằng sau nó, là thầy ưu ái riêng bạn ấy ...Chê một VĐV, nhất là nữ trước đám đông cũng làm mất sỹ diện của VĐV ấy sẽ tạo hiệu ứng ngược. Tôi để ý rất nhiều lần xin tạm dừng trận đấu để hội ý kỹ thuật của các HLV thành danh. Tôi gọi đó là những HLV có đấu pháp tốt, đọc trận đấu của mình, của người để khắc chế đối phương trong những thời khắc khó khăn.

Nhưng các bạn ạ, đây chỉ là điều kiện cần? Đọc được trận đấu đã khó nhưng cái quan trọng hơn nữa mình phải có con người để làm được việc mình mong muốn. Đó mới là cần và đủ để mang về chiến thắng. Muốn vậy thì chỉ có tập luyện và những giọt mồ hôi đổ xuống sàn của thầy trò, qua nhiều ngày tháng mà thôi. Làm HLV mà không gần gũi VĐV thì cũng rất khó thành công, không tâm sự chia sẻ với các VĐV cũng khó hiểu biết tâm tư của họ.

Câu chuyện của VĐV dự bị cũng là một bài học đáng nói.

Làm VĐV không ai muốn làm cái thân VĐV dự bị, bình thường thì không mấy ai để ý nhưng đến lúc khó khăn muôn phần thì tất cả nghĩ đến. Cho nên, xin các HLV không có thái độ phân biệt với các VĐV dự bị, sẽ có lúc mình cần tới họ. Chúng ta cũng không nên ưu ái các ngôi sao trong đội, ngôi sao ấy sẽ  dở trò đòi hỏi yêu sách cá nhân rất khó chịu. Chuyện này là có, nhưng nhạy cảm tôi không muốn nêu tên đích danh cái cảnh thầy chạy theo để nịnh trò. HLV trong bóng chuyền thật khó nói thế nào để mình làm tốt. Trong cái nghề nghiệp này, có sự đòi hỏi khắt khe của năng khiếu bẩm sinh  cá nhân. Không phải ai cũng có thể thành công được đâu cho dù có nhồi nhét cả mớ tài liệu vào đầu. Nhưng nếu anh có năng khiếu rồi mà không chịu học hỏi từ đồng nghiệp và các tài liệu nước ngoài thì anh cũng chỉ dừng lại mức HLV làm công ăn lương.

Làm HLV phải yêu nghề và cay đắng với nghề mới có thể giỏi được, tiền bạc cũng chỉ là một vấn đề trong cuộc sống thôi các bạn ạ. Tôi tin là các HLV hiện nay làm việc trên cơ sở yêu nghề và tâm huyết với nghề, thực ra so với mặt bằng tài chính thì thu nhập của HLV ở mức vừa phải. Có một điều sâu thẳm trong tim tôi muốn nói là: Các HLV giảm thiểu và nói không với chuyện nhường điểm, xin cho...Các bạn cứ để ý xem, sau một trận nhường điểm tinh thần và phong độ của các VĐV xuống thấp rất nhiều. Kể cả về luật và cả liệu pháp tâm lý, cộng với vấn đề duy tâm không chấp nhận được vấn đề xin cho điểm. Vô tình làm đứt mạch chiến thắng và quay lưng lại với khán giả, điều này chẳng ai mong muốn.

HLV bóng chuyền ở Việt Nam - Nghề chơi lắm công phu!
Làm nghề HLV nó tinh tế và nhỏ nhặt lắm các anh ạ.

Kết thúc bài viết tôi xin kể câu chuyện của tôi, để chúng ta tham khảo.

Một lần tôi đến xem Yuri huấn luyện, trước giờ tập các cháu VĐV cứ đùn đẩy nhau đi bơm bóng. Các cháu xách một túi bóng sang bên kia đường nơi có hiệu bơm vá xe đạp. Tôi đi theo chân cháu bé, nghe chừng ít tuổi nhất và hiền lành nhất đi bơm bóng. Cháu  moi từ túi quần đùi ra mấy nghìn bạc lẻ để trả ông bơm xe. Cháu nói, các anh lớn cứ bắt cháu đi bơm...À hiểu rồi, Tôi đã xin ý kiến và tặng toàn đội một chiếc bơm tay.

Thưa các bạn ! 

Nhiều năm nay cái cậu VĐV bé nhỏ ngày xưa ấy cứ năm nào cũng vậy, mồng 2 tết âm lịch là đến nhà tôi chúc tết. Một việc rất nhỏ mà mang lại kết  quả rất lớn, chính cậu ấy đã lôi kéo tôi quay lại với tình yêu bóng chuyền. Có bài viết này cũng một phần là do cậu VĐV ngày xưa bơm bóng...Vậy thì tình người, chính là một yếu tố thành công trong sự nghiệp HLV, nói đúng hơn là ta làm thầy trong thể thao, vinh quang và khó khăn muôn phần.

Giáo dục phổ thông chỉ sau một năm học người ta đã khẳng định được chất lượng sản phẩm đào tạo. Các Thầy bóng ơi! Phải vài năm và lâu hơn nữa chúng tôi, chúng ta mới có điều, để khen chê các thầy được. Thời gian và quá trình thành công để xây dựng một đội bóng gian nan vất vả  lắm, các thầy cố gắng nhé.

Ảnh: TUẤN RYAN

ĐỖ TÂM

Đăng nhận xét

0 Nhận xét