Xin cám ơn các bạn đã đến thăm Trang Bóng Chuyền Sài Gòn Online! Bóng chuyền phương Nam trong lòng tôi!

Bóng chuyền phương Nam trong lòng tôi!

Bóng chuyền phương Nam trong lòng tôi!

Hàng ngày, tôi đưa hai lòng bàn tay chạm vào nhau niệm Phật. Hai đường cong của hai bàn tay có lúc xa, lúc gần nhưng tất thảy đều hướng về một điểm. Bóng chuyền cũng vậy, đã có lúc hai miền Nam Bắc tạm thời xa nhau để giờ đây là một. Tôi không dám tự cho mình cái quyền làm đại diện cho khán giả thủ đô, thôi thì nhớ đến đâu tôi viết đến đấy.

Bóng chuyền phương Nam trước 1975, hồi đó đất nước còn chia cắt nên mọi thông tin chỉ là truyền miệng. Có lẽ giờ đây, tôi chỉ còn cách cảm nhận rằng các chú các anh trong Nam thời đó chơi bóng chuyền tự phát, thích là chơi hết mình. Điều đó có khác với bóng chuyền miền Bắc trong các cơ quan xí nghiệp và phong trào ở các vùng nông thôn. Sau năm 1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng, cái gì của miền Nam mang ra Bắc chẳng xa lạ, từ con búp bê đến chiếc radio, huống chi là những con người bằng xương bằng thịt có giọng nói hay hay ra Bắc. Tôi nhớ: Bóng đá miền Bắc vô Nam là đội Tổng cục đường sắt. Bóng chuyền vô Nam là Tổng cục Bưu điện. Từ trong Nam ra Bắc bóng đá là Cảng Sài Gòn, bóng chuyền là Tổng cục hóa chất. Lần đầu tiên tôi được xem đội bóng chuyền phương Nam gần như đại diện cho một nền thể thao của một chế độ. Ngày đó, tôi cũng đã nhận thức được, chuyện thắng thua không quan trọng mà chỉ muốn xem các anh thi đấu thế nào? Tôi xem các anh Tổng cục Hóa chất thi đấu ở Bắc Ninh. Các thầy trường ĐH TD TT Từ Sơn nói với nhau: "Xem kìa, đội hình của họ lên xuống như 1 quả pitton". Ngày ấy, con người hai miền còn xa lạ với nhau lắm, có khi lại chẳng có ai đó có họ hàng ngoài Bắc. Cái không khí lúc đó lành lạnh giữ ý, thành ra tôi chỉ nhớ các anh: Phong, Mẫn...không biết anh Thái lúc ấy đánh chưa vì hôm ấy không có cầu thủ nào có ria mép. Có lẽ, các anh trong Nam lần đầu ra Bắc cũng ngại nên các anh tiếp xúc với khán giả rất ít. Thế rồi, giải bóng chung của cả nước được tổ chức. Các đội bóng chuyền phương Nam mang ra Thủ đô nhiều cái mới hấp dẫn và đẹp mắt. Đội cơ Khí Luyện Kim có anh Kim Sơn chuyền hai nhìn anh như diễn viên hài, bởi bộ ria mép. Trời ạ, mấy anh Cơ khí Luyện kim có mái tóc dài ngang vai xoăn xoăn bồng bềnh. Thế rồi, những cái tên như: In 2 hay Dệt Thành Công với các anh Hùng, Vinh Thái...Anh Vinh sau này tôi hay gặp vì anh huấn luyện bóng chuyền Công an TPHCM. Anh Thái có ria mép vàng, nhìn như tài tử điện ảnh bây giờ tôi ít gặp. Những năm đầu 1990, anh Hùng thuận tay trái ngoài Bắc gọi là Hùng In 2. Anh Hùng là người đầu tiên ở Việt Nam đánh bóng kỹ thuật nhảy một chân. Kỳ lắm, tụi trẻ bây giờ không tưởng tượng ra đâu. Anh Hùng chạy dài lắm, anh chạy từ số 2 ra cọc giới hạn số 4. Quân Đoàn 4 thì chẳng nói làm gì vì anh Khang gốc Bắc. Tôi lại mến anh Tự Nguyện Quân Khu 9, tay trái, cao 1m90, môi đỏ đẹp trai. Hồi anh Nguyện ra tập với Thể công, cứ chiều chiều anh lại ra đứng ở cái cổng sắt 21 Hoàng Diệu ngắm phố phường Hà Nội, để cho các chị em thủ đô liếc nhìn anh tình tứ. Anh Tư Nguyện bây giờ tóc đã bạc trắng cả rồi, anh đang ở Cần Thơ. Đầu những năm 1990, bóng chuyền TPHCM phát triển rực rỡ với những cái tên trường năng khiếu TPHCM, Dệt Thành Công, Công an TPHCM. Chỉ giải nội bộ của TPHCM cũng gần như giải QG thu nhỏ. Tụi Lễ, Hảo, Oanh, Thi ... dưới sự chỉ bảo của Thầy Điền, các anh ấy làm lên kỳ tích vô tiền khoáng hậu - Vô địch A1 rồi vô địch đội mạnh luôn. Thưa các anh bóng chuyền phương Nam! 

Ngày thầy Điền ra đi, các sân bóng Thủ đô cũng buồn lắm lắm. Thương tiếc một tài năng có tâm có tầm với bóng chuyền. Chúng tôi không muốn tin đó là sự thật, nhưng báo Thể Thao đã đăng với niềm tiếc thương vô hạn. Bóng chuyền phương Nam những ngày ấy phát triển cả trong học đường. Năm 1990 nhân dịp 100 năm ngày sinh nhật Bác, tại thành phố Vinh và Nam Đàn quê Bác, giải bóng chuyền bộ đại học, TPHCM có hai đội tham gia là ĐH Bách Khoa TPHCM và Y dược TPHCM. Cũng năm đó, tôi và anh Trần Đức Phấn, Thái Thanh Tùng, Nguyễn Quốc Huy đã gặp gỡ và giao lưu với Thầy Sơn, sau này thầy sang bóng chuyền bãi biển. Kể làm sao hết được những cá nhân hay tập thể của bóng chuyền phương Nam để lại ấn tượng trong lòng cá nhân tôi và khán giả Thủ đô. Các anh có lẽ bây giờ với trái bóng chỉ còn là hoài niệm, để ngồi với nhau ôn lại. Nào đâu rồi pha nhảy cá lặn của anh Chánh Quân Đoàn 4 ở Hoàng Diệu. Và đâu nữa cái bắt hai tay ngửa lên trên của anh Cao Xuân thái.

Bóng chuyền phương Nam trong lòng tôi!
Đội bóng chuyền Ván ép Đồng Nai năm 1984
Kính thưa các anh! 

Qua thông tin cá nhân của người anh người chị em, trước kia thi đấu cho Bưu điện Hà Nội nay anh chị ấy vô trong Nam. Tôi được biết các cựu cầu thủ bóng chuyền phương Nam hay tổ chức gặp gỡ thăm hỏi lẫn nhau. Qua các anh, qua bài viết này, em xin kính chúc các anh cùng gia đình mạnh khỏe.

Các bạn trẻ thân mến! 

Các chú các anh cầu thủ bóng chuyền phương Nam đã để lại những hình ảnh tốt đẹp trong lòng tôi như thế đó!

ĐỖ TÂM

Đăng nhận xét

0 Nhận xét