Xin cám ơn các bạn đã đến thăm Trang Bóng Chuyền Sài Gòn Online! Bóng chuyền miền Tây - Đồng Nai từng một thời đam mê

Bóng chuyền miền Tây - Đồng Nai từng một thời đam mê

Bóng chuyền là môn rất phổ biến ở các tỉnh miền Tây, sau ngày thống nhất, từ Long An trở xuống hầu như tỉnh nào cũng có đội bóng chuyền tham gia giải quốc gia, ngoài ra các giải phong trào như: giải nông dân, giải ngành, giải quân đội, công an…được tổ chức thường xuyên thu hút đông đảo người hâm mộ. Công tác tuyển chọn và đào tạo VĐV được quan tâm đầu tư rất sớm. Nhiều địa phương được đầu tư công tác huấn luyện trình độ cao và có đội tham gia thi đấu giải vô địch quốc gia như Long An (Nam – Nữ), Bến Tre, Vĩnh Long (Nam – Nữ), Trà Vinh, Cần Thơ (Quân khu 9, Cảng Cần thơ), An Giang, Đồng Tháp (Nam – Nữ), Đồng Nai (Nam – Nữ).

Do gần nhau, nên giữa bóng chuyền TPHCM và các đội bóng chuyền miền Tây có nhiều đặc điểm giống nhau về phong cách quản lý tập luyện, lối chơi, nhiều VĐV ở các tỉnh miền Tây tham gia thi đấu cho các đội TPHCM. Các giải thi đấu ở khu vực phía Nam được tổ chức thường xuyên hàng năm đều có sự tham gia của các đội TPHCM và các đội khu vực miền Tây và Đồng Nai, Bình Dương. Trang www.bongchuyensaigon.online xin được giới thiệu sơ lược về các đội bóng miền Tây trước đây:

Vĩnh Long vô địch năm 1996: Nguyễn Ngọc Tiên (HLV trưởng), Đạt, Hồng, Sơn, văn Sơn, Phú, Thiều, Hùng Sơn, Quyền, Hải, Thân
Vĩnh Long  - Đội bóng chuyền nam duy nhất miền Tây vô địch Việt Nam

Từ đầu những năm 1980, đội bóng chuyền Sở tài chính tỉnh Cửu Long đại diện tỉnh tham gia thi đấu hạng B giải quốc gia. Năm 1986, đội đạt chức vô địch vòng chung kết giải bóng chuyền Công nhân viên chức toàn quốc tại Đà Nẵng và được đặc cách lên thi đấu hạng A2 toàn quốc. HLV trưởng lúc này là ông Bùi Huy Châm, các VĐV: Lưu Võ, Phước, Hào, Chánh, Quyền, Nghĩa, Sơn, Hội, Mười, Trầm, Triệu, Luật. Năm 1989, Vĩnh Long được thăng hạng đội mạnh Quốc gia.

Là đội bóng chuyền nam đầu tiên và duy nhất cho đến nay ở khu vực miền Tây vô địch giải đội mạnh Quốc gia năm 1996 với thành phần gồm: ông Nguyễn Ngọc Tiên (HLV trưởng), Trần Văn Sơn, Tống Phát Đạt, Nguyễn Văn Thân, Nguyễn Xuân Thiều, Lê Thanh Hồng, Trần Anh Kiệt, Nguyễn Ngọc Quyền, Nguyễn Hùng Sơn, Trương Minh Hải, Trần Kiến Sơn, Nguyễn Thanh Phú.Trong đó, VĐV Trần Văn Sơn là một trong các VĐV tay “chiêu” thi đấu nổi bật trong giải, là VĐV nam xuất sắc nhất giải, thành viên đội tuyển Việt Nam nhiều năm.

Đội Quân khu 9 năm 1986: Huân, Bạch, Nguyện, Thiện, Vẹn, Hải
Cần Thơ – Ngọn cờ đầu Quân khu 9

Từ đầu những năm 1980, phong trào thể thao tỉnh Hậu Giang đã phát triển, trong đó đội bóng chuyền Công ty Xăng dầu Hậu Giang, Quân khu 9 được đại diện tỉnh đầu tiên tham gia thi đấu ở giải A2 toàn quốc. Các đội bóng mạnh nhất tỉnh sau này là Điện lực Cần Thơ, Cảng Cần Thơ lên hạng A1 năm 1992 (Với các VĐV: Sáu, Nguyện, Thành, Tâm, Nữa, Phú, Tuấn, Sang Bình, Hùng, Nguyện).

Năm 1986, Quân khu 9 được thăng hạng A1 toàn quốc: Nguyễn Xuân Dung (HLV trưởng), Anh, Hồ, Thâm, Thưởng, Chọn, Hòa, Tuấn, Trung, Nhật. Sau này có thêm: Hiếu, Phú, Lam, Tuân, Sơn, Truyền, Trang… Đội lên hạng đội mạnh Quốc gia rồi xuống hạng năm sau, năm 2014 đội chính thức giải thể.

Gương mặt nổi tiếng nhất Cần Thơ là VĐV Nguyễn Tự Nguyện (Quân khu 9, Thể Công) có chiều cao 190cm, được xem là VĐV chủ công hay nhất của bóng chuyền Cần Thơ, tăng cường thi đấu cho đội Thể Công, thành viên đội tuyển Việt Nam nhiều năm.

Bến Tre – Bền bỉ với phong trào

Năm 1985, Bến Tre bắt đầu tham gia hạng B và lên hạng A2 (hạng A bây giờ) với các HLV trưởng từng huấn luyện như: Bùi Huy Châm, Nguyễn Xuân Dung, Huỳnh Thúc Phong; Các VĐV: Tâm, Quang, Hùng, Út, Tuấn, Tùng, Tuấn Hiền, Khâm, Long, Quang, Quân…

Năm 2007, Bến Tre lên hạng đội mạnh và đạt hạng 4 giải Quốc gia mùa giải 2007, đội hình gồm HLV Mai Văn Điều, Phạm Văn Út, các VĐV: Hoàng Anh, Lam, Giang, Tùng, Triết, Duy, Thành, Hiền, Nhật, Cường, An, Chánh, Quân, Như, Lộc, Phong. Do khó khăn về nhiều mặt, thành tích trồi sụt lên hạng – rớt hạng A1 thường xuyên, đội Bến Tre vẫn duy trì thi đấu bền bỉ ở giải QG cho đến nay. 

VĐV nổi bật nhất là Nguyễn Trường Giang nhiều năm là thành viên đội tuyển Việt Nam tham dự các kỳ SEA Games, sức mạnh tốt, kỹ thuật toàn diện. Trường Giang từng thi đấu rất thành công trong màu áo Long An và Sanest Khánh Hòa nhiều năm. 

Đội Hoàng Long Long An: Nguyễn văn Hải (HLV trưởng), Tiến, Tuấn, Bình, Khánh, Huy, Tùng, Trường, Sang.
Long An – Ngôi bá miền Tây 

Với những thành tích lẩy lừng suốt một thời gian dài về thành tích thi đấu trình độ cao ở cấp Quốc gia, bóng chuyền Long An đã khẳng định ngôi vị số 1 trong các tỉnh miền Tây nói riêng và là một trung tâm đào tạo VĐV bóng chuyền nam – nữ tốt ở Việt Nam hiện nay 

Đội nam: được tập họp tham gia giải A2 Quốc gia từ năm 1977, do ông Khuất văn Nhuế là HLV trưởng lúc đó, cùng các VĐV: Tích, Dũng, Bé Hai, Bé Tám, Tấn, Thắng Hiền Đấu,Tích, Hiền, Đấu, Chấn, Tâm, Thanh, Hùng, Thạch. Năm 1991, đội lên hạng A1 với HLV: Tích, Chí và dàn VĐV: Khôi, Ân, Mến, Trường, Vũ, Tôn, Bằng, Dũng, do điều kiện khó khăn nhóm VĐV này chuyển sang thi đấu cho đội Công an Vũng tàu. Sau thời gian xây dựng lại lực lượng, Long An nhanh chóng trở lại hạng đội mạnh năm sau 2006, do HLV trưởng Nguyễn văn Hải dẫn dắt; các VĐV gồm: Hùng, Tâm, Tiến, Huy, Thiên, Vũ, Nhân, Tuấn, Bình, Phúc, Quân, Bảo. Tập thể này nhanh chóng chứng tỏ mình là thế hệ tốt nhất trưởng thành từ lò đào tạo Long An. Những thành tích họ từng đạt được: Á quân năm 2007, HCĐ năm 2009, đoạt cúp Đức long – Gia lai, cúp Hùng vương 2011, vô địch cúp Đạm Phú Mỹ 3 năm liên tục…

Trà Vinh – Cánh chim đơn độc 

Trong các đội bóng chuyền khu vực phía Nam tham gia thi đấu hạng đội mạnh Quốc gia, đội bóng chuyền tỉnh Trà Vinh ít được chú ý nhất, hầu như họ không có tin tức gì trên giới truyền thông. Các VĐV của họ hiền lành, ít tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng trong làng bóng chuyền. Tuy vậy trong suốt gần 10 năm thi đấu ở hạng đội mạnh Quốc gia, tập thể VĐV kết hợp giữa người Việt và người Khmer luôn nằm ở giữa bảng xếp hạng, thấp nhất là hạng 7 (2007), không lần nào lên xuống hạng cho đến khi đội giải thể vì khó khăn.

Năm 1999, lớp năng khiếu đầu tiên được chuyển sang Bưu điện tỉnh Trà Vinh, bắt đầu tham gia giải A1 toàn quốc. Năm 2001 đội Trà Vinh lên hạng đội mạnh Quốc gia và luôn nằm trong hạng trung bình của giải nhiều năm liền, trong đó thành tích cao nhất là đạt hạng 3 năm 2003. Đội hình thi đấu ổn định và trở thành một thế lực trong giải đội mạnh nhiều năm gồm: Lê văn Việt (HLV trưởng); Quyền; Quốc, Song, Điền, Nhanh, Lực, Thi, Thế, Anh, Thoảng, Giang, Rêu, Siêng. 

Trong đội hình Trà Vinh còn có VĐV rất nổi tiếng là Cao Bảo Quốc, năng lực, sức mạnh bật tốt, kỹ thuật toàn diện, ngoài là VĐV tấn công chủ lực bóng chuyền trong nhà, Bảo Quốc đồng thời là VĐV bóng chuyền bãi biển, tham gia đội tuyển Việt Nam đạt huy chương bạc SEA Games 23 tại Việt Nam năm 2003. Sau này có Lê Thành Hạc từng là thành viên đội tuyển Quốc gia (2017).

Đội bóng Vinaplyco 1977, có tuyển thủ Lý văn Lang
Đồng Nai – Sắc màu cá tính

Trước năm 1975, Đồng Nai là đơn vị mạnh về bóng chuyền phong trào cũng như bóng chuyền thi đấu trình độ cao. Riêng Biên Hòa có 2 đội: đội Bộ Chỉ huy Kỹ thuật Tiếp Vận Không Quân và đội Sư Đoàn 3 Không Quân có các VĐV tham gia thành phần đội tuyển miền Nam: Lý Văn Lang, Võ Đình Long.

1976 Đồng Nai thành lập 2 đội tuyển bóng chuyền nam, nữ đạt giải nhất khu vực VI giải Thống Nhất toàn quốc, sau giải đấu cả 2 đội nam, nữ được Sở TDTT chuyển giao về Nhà Máy Dệt Thống Nhất để quản lý và đại diện tỉnh Đồng Nai tham gia các giải bóng chuyền hạng A toàn quốc hàng năm. Một số VĐV tách ra và thành 2 đội bóng mới là Nhà Máy Ván ép Vinaplyco và đội Dây Đồng Long Biên.

Đội nam Dệt Thống nhất gồm: Anh Chánh, Oánh, Long, Mục, Liên, Hiệp, Cương, Hoàng. Sau đó bổ sung thêm Dũng, Phương, Chiến.

Đội nữ Dệt Thống nhất Đồng Nai gồm: Thuỷ, Ngân, Thanh, Nguyệt, Phương, Sương, Hà, Chúc, Bích, Mai, Dậu, Sâm...    

Cả hai đội nam, nữ đều do bà Nguyễn Thị Mùi làm huấn luyện trưởng từ năm 1976, bà Nguyễn Thị Mùi là huấn luyện đầu tiên của cả 2 đội nam và nữ tỉnh Đồng Nai, nguyên là nữ tuyển thủ Việt Nam, đã có nhiều thành tích xuất sắc,  một thời oanh liệt, là tượng đài của bóng chuyền nữ Việt Nam, tay đập xuất sắc của nhất của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam, từng đoạt HCĐ tại GANEFO Châu Á năm 1966 ở Trung Quốc và Triều Tiên.

Đội Cơ Khí Luyện Kim gồm: Thọ, Sơn, Dân, Văn Long, Đình Long, Hiếu, Thắng, Hiền, Mẩn, Minh, Cảnh,  Khoa, Sơn…

Đội Vinaplyco gồm: Dân, Trang, Thảo, Bình, Tuy, Minh, Liệu, Nam, Tiềm, Trợ, Ngọc, sau này bổ sung: Châu, Hùng, Ngọc, Dũng, Thanh, Tài, Dưỡng… Đội nhiều năm vô địch giải bóng chuyền tỉnh Đồng Nai và Công nghiệp Nhẹ phía Nam năm 1977, giải nhất Công Nhân Lao động do Liên Đoàn TP.HCM tổ chức năm 1977 và Hội thao Ngành Công nghiệp Nhẹ toàn quốc tại TP.HCM năm 1985.

Các đội này hình thành các giải đấu tỉnh Đồng Nai đầu tiên, tham gia giải hạng A TP HCM và giải hạng A2, A1 Quốc gia. Do điều kiện khó khăn về kinh phí, các đội bóng này đã ngừng tham gia các thi đấu Quốc gia từ năm 1991.

Năm 1997, Đồng Nai có 3 đội bóng mạnh nhất tỉnh: Vật liệu Xây dựng Biên Hòa, Bưu Điện tỉnh Đồng Nai và May Đồng Tiến. Năm 2001, hai đội May Đồng Tiến và Vật liệu Xây dựng Biên Hòa thăng hạng lên thi đấu hạng đội mạnh QG. Đến năm 2004 do thực lực yếu, thiếu sự đầu tư về nhân sự, thiếu sự hỗ trợ chỉ đạo từ ban lãnh đạo ngành thể thao tỉnh, cả 2 đội đều giải thể. Tuy nhiên trong giai đoạn này bóng chuyền Đồng Nai cũng có nhiều VĐV tài năng: Thái, Phát, Hiền, Hiếu, Dũng (VLXD Biên Hoà); Tuấn, Quang, Phương Anh, Cương, Bảo (May Đồng Tiến); Hiển, Thu, Toàn, Nghĩa, Liêm, Minh (Bưu Điện Đồng Nai). Hiện nay, bóng chuyền Đồng Nai không còn đội nào tham gia thi đấu ở giải Quốc gia.  

Có một điều thú vị ở bóng chuyền Đồng Nai là các giải thi đấu nội bộ trong tỉnh từ xưa đến nay rất quyết liệt máu lửa giữa “gà nhà” với nhau, đây là một tính cách của các VĐV, HLV cũng như cổ động viên cuồng nhiệt bóng chuyền Đồng Nai tạo nên một sắc màu đặc trưng ít nơi nào có được.

Đội bóng Ván ép Đồng Nai năm 1984
HUỲNH THÚC PHONG

Đăng nhận xét

0 Nhận xét