Xin cám ơn các bạn đã đến thăm Trang Bóng Chuyền Sài Gòn Online! Danh sách ĐTQG nam: Cần làm rõ trách nhiệm thuộc về ai?

Danh sách ĐTQG nam: Cần làm rõ trách nhiệm thuộc về ai?

Danh sách ĐTQG nam: Cần làm rõ trách nhiệm thuộc về ai?
Như thông tin từ trang www.bongchuyensaigon.online đã đưa, bắt đầu từ ngày 01/9/2019, đội tuyển bóng chuyền nam quốc gia sẽ được tập trung ở Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội cho đến ngày 15/12/2019 để làm nhiệm vụ thi đấu SEA Games 30 năm 2019 tại Philippines. Tuy nhiên, có quá nhiều điều khác thường trong lần tập trung dài ngày này so với thông lệ của tất cả các năm trước đó.
Danh sách ĐTQG nam: Cần làm rõ trách nhiệm thuộc về ai?
Cựu HLV trưởng ĐTQG nam - Phùng Công Hưng bị thế lực ngầm loại phút cuối...?


Chọn huấn luyện viên nội hay ngoại?

Theo một nguồn thạo tin, trong cuộc họp thường niên Ban chấp hành LĐBCVN năm 2018 tại Hà Nội, theo đề nghị của Ban các đội tuyển, Thường vụ liên đoàn đã quyết định chủ trương chọn huấn luyện viên (HLV) trong nước để nắm đội tuyển quốc gia (ĐTQG) nam làm nhiệm vụ thi đấu quốc tế - trọng tâm là SEA Games 30 năm 2019 vào cuối năm tại Philippines. 
Tuy nhiên, điểm mới trong lần tuyển lựa này là vị “thuyền trưởng” của ĐTQG nam không phải đang là HLV của các Câu lạc bộ, mà phải là người “độc lập” để có nhiều thời gian và toàn tâm toàn ý cho công việc ở đội tuyển. Đây là một trong những sự cải cách nhằm làm hạn chế tình trạng “quân anh, quân tôi” thường thấy ở các đội tuyển thể thao quốc gia của Việt Nam nhiều năm qua, tương tự như Bóng đá đã mời ông thầy người Hàn Quốc – ông Park hang Seo. 
Và, ngay sau đó, khi HLV Phùng Công Hưng (Thể Công) – người từng dẫn dắt ĐTQG nam nhiều năm qua đã bày tỏ ý định xin rời khỏi ngành quân đội (diện nghỉ hưu theo chế độ) để tham gia công tác huấn luyện chuyên trách cho đội tuyển, ông đã được Ban Thường vụ liên đoàn gật đầu đồng ý bằng biên bản cuộc họp có ghi chép hẳn hoi.
Thế nhưng sau đó, dường như có một “bàn tay nhám nhúa”, tự xưng là “cây đa, cây đề”, am tường mọi chuyện nhưng lại luôn mang tai tiếng là chuyên thọc mách chuyện thể thao – trong đó có Bóng chuyền, đã bí mật chi phối để tạo một sự thay đổi, khiến quay ngoắc 180 độ so với quyết định trước đó của Ban Thường vụ LĐBCVN.
Và có lẽ ý kiến của “thế lực ngầm” đó đã góp phần chi phối, tác động nên một gương mặt HLV “lạ” mà “quen” – “lạ” là nếu giải thích theo một bài viết trên trang www.bongchuyensaigon.online cách đây khá lâu, vị HLV này tuy hoạt động trong bóng chuyền nhưng lại có bằng cấp tốt nghiệp Đại học Thể dục thể thao môn… Điền kinh, còn “quen” là do ông ta cũng đã có một số thành tích nhất định khi huấn luyện đội bóng trẻ - thuộc tuyến 2 của Sanest Khánh Hòa thi đấu ở các giải Trẻ quốc gia, giải hạng A toàn quốc bằng “lính” được đào tạo ở khắp nơi mua về, đó chính là HLV Thái Quang Lai (HLV trưởng đội Sanest Khánh Hòa), người mới đây đã được LĐBCVN bất chợt mời lên ghế HLV trưởng đội U23 VN và giờ đây là HLV trưởng ĐTQG nam VN chuẩn bị tham dự SEA GEA Games 30.

Cho đến danh sách 16 cầu thủ của đội tuyển nam quốc gia…

Rõ ràng, từ cái chệnh hướng này đã dẫn đến cái sai lớn hơn và đặc biệt, nó đã phá vỡ những tiền lệ hoặc quy ước đã thành văn ở bất kỳ môn thể thao nào của Việt Nam: danh sách thành viên đội tuyển quốc gia làm nhiệm vụ quốc tế thường phải dựa trên cơ sở thành tích của cá nhân, tập thể ấy đã đạt được ở giải Vô địch quốc gia gần nhất.
Ở lần tập trung 3 tháng hướng đến SEA Games 30 – 2019 của ĐTQG bóng chuyền nam kể từ 01/9/2019, không hiểu có phải theo đề xuất của tân HLV trưởng Thái Quang Lai hay không, có 16 VĐV được triệu tập, trong đó gồm 7 học trò của ông Thái Quang Lai từ Sanest Khánh Hòa lên tuyển, 5 của TP Hồ Chí Minh, 2 của Hà Tĩnh, 1 của Bến Tre và 1 của đội Hà Nội - đang thi đấu ở giải hạng A toàn quốc năm 2019.
Điều lạ lùng đã khiến nhiều người trong giới chuyên môn nghi ngờ: Phải chăng đang xuất hiện câu chuyện tạo “lợi ích  nhóm” nhằm thao túng, bởi nếu xét theo kết quả giải Vô địch quốc gia năm 2018 (thi đấu chỉ 1 vòng ở 2 bảng, từ 14/4 đến 20/4/2018, tại NTĐ Hải Dương và NTĐ huyện Gia Lâm - Hà Nội, vòng chung kết từ 25/12 đến 28/12/2018 tại Đắc Lắc), cứ cho rằng đội Vô địch quốc gia 2018 là TP Hồ Chí Minh có 5 tuyển thủ quốc gia là không phải bàn, thế nhưng điều vô lý ở chỗ, Thể Công hạng nhì lại không có HLV và VĐV nào, Tràng An Ninh Bình hạng 3 (1 HLV phó, 0 VĐV), Biên phòng hạng 4 và Long An hạng 5 (đều 0 HLV, 0 VĐV), trong khi Sanest Khánh Hòa hạng 6 (1 HLV trưởng và 7 VĐV), Hà Tĩnh hạng 7 (1 HLV phó, 2 VĐV), Bến Tre hạng 8 (0 HLV, 1 VĐV) và Hà Nội thi đấu ở hạng A lại được 1 VĐV.
Chưa hết, trong Ban Huấn luyện ĐTQG nam, điều khó hiểu nhất là chẳng những các đội xếp hạng đầu không có HLV được mời, trong khi HLV trưởng Thái Quang Lai là người của đội hạng 6, còn 2 HLV phó của đội tuyển là Bùi Trung Thảo (HLV phó của Tràng An Ninh Bình – hạng 3) và Lê Thanh Hùng (HLV phó của Hà Tĩnh – hạng 7) lại chưa có…. Bằng cấp tốt nghiệp Đại học thể dục thể thao (?!).
Nếu giải thích theo hướng, do HLV trưởng Thái Quang Lai đã cùng đội tuyển tỉnh Khánh Hòa đoạt chức vô địch giải Bóng chuyền trong chương trình Đại hội Thể thao toàn quốc – Hà Nội 2018 thì lập luận này không suông, bởi theo điều lệ Đại hội thể thao toàn quốc, thành phần tham dự đại hội là đội tuyển tỉnh, thành, ngành và mục đích của sự kiện 4 năm tổ chức 1 lần này khác hẳn với mục tiêu tuyển chọn ĐTQG của giải Vô địch quốc gia.
Chuyện lợi ích nhóm ở đây càng thể hiện rõ hơn khi chỉ sau SEA Games 30 năm 2019 khoảng 10 ngày, các CLB bóng chuyền nam, nữ của VN sẽ vào cuộc để thi đấu vòng 2 và vòng chung kết, vòng xếp hạng giải Vô địch quốc gia PV Gas 2019 (từ 25/12/2019 đến ngày 06/01/2020 tại Bạc Liêu và Long An), ngoài các cầu thủ đơn lẻ của các đội TP Hồ Chí Minh (tuy có 5 nhưng chắc gì đã được HLV trưởng cho thi đấu chính thức và biết đâu trong tập luyện họ chỉ làm quân xanh?) và 2 cầu thủ của Hà Tĩnh, 1 của Bến Tre v.v., liệu có công bằng, sòng phẳng không khi chắc chắn rằng 7 cầu thủ của Sanest Khánh Hòa sẽ được thầy ruột Thái Quang Lai của mình ra sức mài dũa trên hầu hết những vị trí thi đấu chính thức của ĐTQG - các cá nhân HLV, VĐV Sanest vừa được mang danh đội tuyển, còn tập thể CLB Sanest Khánh Hòa vừa được hưởng lợi lớn nhất khi tập huấn và thi đấu liên tục bằng tiền của trung ương để giải cơn khát mất “danh hiệu vô địch” mùa rồi?.
Thế nên chẳng phải vô lý khi nhiều người trong giới chuyên môn đặt câu hỏi và yêu cầu: Cần làm đến nơi đến chốn việc tuyển chọn thành phần ĐTQG Bóng chuyền nam vừa rồi là do trách nhiệm nơi nào, Ban các đội tuyển của LĐBCVN hay một thế lực ngầm nào đó có ý đồ câu kết, thao túng, tạo lợi ích riêng cho 1 CLB bằng tiền ngân sách cấp cho Tổng cục Thể dục thể thao hoặc từ LĐBCVN?

Chủ trương chọn chuyên gia nước ngoài cho đội tuyển Bóng chuyền nam từng bị….bàn ra!

Mới đây, theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bộ này đồng ý chủ trương tạo điều kiện thuận lợi về kinh phí cho Tổng cục TDTT tập trung vào 3 nhiệm vụ chính: Đầu tư cao nhất trong khả năng cho các môn thể thao thế mạnh của VN ở SEA Games 31 năm 2021 tổ chức tại Việt Nam; cho đội tuyển Bóng đá nam VN và cho đội tuyển Bóng chuyền nam VN để có thể tiến sâu hơn tại đấu trưởng khu vực và châu lục trong thời gian sớm nhất. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn của lãnh đạo ngành.
Riêng về đội tuyển Bóng chuyền nam VN, một quan chức là lãnh đạo Tổng cục TDTT, đồng thời là lãnh đạo LĐBCVN cho biết, qua mối quan hệ đối ngoại khăng khít với ngành thể thao của các quốc gia bạn, ông đã liên hệ và tìm được một chuyên gia Bóng chuyền người Trung Quốc có trình độ chuyên môn tốt cho ĐTQG nam với mức giá chấp nhận được. Kinh phí này hoàn toàn do Tổng cục TDTT chi trả. Thế nhưng không hiểu sao hoặc vấp phải rào cản gì, các giới chức có trách nhiệm ở Ban các đội tuyển của LĐBCVN cứ chần chừ, không tiến cũng chẳng lùi, không có chính kiến và cuối cùng như mọi người đều biết, một danh sách gồm HLV trưởng và 2 cộng sự cùng 16 tuyển thủ quốc gia thể hiện rõ lợi ích cục bộ địa phương đã ra đời.
Rõ ràng, ý chí tiến lên luôn là điều ai cũng muốn thể hiện song nó sẽ không suông sẻ nếu mọi người không cùng một chí hướng vì sự phát triển chung của BCVN! 
ĐINH LÂM

Đăng nhận xét

0 Nhận xét