Xin cám ơn các bạn đã đến thăm Trang Bóng Chuyền Sài Gòn Online! Cúp VTV 2019: Cần làm rõ hay vẫn tiếp tục giải đấu?

Cúp VTV 2019: Cần làm rõ hay vẫn tiếp tục giải đấu?

Cúp VTV 2019: Cần làm rõ hay vẫn tiếp tục giải đấu?
Trên trang wwww.bongchuyensaigon.online ra ngày 07/8 có bài viết phỏng vấn một người từng có nhiều năm theo dõi hoạt động bóng chuyền Việt Nam về những tranh cãi quyết liệt của đội nữ CHDCND Triều Tiên với tổ trọng tài vào thời điểm kết thúc trận đấu tranh ngôi đầu bảng B với NEC Red Rocket (Nhật Bản) tại Giải Bóng chuyền nữ quốc tế Cúp VTV 2019, tối ngày 06/8 tại Nhà Thi đấu tỉnh Quảng Nam.
Đã có nhiều ý kiến phản hồi về bài viết, trong đó ông Lê Thân Minh Châu, một người Việt Nam xa xứ, vừa là Trưởng đoàn đội tuyển nữ U23 Australia tranh tài ở giải vô địch nữ U23 châu Á 2019 tại Hà Nội, đã cung cấp thêm cho wwww.bongchuyensaigon.online một số thông tin mới, có liên quan đến tình huống có lỗi sai vị trí hay không của đội bóng CHDCND Triều Tiên, không chỉ riêng từ tình huống này, hiêp đấu này và cả trận đấu này.
Thế nên, chúng tôi xin được mạn phép viết tiếp câu chuyện…

Ban Tổ chức giải cần làm rõ “có” hay “không” có lỗi, không thể để chìm xuồng!

Thật vậy, là giải đấu quốc tế có uy tín, được tổ chức đến nay đã là lần thứ 16, VTV Cúp được tiến hành ngày càng công phu, bài bản và tiêu tốn số tiền tổ chức phí không hề nhỏ, thu hút sự quan tâm đông đảo người hâm mộ môn bóng chuyền trong và ngoài nước. Thế nên nhiều người cho rằng, một chi tiết trục trặc, dù nhỏ nhất, cũng đáng được quan tâm giải quyết. 
Đàng này, sự việc lùm xùm cuối trận đấu giữa đội CHDCND Triều Tiên với NEC Red Rocket (Nhật Bản) được trực tiếp truyền hình trên Kênh VTV6 Đài Truyền hình Việt Nam và những hình ảnh không hay đó đã được truyền đi toàn thế giới, nhưng hậu vấn đề vẫn như đang chưa có gì (?!).
Vấn đề cần làm rõ ở đây, có băng hình nào hay chứng cứ gì ghi lại để giúp bộ phận chuyên môn – trọng tài của Ban Tổ chức giải chứng minh, trong tình huống mà điểm số đang là 14/15 của CHDCND Triều Tiên ở ván thứ 5: Trọng tài thứ 2 Julian Coburn (người Australia) đã bắt đúng – đáng ra tay chuyền 2 (mang áo số 5) đứng ở vị trí số 5 và chủ công Jong Jin Sim (3) đứng ở vị trí số 6 trong đội hình CHDCND Triều Tiên, nhưng thực tế trên sân họ đã đứng lệch nhau nên sai vị trí về hàng ngang – VĐV số 5 đứng vượt về bên phải của Jong Jin Sim (3) để thuận tiện cho việc băng lên tổ chức tấn công, tức tạo lợi thế, điều mà luật không cho phép - vào thời điểm cầu thủ NEC Red Rocket (Nhật Bản) phát bóng hay không?.
Nếu băng ghi hình xác định được rằng các cầu thủ CHDCND Triều Tiên đã đứng đúng, thế thì trọng tài Julian Coburn đã sai và Ban Tổ chức giải sẽ phải giải quyết cái sai ấy đưa đến kết quả nghiệt ngã dành cho đội CHDCND Triều Tiên như thế nào nhằm lấy lại sự công bằng và tạo uy tín về chuyên môn cho giải đấu?
Còn như ngược lại, trọng tài Julian Coburn bắt lỗi CHDCND Triều Tiên là chính xác, điều mà nhiều người trong giới chuyên môn có mặt tại giải đã cho rằng giả thiết này có đến gần 100% là đúng, thì Ban Tổ chức cần công bố cho đội CHDCND Triều Tiên và các phương tiện truyền thông biết về kết luận cuối cùng, song từ đó cần phải làm rõ: xem lại băng ghi hình ở điểm số 14/14 trước đó, đội hình đở phát bóng của CHDCND Triều Tiên như thế nào, có sai tương tự như ở tình huống 14/15 hay không?
Nếu CHDCND Triều Tiên đứng đúng vị trí hàng ngang – số 5 ở vị trí số 5 (bên tay trái của số 3 Jong Jin Sim, đang ở số 6) thì không có vấn đề gì, nhưng nếu họ vẫn sai tương tự tình huống sau đó (14/15 và thua luôn 14/16), dù trọng tài Julian Coburn đã bắt chính xác nhưng cần phải xem lại, tại sao ông không bắt tình huống trước để giúp “cảnh tỉnh” đội CHDCND Triều Tiên vào thời điểm ban đầu như đã dược FIVB hướng dẫn trong các khóa học về trọng tài và phương pháp trọng tài?

Và các hệ lụy khác cần được giải quyết để tránh tiền lệ xấu!

Không chỉ trong băng video clip đang được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội mà ngay trong băng ghi hình trận đấu của Đài Truyền hình Việt Nam VTV6 cũng lưu lại rất rõ: Sau khi kết thúc trận đấu, các thành viên của đội CHDCND Triều Tiên không hề bắt tay và cảm ơn tổ trọng tài, bắt tay đội bạn NEC Red Rocket như quy định mà lao vào tranh luận với trọng tài Julian Coburn, đặc biệt là hình ảnh khi vị trọng tài này di chuyển dọc lưới ở phần sân B để tiến về bàn thư ký, tay chuyền hai số 5 của CHDCND Triều Tiên còn liên tục dùng những lời lẽ có tính chất phỉ báng và dùng tay đánh vào mặt lưới ngay trước người của vị trọng tài này. 
Đây là thái độ và hành vi không thể chấp nhận được ở một sự kiện văn hóa thể thao tầm vóc quốc tế, lại hiện hữu trước mặt bao nhiêu khán giả truyền hình trên toàn thế giới. Điều lạ lùng là cho đến giờ này, ngoài việc đội CHDCND Triều Tiên (thứ 2 bảng B) đã được Ban Tổ chức giải xếp tiếp lịch đấu chéo với đội thứ 3 bảng A (Kazackhstan) vào lúc 20g tối ngày 08/8/2019 để xác định đội thắng sẽ gặp tuyển VN ở bán kết - đồng nghĩa là ngầm xem như số 5 của CHDCND Triều Tiên vẫn nghiểm nhiên thi đấu tiếp cùng đội nhà và có thể được phép lặp lại thái độ xấu tương tự, hiện chưa thấy Ban Tổ chức giải có ý kiến gì về hình ảnh xấu xí trên sân bóng chuyền này tại Quảng Nam (?!). 
Theo Điều 20. Chương III Hành vi của vận động viên, ở Khoản 20.1. Thái độ thể thao, có ghi “Các thành viên phải tuân theo quyết định của trọng tài với thái độ thể thao, không được cãi lại trọng tài. Nếu có thắc mắc, chỉ được đề nghị giải thích thông qua đội trướng trên sân. Các thành viên phải kiềm chế những hành động hoặc thái độ gây ảnh hưởng đến quyết định của trọng tài hoặc che giấu tội lỗi của mình”. 
Thực tế cho thấy, là các VĐV cấp cao, nếu đứng sai vị trí hàng ngang trong tình huống nêu trên, chắc chắn rằng cả Jong Jin Sim (số 3) là người đứng phía sau và tay chuyền 2 (số 5) của CHDCND Triều Tiên đều biết mình phạm lỗi nhưng có lẽ vì lý do nào đấy, chẳng hạn nếu trọng tài không phát hiện hoặc cố tình lờ đi và khi cảm nhận được những “bước lùi” âm thầm đó, họ sẽ ranh mảnh tiến tới để tạo lợi thế, dù là nhỏ nhất, trước đối thủ.
Thế nhưng rõ ràng, ở tình huống này, khi bị trọng tài Julian Coburn bắt lỗi, chưa bàn đến việc đúng – sai thế nào, các cầu thủ CHDCND Triều Tiên đã không tuân thủ theo các yêu cầu về thái độ đã được luật quy định.
Với thái độ và hành vi này của đội CHDCND Triều Tiên, điều còn đọng lại là về hình thức xử phạt thì chưa thấy tổ trọng tài, trong đó có trách nhiệm của vị trọng tài thứ 1 – ông Trần Thanh Tùng (VN) đưa ra dựa theo Khoản 21.2 của Điều 21. Thái độ xấu và các hình phạt: “Được chia làm 3 loại theo mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm: Vô lễ: Hành động ngang ngược trái với nguyên tắc đạo đức và thói quen văn hóa hoặc tỏ thái độ coi thường; Xúc phạm: Phỉ báng hay có lời nói, cử chỉ xúc phạm, lăng mạ; Gây gổ: Xâm phạm thân thể hoặc cố ý gây sự”. Mỗi thái độ sẽ có mức phạt tương ứng, từ nhẹ đến nặng.
Nếu áp theo các điều, khoản của Luật Bóng chuyền, hành vi, thái độ của các quan chức, cầu thủ đội CHDCND Triều Tiên, đặc biệt là VĐV áo số 5 đều phải chịu mức phạt cụ thể. Thế nhưng tại sân, các trọng tài không thực hiện điều này, một phần có lẽ vì không khí quá căng thẳng nên cần được sự chia sẻ, cảm thông.
Tuy nhiên, vẫn còn đó hàng loạt câu hỏi được đặt ra và rất cần được giải đáp từ phía các nhà tổ chức: Bộ phận chuyên môn của Ban Tổ chức sẽ đề xuất hướng xử lý gì hay là cho qua để tránh bị vỡ giải?. Nếu như Liên đoàn Bóng chuyền quốc tế (FIVB) nắm thông tin và có ý kiến thì VN sẽ giải thích như thế nào với tổ chức quốc tế này?. Và điều quan trọng không kém, giả như trong thời gian tới, các trường hợp khác tương tự sẽ xảy ra trong thi đấu của Bóng chuyền Việt Nam - kể cả các giải quốc tế được tổ chức tại Việt Nam, thì có xử lý theo luật hay cũng sẽ buông xuôi và dễ dàng được cho qua như trường hợp này?
Từ lâu, nhiều người trong giới bóng chuyền ở Việt Nam thường nói vui, thường thì các giải ở hội làng, tranh cãi rất nhiều, cấp càng cao hơn sẽ càng ít hẳn vì người chơi càng am hiểu luật lệ. Thế nhưng ở những giải mời, kể cả mang mác "quốc tế", thì gì cũng được, vì vàng thau lẫn lộn. Mong sao đó chỉ là những câu nói vui bên lề VTV Cúp.
PHÚC VĨNH

Đăng nhận xét

0 Nhận xét