Xin cám ơn các bạn đã đến thăm Trang Bóng Chuyền Sài Gòn Online! LĐBCVN sau nữa chặng đường: Cần mạnh dạn thay đổi để tạo đà...

LĐBCVN sau nữa chặng đường: Cần mạnh dạn thay đổi để tạo đà...

Nhiều người còn nhớ, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2015 – 2019, đã hoạt động gần nửa nhiệm kỳ.Thành công không ít, vấp váp chẳng phải chưa có. Thế nhưng để tổ chức này hoạt động có hiệu quả hơn, có lẽ không chỉ những người trong cuộc mà cả làng bóng cũng cần có trách nhiệm, nêu những góp ý để các phía chung sức trong việc phấn đấu hướng đến mục tiêu phát triển Bóng chuyền VN đúng định hướng đã đề ra từ ban đầu. Trong đó, trước mắt cần xắn tay vào một vài việc cụ thể nhưng có thể được xem là cấp bách…
Từ việc bổ sung, kiện toàn Ban chấp hành…
Từ đầu, Đại hội đã bầu Ban chấp hành khóa 6 với 21 Ủy viên. Thế nhưng trong quá trình hoạt động, hiện ít nhất có vài ba vị không còn góp mặt.
Trước hết, ai cũng nắm thông tin ông Huỳnh Quang Vinh, cố Giám đốc Công ty TNHH thể thao Bình Điền Long An đã mất vào năm 2016. Trong khi đó, hiện có hai vị đã về nghỉ hưu theo chế độ, đó là ông Trần Phú Đằng, nguyên Trưởng Bộ môn Bóng chuyền Tổng cục TDTT và ông Lê Văn Thành, nguyên Giám đốc Trung tâm TDTT Quân đoàn 4.
Đành rằng, các vị nghỉ hưu sẽ có nhiều thời gian hơn để tập trung công sức, tâm trí hầu cống hiến cho tổ chức xã hội nghề nghiệp một các tối đa. Lý thuyết là vậy và tất cả đều trân trọng đối với những đóng góp của họ. Thế nhưng, nên chăng, LĐBCVN cần có sự trao đổi một cách chân tình, tế nhị để xem chính kiến của các vị này – tiếp tục hay thôi, nhằm có sự sắp xếp, bố trí công việc chung một cách thích hợp.
Nếu các vị này sẳn lòng tham gia thì là điều quá tốt nhưng nếu họ bày tỏ ý định xin thôi, LĐBCVN cần phải bổ sung ngay những vị đương nhiệm ở các vị trí này: Rõ nét như ông Đào Xuân Chung (Trưởng bộ môn bóng chuyền Tổng cục TDTT) hay ông Nguyễn Hữu Thủy (Giám đốc Trung tâm TDTT Quân Đoàn 4) nhằm đảm bảo công việc phân công cho Ủy viên Ban chấp hành không bị gián đoạn hoặc đình trệ.
Tương tự, đối với trường hợp đại diện CLB bóng chuyền nữ VTV Bình Điền Long An, LĐBCVN cần có văn bản, đề nghị Công ty TNHH thể thao Bình Điền Long An và cá nhân Giám đốc - ông Thái Bữu Lâm, để mời gọi ông sớm thay thế vị trí ủy viên đang khuyết.
Cho đến xiết chặt quy trình quản lý, điều hành
Tuy đã có quy chế song có lẽ quá trình quản lý bộ máy tổ chức và hoạt động của LĐBCVN cần được xem xét lại nhằm đảm bảo thực hiện đúng nghị quyết đề ra từ đầu nhiệm kỳ.
Có thể thấy, tương tự cách làm từ Ban chấp hành nhiệm kỳ trước, hàng năm đều tổ chức họp định kỳ 1 lần vào cuối năm – Ban Thường vụ rồi đến toàn thể Ban chấp hành, ở nhiệm kỳ VI này, cần minh định một cách rõ ràng: do chỉ họp 1 lần/năm – tốn kém không ít chi phí của tổ chức, mất thời gian, công sức của đại biểu dự hội nghị v.v, nên cuộc họp phải đảm bảo chất lượng trong việc đánh giá, kiểm điểm những việc đã qua và hoạch định chủ trương, chính sách một cách cụ thể, rõ ràng theo lộ trình của cả nhiệm kỳ từng được đề ra cho hoạt động của năm kế tiếp. 
Để đạt được điều này, cần thay đổi phương pháp tổ chức hội nghị theo một số hướng, đại loại ngày đầu tiên, buổi chiều họp các Ban chuyên môn với nội dung kiểm điểm, đánh giá, phân loại, bình xét để khiển trach, phê bình (nếu có), khen thưởng từng cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc; đồng thời đề xuất, kiến nghị, nêu phương hướng hoạt động năm kế tiếp. 
Sau khi các Ban họp xong và gửi biên bản, cũng trong buổi chiều cùng ngày, bộ phận Văn phòng Liên đoàn sẽ tổng hợp các báo cáo của các Ban, sau đó bổ sung vào dự thảo Báo cáo tổng kết năm, trình bày trong cuộc họp Ban Thường vụ để sáng ngày hôm sau sẽ diễn ra Hội nghị Ban chấp hành. 
Và điều mặc nhiên, tất cả các văn bản, từ đề cương chương trình Hội nghị cho đến các báo cáo của cá nhân và tập thể, các công tác chuẩn bị đều được gửi trước cho đại biểu nghiên cứu nhằm đảm bảo các cuộc họp và hội nghị đều đạt chất lượng như mong đợi của các nhà tổ chức.
Điều cần quan tâm tại Hội nghị, tuy cần đảm bảo sự dân chủ song Ban Tổ chức cần quy định về thành phần khách mời, yếu cầu các tham luận, ý kiến phát biểu cần tập trung vào các chủ đề chính do Ban Thường vụ gợi ý, khuyến khích việc nêu sáng kiến và đặc biệt cần thường xuyên nhắc nhở việc tránh phát biểu tràn lan, vô trách nhiệm, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm dụng diễn đàn hội nghị để đề cao chủ nghĩa cá nhân hoặc chỉ trích, phê bình cá nhân hay tổ chức một cách vô tội vạ, thiếu thiện chí và không có tính xây dựng.
Thiết nghĩ, muốn hoạt động có hiệu quả, trước hết, công tác tổ chức bộ máy cần được rà soát một cách thường xuyên để kịp thời kiện toàn, trong đó giữ vững kỷ cương của tổ chức phải được xem là một trong số các yếu tố ưu tiên hàng đầu.
Ảnh: DƯƠNG THU - BẢO TOÀN
HUỲNH TÀI LÂM