Xin cám ơn các bạn đã đến thăm Trang Bóng Chuyền Sài Gòn Online! Vì sao HLV tài năng Kiattipong Radchatagriengkai (Thái Lan) từng mơ là HLV trưởng ĐTQG nữ VN nhưng cũng bỏ chạy...?

Vì sao HLV tài năng Kiattipong Radchatagriengkai (Thái Lan) từng mơ là HLV trưởng ĐTQG nữ VN nhưng cũng bỏ chạy...?

Chuyện ông Hidehiro Irisawa (Nhật Bản) từ bỏ đội tuyển nữ Việt Nam ngay trước thềm SEA Games 29 mấy ngày nay làm bất ngờ cho giới bóng chuyền Việt nam. Với thành tích lần đầu tiên mang về chiếc HCĐ cho đội tuyển bóng chuyền nữ U23 Việt Nam ở giải vô địch U23 châu Á tháng 5/2017, HLV trưởng Hidehiro Irisawa mở ra nhiều hy vọng cho nhiệm vụ nâng tầm bóng chuyền nữ Việt Nam trong thời gian tới.
Thật ra, giới bóng chuyền cũng không quá bất ngờ với sự việc này, chuyện xin từ chức, xin không lên đội tuyển của các huấn luyện viên, vận động viên bóng chuyền Việt nam vẫn diễn ra nhiều năm nay, Rồi LĐBCVN cũng sẽ tìm một huấn luyện viên trưởng khác, công việc ở đội tuyển QG lại bắt đầu cải tổ, nhưng người hâm mộ bóng chuyền lại tiếp tục lo lắng, biết đến khi nào nhiệm vụ “vượt qua Thái Lan vươn ra tầm châu lục” mới hoàn thành…
Chuyện này chắc duy nhất có ở Việt Nam, việc được gọi lên đội tuyển, có cơ hội được cống hiến cho đội tuyển nữ Quốc Gia là một niềm vinh dự cho bất kỳ HLV, VĐV bóng chuyền Việt Nam nào. Kể cả các HLV nước ngoài khi được làm việc ở một đất nước có số lượng người hâm mộ thể thao đông đến vậy, nhất là hai môn bóng đá và bóng chuyền nữ. Vậy thì có gì khó khăn mà ông Hidehiro Irisawa phải xin từ chức khi dẫn dắt đội tuyển nữ Quốc Gia ở thời điểm hiện tại. 
Với những điều kiện đầu tư phải nói là tốt nhất hiện nay cho công tác tuyền chọn, đào tạo và thi đấu trình độ cao cho thấy bóng chuyền nữ đang có nền tảng vững chắc để biến hy vọng này thành hiện thực. Vậy mà chưa một lần bóng chuyền Việt nam vượt qua thành tích hạng 3/5 Ganefo châu Á của đội tuyển nữ miền Bắc trong thời kỳ khó khăn năm 1963, hay thành tích vô địch tại kỳ SEA Games 4 - năm 1969 của các VĐV bóng chuyền nam chỉ chơi nghiệp dư miền Nam.
Trao đổi vấn đề này với một chuyên gia bóng chuyền, ông tâm sự: Cách đây không lâu, trong một lần trò chuyện với ông Kiattipong Radchatagriengkai (HLV tài năng của đội tuyển bóng chuyền nữ Thái Lan). Ông luôn khen ngợi thể hình các cô gái bóng chuyền Việt Nam, chiều cao và các chỉ số thân thể tốt hơn nhiều so với đội nữ Thái Lan và các nước ở khu vực, đây là thể hình lý tưởng để có thể đáp ứng thi đấu trình độ cao ở khu vực và xa hơn. Ông Kiattipong còn nói: “nếu được Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam mời làm huấn luyện viên trưởng, tôi sẽ rất sẳn sàng”, thông tin này sau đó cũng được lan truyền rồi rơi vào quên lãng....?
Để thấy những nhận xét của ông Kiattipong Radchatagriengkai phần nào chính xác, chúng tôi đã có các con số thống kê quan trọng: Chiều cao trung bình đội tuyển nữ Thái Lan tham dự SEA Games 2015174cm, cao nhất 180cm (Thinkaow Pleumjit), tuổi trung bình 33; chiều cao trung bình đội tuyển nữ Việt Nam tham dự SEA Games 29 - 2017176cm, cao nhất 190cm (Thanh Thúy), tuổi trung bình 23.... 
Thực tế đã thấy các tuyển thủ nữ Việt Nam thi đấu không hề thua kém các VĐV bóng chuyền khu vực, Kim Huệ, Ngọc Hoa, Thanh Thúy, Đỗ thị Minh… đủ sức “tung hoành” ở giải Thái Lan. Vậy mà khi tập họp lại thành đội tuyển nữ Quốc Gia, chúng ta chưa bao giờ có một đội tuyển thi đấu ngang bằng trước Thái Lan, hay mang lại niềm niềm hy vọng trong tương lai. 
Bóng chuyền nữ Việt Nam đang có một giải quốc gia chất lượng, các CLB như Ngân hàng Công Thương, VTV Bình Điền Long An, Bộ tư lệnh Thông tin là thương hiệu trong công tác tuyển chọn và đào tạo VĐV giỏi. Thành tích thi đấu nhiều năm nay các đội tuyển trẻ ở cấp châu lục đã chứng minh điều này, bóng chuyền nữ Việt Nam hoàn toàn có điều kiện, có cơ sở để vươn tới một tầm cao hơn.
Cũng tiếc cho nhiều VĐV tài năng như Kim Huệ, Ngọc Hoa… đã qua thời kỳ đỉnh cao mà chưa có cơ hội chứng tỏ tài năng của mình ở những đấu trường thế giới như Tomkhon, Onuma, Pleumjit, Wilawan…
Bóng chuyền nữ Việt Nam lại đang có một thế hệ VĐV trẻ tài năng được đào tạo bài bản rất nhiều triển vọng như: Trịnh Thị Huyền (1995), Hà Ngọc Diễm (1994), Trần Thị Thanh Thúy (1997), Đinh Thị Thúy (1998), Đoàn Thị Xuân (1997)… tập thể trẻ trung này đã chứng tỏ năng lực của mình ở giải quốc nội và khu vực, mang lại nhiều hy vọng mới cho bóng chuyền nữ Việt nam.
Chuyện xảy ra ở đội tuyển nữ Quốc Gia cho thấy bóng chuyền Việt Nam còn nhiều vấn đề, trong đó một điểm yếu cố hữu “truyền thống” là sự đoàn kết. Vậy người hâm mộ bóng chuyền Việt nam sẽ còn phải chờ lâu lắm…
Ảnh: ĐÀO TÙNG
PHONG BA