Xin cám ơn các bạn đã đến thăm Trang Bóng Chuyền Sài Gòn Online! Chuẩn bị tập trung ĐTQG nam: Sẽ là thiếu sót nếu không gọi tay đập trẻ Võ Văn Tùng (Trẻ TPHCM)

Chuẩn bị tập trung ĐTQG nam: Sẽ là thiếu sót nếu không gọi tay đập trẻ Võ Văn Tùng (Trẻ TPHCM)

Chủ công trẻ Võ Văn Tùng (Bìa trái)
Đó là ý kiến của Người Quan Sát với BCSG khi người viết tình cờ gặp lại ông sau chuyến công tác từ miền Tây trở về của vị chuyên gia này.
Xin ông có thể cho biết rõ hơn?
NQS: Gặp lại đội Trẻ TPHCM tại Vĩnh Long, tôi nhận thấy đội bóng này đã thể hiện sự tiến bộ rất rõ rệt sau các thành tích đạt được tại giải hạng A toàn quốc, giải Vô địch Trẻ toàn quốc và giải Cúp các CLB Trẻ toàn quốc năm rồi. Tuy thua Bến Tre trên đẳng cấp nhưng khi họ thi đấu với các đội còn lại, Trẻ TPHCM trông chững chạc hẳn. Trong đó, đáng kể nhất vẫn là các tay đập Lê Hữu Phúc (8), Nguyễn Thanh Hải (19), chuyền hai Nguyễn Thoại Khương (2), "Đặc biệt" là chủ công tay trái mới 20 tuổi quê gốc Thanh Bình (Đồng Tháp) có chiều cao 1,98m – Võ Văn Tùng (17).
Vì sao ông gọi là “đặc biệt”?
NQS: Tôi biết Võ Văn Tùng trong một lần tình cờ đi công tác tại TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) vào năm 2012. Khi ấy, Văn Tùng là một cầu thủ mới được chọn vào lớp năng khiếu Bóng đá Đồng Tháp với vai trò là….thủ môn. Trông cậu đen nhẻm, khá gầy, tướng tá rặc con nhà nòi nông dân nhưng được cái khỏe mạnh. Chính ông Đào Ngọc Chánh (Giám đốc Trung tâm TDTT Quân đoàn 4) đã xuống liên hệ để mời Tùng về cho đội Trẻ áo lính. Điều đáng tiếc là từ đó cho đến gần đây, gặp lại cậu ấy vài lần trong màu áo Quân đoàn 4, dù chỉ để….xách bóng cho các bậc đàn anh, nhưng tôi không chú ý lắm vì chuyên môn của Tùng không có gì nổi trội so với các cầu thủ trẻ cùng lứa. Thế nhưng giờ đây đã khác, chị ạ.
Ông có thể nhận xét gì về Tùng trong lần gặp lại này?
NQS: Theo HLV trưởng đội tuyển TPHCM, ông Bùi Huy Châm, người cũng vừa cùng cả Ban Huấn luyện đội 1 xuống Vĩnh Long dự khán trận đấu chiều ngày 04/5 giữa Trẻ TPHCM và Đắc Lắc (3 – 0), thì Võ Văn Tùng về đội Trẻ TPHCM từ tháng 3/2016. Tập liên tục 7 tháng dưới trướng của HLV Nguyễn Văn Hòa, Tùng đã có sự chuyển biến rõ rệt về chuyên môn. Giờ đây có thể thấy, những quả ở hàng trên, Tùng thường đập trên tay chắn các đối thủ cùng hạng A toàn quốc. Thế nhưng những quả tấn công từ sau vạch 3m của cậu ấy đã rất ổn định ở tầm cao và ghi nhiều điểm thật ấn tượng.
Dường như ông rất thích cầu thủ này, thưa ông?
NQS: Không, đơn giản vì tôi nghĩ rằng nếu cậu ấy được gọi vào đội tuyển ngay từ bây giờ thì tốt quá.
Tại sao là bây giờ mà không để thêm thời gian thử thách vì dù sao các đối thủ của Tùng vẫn chỉ là các cầu thủ hạng 2 của BCVN hiện nay, thưa ông?
NQS: Theo tôi, tài năng thể thao thì cần gì phải chờ xếp hàng mới được vào đội tuyển quốc gia. Cách làm của BCVN lâu nay theo tôi thì cần xem lại. Đầu tiên là làm theo kiểu “mặt trận”: gom các HLV, VĐV của các đội hàng đầu hoặc phân bổ theo vùng miền cho vui vẻ cả làng chứ chưa hẳn đã đặt trách nhiệm quốc gia làm mục tiêu cao nhất. Nếu có cầu thủ ở tuyến dưới được gọi, thì đó cũng là số giỏi đã được các CLB hạng trên mời lên thi đấu ở giải VĐQG. Thử hỏi có nhà tuyển trạch nào chịu khó đi xem các giải hạng A, giải trẻ toàn quốc để tìm những tài năng mới, cầu thủ trẻ nhiều triển vọng của BCVN?
Ông có thể phát họa thêm đôi nét về vấn đề quan trọng này?
NQS: Người ta thường nói, lời thật dễ mất lòng, chị ạ. Với Bóng đá VN không hiểu thế nào nhưng theo tôi, đối với BCVN, ngay cả chuyện chọn HLV cho đội tuyển quốc gia nhiều năm nay, thường thì mặc định một số cái tên cho Ban Huấn luyện, còn không thì giao một vị nào đó là thuyền trưởng, rồi sau đó gọi thêm một vài trợ lý là HLV trưởng các đội có thành tích cao nhất ở giải VĐQG mùa gần nhất. Âu cũng do BCVN không có nhiều tiền để mời chuyên gia giỏi thôi. Cách làm đầu tiên cũng có thể chấp nhận vì tạo ra sự ổn định và các HLV nắm bắt tình hình bóng chuyền trong khu vực được xuyên suốt, đánh giá tương quan giữa các bên để tìm hướng đi có lợi nhất. Còn cách làm thứ 2 thì như đã nói, ai cũng có phần. Song theo tôi, với BCVN hiện nay thì không chắc đã hay. Bởi một CLB đoạt chức vô địch quốc gia, chưa hẳn HLV đội đó là một trong những người giỏi nhất mà thực chất là được giao nắm đội nhiều tiền để thuê tậu tinh hoa về. Cứ đặt trường hợp không phải là ông ta, có khi với lực lượng hùng hậu như thế, nhiều người khác sẽ còn làm giỏi hơn, hiệu quả hơn.
Còn với cầu thủ trẻ như Võ Văn Tùng thì sao, thưa ông?
NQS: Chuẩn bị cho những giải đấu lớn như Vô địch châu Á hay SEA Games 29 tại Malaysia vào tháng 8 tới, nhiều cái tên được dự kiến gọi tập trung đội tuyển quốc gia nam VN. Nhưng ngoài số cầu thủ đã thành danh, BCVN mãi gọi thêm số cầu thủ khá nhiều tuổi, chiều cao chỉ tầm dưới 1,90m thì đi để làm gì? Tầm tấn công thấp, chắn bóng không thể thì giải quyết điều gì cho đội tuyển? Còn như cho rằng gọi số ấy để giải quyết bài toán đỡ chuyền 1 – điểm yếu cố hữu của BCVN thì theo tôi, đó là những lời lẽ thiếu tính thuyết phục. Lỗi kỹ thuật trong phòng thủ hay đỡ chuyền 1 kém là lỗi hệ thống, từ đào tạo năng khiếu cho đến CLB rồi lên đến đội tuyển. Chẳng qua, ông “đỡ kém ít” được gọi để thay cho ông “đỡ kém nhiều” thôi chứ ai đứng vào đội hình thì cũng chẳng giúp cải thiện tình hình. Vậy thì BCVN chấp nhận loay hoay với cách làm ấy à?
NQS: Theo tôi, nếu thế thì tại sao chúng ta không mạnh dạn gọi nhiều cầu thủ trẻ như Võ Văn Tùng. Chiều cao gần 2m, chỉ mới 20 tuổi, tố chất và khả năng phối hợp vận động tốt thì cậu ấy sẽ có nhiều khả năng tiến xa, không chỉ ở tầm CLBTPHCM. Sau khi Nguyễn Hữu Hà nghỉ để chuyển sang công tác huấn luyện hoặc thi đấu cho các CLB đẳng cấp thấp hơn, BCVN chỉ còn các chủ công dày dặn kinh nghiệm như Ngô Văn Kiều, Hoàng Văn Phương, Lê Quang Khánh, Đặng Long Kiếm và tay đập đương thời Từ Thanh Thuận là những ngươi có tầm với tấn công có thể chơi được với Thái Lan, Indonesia hay Myanmar. Sau họ sẽ là ai nếu không là những cầu thủ trẻ như Võ Văn Tùng?
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này
HỒNG ÁNH thực hiện