Xin cám ơn các bạn đã đến thăm Trang Bóng Chuyền Sài Gòn Online! Những kỷ niệm vang bóng một thời: Bóng chuyền Trà Vinh - Cánh chim lặng lẽ

Những kỷ niệm vang bóng một thời: Bóng chuyền Trà Vinh - Cánh chim lặng lẽ

Lê Thành Hạc (Áo đỏ) - cánh chim đơn độc của bóng chuyền Trà Vinh
Trong các đội bóng chuyền khu vực phía Nam tham gia thi đấu hạng đội mạnh Quốc gia, đội bóng chuyền tỉnh Trà Vinh ít được chú ý nhất, hầu như họ không có tin tức gì trên giới truyền thông, các VĐV của họ hiền lành, ít tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng bóng chuyền. Tuy vậy trong suốt gần 10 năm thi đấu ở hạng đội mạnh Quốc gia, tập thể VĐV kết hợp giữa người Kinh và người Khmer luôn nằm ở top giữa, thấp nhất là hạng 7 (năm 2007), không lần nào lên xuống hạng cho đến khi đội giải thể vì khó khăn.
Năm 1992, sau khi tách tỉnh Cửu Long, cùng với nỗ lực gầy dựng lại phong trào thể thao tỉnh Trà Vinh, BC là môn được sự quan tâm đầu tư rất nhiều của lãnh đạo ngành thể thao tỉnh. Hai cán bộ chuyển về phụ trách môn bóng chuyền là Trần văn Triệu và Trần văn Việt đã dần đặt nền móng cho quá trình phát triển môn bóng chuyền ở vùng đất nhiều người dân tộc này, đặc biệt là khơi dậy sự yêu thích môn bóng chuyền của người Khmer và người Kinh ở đây.
Giải vô địch tỉnh được tổ chức lần đầu năm 1993 đã có rất nhiều đội huyện, cơ quan các ngành tham gia cho thấy phong môn BC được người Khmer và người Việt yêu thích, mạnh nhất là đội Tỉnh đội và nước mắm tỉnh Trà vinh, sau đó đại diện tỉnh là đội Tỉnh đội bắt đầu tham gia giải A1 toàn quốc.
Năm 1999, lớp năng khiếu đầu tiên được chuyển sang Bưu điện tỉnh Trà Vinh, được sự quan tâm về nhiều mặt, đội bóng có điều kiện tham gia thi đấu, nhanh chóng tiến bộ về chuyên môn, bắt đầu tham gia giải A1 toàn quốc. Năm 2001 đội Trà Vinh lên hạng đội mạnh Quốc gia và luôn nằm trong hạng trung bình của giải nhiều năm liền, trong đó thành tích cao nhất là đạt hạng 3 năm 2003. Đội hình thi đấu ổn định và trở thành một thế lực trong giải đội mạnh nhiều năm gồm HLV Lê văn Việt, các VĐV: Quốc, Song, Điền, Nhanh, Lực, Thi, Thế, Anh, Thoảng, Giang, Rêu, Siêng. Trong các VĐV người Khmer thi đấu nổi bật nhất là Kim Ngọc Song, với ưu thế nổi trội về sức mạnh và chiều cao, Song là tay đập biên rất hiệu quả trong giải Quốc gia, sau khi từ giả đội Trà Vinh, Song sau này còn là VĐV chủ công đội tuyển Campuchia tham gia SEA Games 25 tại Lào năm 2009.
Trong đội hình Trà Vinh còn có VĐV rất nổi tiếng Cao Bảo Quốc, năng lực sức mạnh bật tốt, kỹ thuật toàn diện, ngoài là VĐV tấn công chủ lực bóng chuyền trong nhà, Bảo Quốc đồng thời là VĐV bóng chuyền bãi biển, tham gia đội tuyển Việt Nam đạt huy chương bạc SEA Games 23 tại Việt Nam năm 2003.
VĐV Nguyễn Thanh Siêng tăng cường về đội bóng chuyền Sanest Khánh Hòa từ năm 2010, thi đấu rất ổn định nhiều năm trong top đầu hạng đội mạnh Quốc gia.
Năm 2008, sau khi ghép Sở, đội bóng không còn được hỗ trợ của Bưu Điện, ảnh hưởng sự khó khăn về kinh phí của ngành thể thao địa phương, không đủ điều kiện duy trì công tác tập luyện và thi đấu, đội bóng rớt hạng và chỉ còn tham gia thi đấu hạng A1 cho đến nay. Tuy vậy, BC Trà Vinh vẫn tiếp tục công tác đào tạo tuyến VĐV trẻ, trong số các VĐV sau này có Lê Thành Hạc, Hoàng Minh Trắng thi đấu rất thành công đội Đức Long – Gia Lai, góp phần cho chức vô địch năm 2013, hiện nay thi đấu cho đội Quân đoàn 4. 
Nhiều năm là một thế lực BC trong giải Quốc gia, ngành thể thao tỉnh tuy có nhiều khó khăn nhựng đã nhiều lần đăng cai tổ chức giải đội mạnh và giải tập huấn cho các đội bóng khu vực miền Tây, Trà Vinh là một điểm sáng tiêu biểu cho quá trình phát triển phong trào bóng chuyền của miền Tây.
Ảnh: ANH TÙNG
HLV VUI VẺ