Xin cám ơn các bạn đã đến thăm Trang Bóng Chuyền Sài Gòn Online! Mục Những kỷ niệm vang bóng một thời: Giúp bạn đọc ôn lại những hình ảnh đẹp một thời trên sàn đấu!

Mục Những kỷ niệm vang bóng một thời: Giúp bạn đọc ôn lại những hình ảnh đẹp một thời trên sàn đấu!

Nhằm giới thiệu đến bạn đọc các đội bóng và các HLV, VĐV đã từng thi đấu thành công, góp phần cho phong trào phát triển môn bóng chuyền khu vực phía Nam. BCSG mở chuyên mục: Những ký ức đẹp trên sàn đấu, để gửi đến bạn đọc những hồi tưởng về bóng chuyền của một thời, BCSG rất mong sự cộng tác của bạn đọc cung cấp thêm các tư liệu hay kỷ niệm về các đội bóng, HLV, VĐV mà bạn yêu thích.
Mở đầu là loạt bài giới thiệu về một số đội bóng chuyền miền Tây 
Bóng chuyền là môn rất phổ biến ở các tỉnh miền Tây, sau ngày thống nhất, từ Long An trở xuống hầu như tỉnh nào cũng có đội bóng chuyền tham gia giải QG, ngoài ra các giải phong trào như: giải nông dân, giải ngành, giải quân đội, Công an…được tổ chức thường xuyên thu hút đông đảo người hâm mộ, công tác tuyển chọn và đào tạo VĐV được quan tâm đầu tư rất sớm. Nhiều địa phương được đầu tư công tác huấn luyện trình độ cao và có đội tham gia thi đấu hạng mạnh QG như Long An (nam – nữ), Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ (Quân khu 9, Cảng Cần thơ), An Giang, Đồng Tháp (nữ)... Do điều kiện kinh phí khó khăn, nhiều đội bóng đã giải thể, tuy nhiên vẫn còn nhiều địa phương vẫn nổ lực duy trì đội bóng như Long An, Bến tre, Vĩnh Long, Hậu Giang (nữ)…và đào tạo được nhiều VĐV giỏi hiện nay như Từ Thanh Thuận, Nguyễn Văn Dữ, Hà Ngọc Diễm (Vĩnh Long), Lê Thành Hạc (Trà Vinh), Trần Thị Thanh Thúy (Long An).... 
Nói đến quá trình phát triển bóng chuyền miền tây không thể không nói đến công sức các Thầy bộ môn bóng chuyền trường ĐH TDTT TPHCM (ĐH TDTT TW 2), sau ngày thống nhất, trong quá trình đi giảng dạy các lớp tại chức các tỉnh, các Thầy đồng thời giúp công tác tuyền chọn và huấn luyện, công tác tổ chức và trọng tài các giải từ phong trào đến trình độ cao. Nhiều Thầy vẫn gắn bó với bóng chuyền miền tây một thời gian dài và gắn bó với các địa phương cho đến nay như: Bùi Huy Châm, Nguyễn Thành Lâm, Nguyễn Xuân Dung, Lương Khương Thượng, Đặng Đức Xuyên, Nguyễn Ngọc Tiên, Huỳnh Thúc Phong, Phan Ngọc Huy… 
Do gần nhau, bóng chuyền TPHCM và các đội bóng chuyền miền Tây dần hình thành mối liên kết với nhau về mặt chuyên môn cũng như mối quan hệ thân thiết giữa các VĐV, dần dần các giải thi đấu đều có tên chung chung là khu vực phía nam.
Nhằm giới thiệu bạn đọc về phong trào bóng chuyền khu vực phía Nam, đây cũng là những viên gạch đầu tiên trong những thời điểm khó khăn hình thành nên phong trào bóng chuyền bây giờ, BCSG mở loạt bài viết về vài điểm sáng bóng chuyền miền Tây.
Vĩnh Long - đội bóng chuyền Nam duy nhất miền Tây vô địch Quốc gia
Từ đầu những năm 1980, đội bóng chuyền Sở tài chính tỉnh Cửu Long đại diện tỉnh tham gia thi đấu hạng B giải Quốc gia, năm 1986 đội đạt chức vô địch vòng chung kết giải bóng chuyền Công nhân viên chức toàn quốc tại Đà Nẵng và dược đặc cách lên thi đấu hạng A2 (A1 bây giờ). HLV là thầy Bùi Huy Châm, các VĐV gồm:  Lưu Võ, Phước, Hào, Chánh, Quyền, Nghĩa, Sơn, Hội, Mười, Trầm, Triệu, Luật. Cũng năm này đội tuyển trẻ Vĩnh Long cũng vượt qua các đối thủ mạnh như TPHCM, Long An giành chức vô địch giải trẻ phía nam.
Năm 1989 Vĩnh Long lần đầu tham dự vòng chung kết hạng A1 tại Hải Phòng và giành chức vô địch, được thăng hạng đội mạnh Quốc gia cùng với đội Quân khu 5, đôi hình gồm HLV Nguyễn Ngọc Tiên và các VĐV: Quyền, Nguyễn Hùng Sơn, Triệu, Đạt, Sơn, Hải, Thành, Trần văn Sơn.
Năm 1996 giải đội mạnh Quốc gia tổ chức ở Long An và Vĩnh Long, tại sân nhà Vĩnh Long vượt qua các đội Công An TPHCM, Quân đoàn 4, Quân khu 5, Quân khu 4 với tỷ số 3/0, vào vòng chung kết thắng CLBQĐ (Thể công) 3/0, thua Dệt Thành công 2/3. Là đội bóng chuyền nam đầu tiên và duy nhất cho đến nay ở khu vực miền Tây vô địch giải đội mạnh Quốc gia. Đôi hình gồm các VĐV: Trần Văn Sơn, Tống Phát Đạt, Nguyễn Văn Thân, Nguyễn Xuân Thiều, Lê Thanh Hồng, Trần Anh Kiệt, Nguyễn Ngọc Quyền, Nguyễn Hùng Sơn, Trương Minh Hải, Trần Kiến Sơn, Nguyễn Thanh Phú), HLV Nguyễn Ngọc Tiên, VĐV Trần văn Sơn và Hà Thu Dậu là VĐV xuất sắc nhất giải.
Nhận xét về đội Vĩnh Long năm 1996 từ HLV Huỳnh Thúc Phong (HLV trưởng Dệt Thành Công 1993 - 1996) chia sẻ: Chúng tôi là đội duy nhất thắng Vĩnh Long, tuy nhiên về hạng nhì do thua tỷ số ván thắng/ thua (thua Công An TPHCM 2/3). Vĩnh Long mùa giải 1996 tuy có nhiều VĐV trẻ trong đội hình nhưng thi đấu ổn định và gắn kết, họ vô địch là xứng đáng. Đặc biệt với đội hình “có một không hai” gồm 4 VĐV chủ công thuận tay trái rất khéo léo luôn gây khó khăn cho hàng chắn đối phương. Chủ công Trần văn Sơn, thành viên đội tuyển Quốc gia (cùng VĐV Hà Thu Dậu đoạt giải VĐV xuất sắc nhất giải) là một trong các VĐV tay “chiêu” thi đấu nổi bật trong giải và nhiều năm sau trong đội hình Vĩnh Long, sức mạnh, sức bật, khả năng xử lý bóng khôn khéo từ hai biên và hàng sau, Sơn (bắp) là mẫu VĐV toàn diện khó tìm hiện nay.
Năm 2006 đội Vĩnh Long rớt hạng đến năm 2013 mới trở lại đội mạnh, lúc này HLV Bùi Huy Châm trở lại đội huấn luyện và đào tạo các VĐV rất nổi tiếng như Từ Thanh Thuận, Nguyễn văn Dữ... 
Trải qua nhiều thăng trầm, điều kiện khó khăn về kinh phí, bóng chuyền Vĩnh Long (nam – nữ) vẫn nỗ lực duy trì và phát triển đội bóng, là một điểm sáng trong phong trào BC khu vực phía nam và BC cả nước nói chung.
HLV VUI VẺ