Xin cám ơn các bạn đã đến thăm Trang Bóng Chuyền Sài Gòn Online! LĐBCVN cần tránh "Tiền hậu bất nhất"!

LĐBCVN cần tránh "Tiền hậu bất nhất"!

LĐBCVN cần tránh "Tiền hậu bất nhất"!
HLV Nguyễn Văn Quyết có cơ hội cùng các học trò Vĩnh Phúc trở lại giải VĐQG PV Gas 2018...?
Đã rất lâu chưa hội ngộ Người Quan Sát nên tình cờ gặp ông vào dịp cuối tuần, BCSG đã cuộc trao đổi ngắn với vị chuyên gia bóng chuyền này và ông đã thật lòng đáp lời khi được chúng tôi đề cập đến bài viết mới đây của tác giả MAI ANH với tựa đề: Số lượng đội ở giải VĐQG: Câu hỏi chưa có lời giải?
Thưa ông, đã khá lâu độc giả BCSG chưa được nghe những câu chuyện trải lòng của ông. Ông có thể cho biết mình có còn theo dõi những hoạt động của BCVN thời gian qua?
NQS: Có chứ, bóng chuyền là niềm đam mê của tôi. Vì vậy. khi theo dõi trang BCSG của các bạn, tôi rất thích cách đặt vấn đề của tác giả Mai Anh. Rõ ràng, có lẽ bấy lâu nay không ai chú tâm làm hoặc có biết nhưng làm không đến nơi đến chốn vì các đội có ai kêu và biết kêu ở đâu về số phận lên xuống: những ai được đặc cách lên hạng hay ai được ở lại, không phải xuống hạng?. Bởi, hiện chẳng có quy định nào. Khi “đụng” chuyện thì những nhà tổ chức có quyền “phán”, dù ai cũng biết đó là những phán quyết đầy cảm tính.
Xin ông nói rõ hơn…
NQS: Này nhé, tất cả đều do chẳng hề có quy định. Những đội không tham gia hoặc dừng cuộc chơi giữa chừng, trường hợp có lý do xác đáng thì như thế nào, trường hợp ngược lại thì ra sao?. Và những đội gặp hoàn cảnh như thế, liệu bao nhiêu trong số đó đã từng có văn bản báo cáo cụ thể với Tổng cục Thể dục thể thao (cơ quan quản lý nhà nước) và Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (tổ chức xã hội nghề nghiệp về môn thể thao) để xem ý kiến phản hồi thế nào. Tôi đoan chắc số đội làm đúng quy trình rất ít, thậm chí có thể là con số 0 và các cơ quan, tổ chức nêu trên đều chẳng biết phải làm gì ngoài chuyện tự nhủ: “Thôi, cuộc chơi của ta vẫn cứ tiếp tục”.
Vậy theo ông, phải như thế nào đối với trường hợp các đội bỏ cuộc hoặc rút lui trước giải, giữa giải như từng xảy ra không ít trong thời gian qua?
NQS: Tôi xin hỏi lại chị thế này, để qua chị nhiều người có góc nhìn rõ hơn: Tại sao cuối năm 2016, ngoài nữ Hà Nội vô địch hạng A giành quyền thăng hạng đầu tiên, chiếc vé thứ 2 của Giấy Bãi Bằng (giải thể ngay sau đó) mau mắn được các nhà tổ chức gợi ý cho đội hạng Ba là Đắc Lắc lên hạng nhưng sang năm 2017 cũng ở giải này, dù quy định chỉ 1 đội thăng hạng song do đội Hâu Giang (Vô địch) rút, người ta lại “quên” làm lại chuyện này: nếu Trẻ Hà Nội không được phép (do là đội 2 của Hóa chất Đức Giang Hà Nội), thì suất tiếp theo mời lên chơi “chiếu trên” phải là Thái Nguyên (hạng Ba) tương tự như trường hợp Đắc Lắc trước đó, đồng thời giải nam sẽ đôn Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (hạng Nhì, sau Bến Tre) lên thi đấu giải VĐQG 2018 một khi Quân đoàn 4 dừng cuộc chơi?
Hoặc ngược lại như nếu có quy định, khi Hậu Giang (nữ) và Quân đoàn 4 (nam) không tham dự, hai đội áp chót của giải VĐQG năm 2017 - Vĩnh Phúc (nữ) và VLXD Bình Dương (nam) xếp hạng 11 sẽ ở lại. Và thêm một giải pháp thứ 3: tổ chức thi đấu hai cặp để chọn ra một đội giành quyền thi đấu ở giải VĐQG 2018: đội áp chót phải xuống hạng và đội đứng phía sau liền kề đội thăng hạng (Vĩnh Phúc – Thái Nguyên và VLXD Bình Dương – BTL Cảnh sát cơ động). Thế nhưng, tất cả đều do….không có quy định nên mới có tình trạng năm xử lý thế này, năm giải quyết thế nọ, hệt như chuyện mưa bão do biến đổi khí hậu gần đây: khi sớm - khi muộn, cường độ khi to - khi nhỏ, mức độ tàn phá nhiều – ít v.v. Điểm khác nhau, có chăng, một chuyện là do….ông Trời quyết định, còn chuyện này là do con người – những người có trách nhiệm tổ chức các giải đấu.
Tóm lại, theo tôi, tất cả đều phải vận hành theo một bộ quy định khung. Tôi nghĩ điều đó không khó. Cái khó là có ai đứng ra làm hay không mà thôi.
Ông còn điều gì muốn tâm sự thêm?
NQS: Điều tôi lo nhất là hoạt động tới đây của Bóng chuyền Việt Nam, cụ thể là nhiệm kỳ sau của LĐBCVN chẳng hiểu sẽ ra sao. Như chúng ta đều biết, kinh phí từ ngân sách nhà nước hàng năm do Tổng cục Thể dục thể thao chi cho các môn thể thao không nhiều, chỉ đủ thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm có tính pháp định. Lâu nay Bóng chuyền Việt Nam hoạt động khời sắc là nhờ có nguồn tài trợ dồi dào, chủ yếu là từ các doành nghiệp ngành dâu khí (do ông Trần Đức Phân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Phó Chủ tịch LĐBCVN, làm sợi dây liên lạc để mời gọi, thu hút các nhà tài trợ). Nay thì khó. Theo tôi biết thì quỹ của LĐBCVN đầu nhiệm kỳ này còn khoảng trên dưới 5 tỷ đồng. Một khi các “bầu sữa” chính không còn thì buộc phải ăn của để dành. Hết của để dành thì…thôi. Tình cảnh của BCVN hiện nay và đến hết nhiệm kỳ này của LĐBCVN dường như là như vậy.
Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc trao đổi này, Chúc ông luôn mạnh khỏe và tiếp tục có nhiều liên lạc với BCSG cùng độc giả gần xa.
HỒNG ÁNH